Đẩy lùi hủ tục bằng sức mạnh truyền thông
BHG - Thời gian qua, ngành Y tế của tỉnh bằng việc đa dạng các hoạt động truyền thông đã tạo sức mạnh nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi người dân về hậu quả, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Tỉnh ta có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 87,2% tổng dân số toàn tỉnh; tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống mặc dù đã giảm nhưng còn ở mức cao; chủ yếu tập trung nhiều ở các huyện vùng cao biên giới; ở khu vực xa xôi, hẻo lánh, vùng có điều kiện KT – XH đặc biệt khó khăn. Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm có hàng trăm cặp tảo hôn và khoảng chục cặp hôn nhân cận huyết thống. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này do ảnh hưởng nặng nề của phong tục, hủ tục, tập quán lạc hậu, kết hôn sớm để có thêm lao động, người trong dòng họ lấy nhau sẽ không mất đi của cải... Bên cạnh đó, do trình độ dân trí thấp, việc tiếp cận thông tin không thường xuyên, hiểu biết và nhận thức về quy định của pháp luật trong người dân hạn chế; sự khác biệt ngôn ngữ, không thông thạo tiếng phổ thông cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Các cặp vợ chồng ở thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc được tuyên truyền về hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. |
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Giao cho biết: Sở đã xác định công tác tuyên truyền, vận động phải đi trước một bước, do đó đã xây dựng chương trình phát động phong trào “Thi đua xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh” giai đoạn 2022 - 2025 trong toàn ngành; chỉ đạo các đơn vị y tế lồng ghép triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu; phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào các hoạt động chung của đơn vị, đặc biệt là các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng và lồng ghép vào các ngày diễn ra các sự kiện về dân số.
Các hoạt động truyền thông được tổ chức dưới nhiều hình thức da dạng, phong phú, phù hợp nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, kỹ năng thực hành của mọi người dân về các vấn đề liên quan đến tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh; tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa về hậu quả, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...
Ngoài công tác phối hợp truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngành Y tế đã xây dựng hệ thống các cụm pano tuyên truyền trên các trục đường chính và khu đông dân cư; tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; biên soạn và in ấn các tài liệu, tờ rơi, áp phích, tranh lật, sách mỏng cung cấp cho cơ sở và cấp phát cho người dân. Đồng thời, phối hợp tổ chức truyền thông trực tiếp tại các trường THCS, THPT, trường Phổ thông dân tộc nội trú, trường nghề thông qua các hình thức sân khấu hóa, Hội thi rung chuông vàng, đối tượng là học sinh, sinh viên với các nội dung cung cấp về kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên; phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Phát huy thế mạnh của công nghệ thông tin, ngành Y tế đẩy mạnh các hoạt động truyền thông qua internet, trang tin điện tử, mạng xã hội, điện thoại di động và các phương tiện truyền tin khác; tăng cường truyền thông về dân số và phát triển trên các trang tin có nhiều người truy cập, các trang tin mà vị thành niên, thanh niên, nam giới và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ưa thích và quan tâm.
Xác định việc đẩy lùi hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu đã “bám rễ” trong đời sống nhân dân không phải việc có thể làm ngay, vì vậy các đơn vị y tế trong toàn ngành đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông về xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu; hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Chú trọng các hoạt động truyền thông vận động trực tiếp tại cộng đồng, thông qua đội ngũ cán bộ y tế - dân số tuyến cơ sở. Duy trì, củng cố, mở rộng và nâng cao chất lượng sinh hoạt của các loại hình câu lạc bộ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân. Xây dựng các thông điệp truyền thông ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ về việc xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, phòng ngừa tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống đăng tải thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng.
“Ngành sẽ tăng cường cung cấp thông tin cho cấp ủy, chính quyền địa phương; già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, người có ảnh hưởng đến công chúng và vận động họ tham gia tuyên truyền đến nhân dân. Lồng ghép tuyên truyền về xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, phòng ngừa tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống vào các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, lễ hội văn hóa, hương ước, quy ước và thiết chế văn hóa của cộng đồng. Truyền thông lồng ghép việc xóa bỏ hủ tục vào hoạt động ngoại khóa của các trường THCS và THPT trên địa bàn toàn tỉnh” – Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Giao cho biết thêm.
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc