Cô giáo Hoàng Thị Hằng nuôi dưỡng ước mơ phát triển giáo dục đặc biệt
BHG - Trẻ rối loạn phổ tự kỷ (chậm phát triển trí tuệ, chậm nói, tăng động giảm tập trung chú ý, khó khăn trong học tập...) đều cần được quan tâm, can thiệp giáo dục mới có thể phát triển và hòa nhập cộng đồng một cách tốt nhất. Hiểu rõ được điều này, từng chứng kiến cảnh nhiều cha mẹ người Hà Giang phải xách đồ đi khắp các trung tâm ở Hà Nội tìm môi trường can thiệp cho con đã thôi thúc cô giáo Hoàng Thị Hằng, sinh năm 1995, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập Ánh Nắng, tổ 12, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) nuôi dưỡng ước mơ đưa môi trường can thiệp giáo dục đặc biệt (GDĐB) một cách tốt nhất đến với trẻ em tại quê nhà.
Năm 2016, sau khi tốt nghiệp khoa GDĐB, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, cô Hằng quyết định về quê thực hiện điều mình ấp ủ. Thời điểm về quê, GDĐB tại Hà Giang chưa phát triển nên cô Hằng lựa chọn cách phát tờ rơi để tiếp cận học sinh và phụ huynh. Khi có học sinh, cô dạy theo hình thức 1 kèm 1. Là một người có chuyên môn, kinh nghiệm thực tế từ khi còn đi học giúp cô Hằng đưa ra giáo án phù hợp với từng học sinh. Nhờ vậy, cô nhận được sự tin tưởng của các phụ huynh, số lượng học sinh tăng lên từng ngày.
Cô giáo Hằng và học sinh trong một giờ học kỹ năng. |
Năm 2018, khi có số lượng học đông cô Hằng quyết định vay mượn, sử dụng hết vốn liếng mình có để mở trung tâm chuyên về can thiệp GDĐB và tuyển thêm nhân sự. Với tâm huyết của bản thân, ngoài việc trực tiếp đứng lớp dạy học, cô Hằng cũng dành thêm thời gian hỗ trợ cho giáo viên tại trung tâm. Những ai chưa có chuyên môn về GDĐB, cô Hằng đều tự bỏ tiền túi để đăng ký các lớp học chuyên ngành cho giáo viên. Với học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô Hằng hỗ trợ học phí, có những em cô miễn phí toàn bộ học phí, chỉ cần các em đi học và được hỗ trợ can thiệp giáo dục. Ở mỗi một thời điểm, cô đều đưa ra những định hướng cụ thể cho giáo viên để làm tốt nhất công việc can thiệp GDĐB cho từng đối tượng học sinh.
Cô giáo Hằng tâm niệm, muốn làm được GDĐB tốt, ngoài việc làm tốt chuyên môn, xây dựng được đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm thì cần phải có sự kết hợp chặt chẽ với phụ huynh. Bởi vậy, mỗi năm cô Hằng đều tổ chức 2 đến 3 buổi hội thảo, mời những chuyên gia hàng đầu trong ngành GDĐB lên chia sẻ và hướng dẫn về kỹ năng chăm sóc, hỗ trợ trẻ cho giáo viên và phụ huynh. Từ đây, phụ huynh sẽ biết cách chăm sóc con mình tốt hơn tại nhà, làm đúng giáo án giáo viên đưa ra. Ngoài ra, mong muốn giúp trẻ có thể hòa nhập cộng đồng một cách tốt nhất, cô Hằng chủ động liên kết với một số trường mầm non và tiểu học trên địa bàn huyện Bắc Quang để học sinh đã tốt nghiệp qua lớp can thiệp GDĐB tại trung tâm theo học. Với cách làm này, đã có rất nhiều học sinh của cô Hằng có thể hòa nhập được với bạn bè, đủ khả năng phát triển một cách tự nhiên.
Chị Hoàng Thị Le, một phụ huynh chia sẻ: Mình biết đến cô Hằng và quyết định cho con theo học tại trung tâm từ giữa năm 2022, khi đến trung tâm con của mình chưa có ngôn ngữ, khả năng giao tiếp kém. Nhưng theo học tại đây được một vài tháng, các kỹ năng của con tiến triển rõ rệt, đặc biệt là kỹ năng nói. Cô giáo Hằng cùng với các giáo viên trong trung tâm rất nhiệt tình, chu đáo từ việc giảng dạy đến hỗ trợ tôi về cách chăm sóc và hoàn thiện kỹ năng cho con ở nhà.
Hiện tại, trung tâm của cô Hằng đang có trên 50 học sinh can thiệp GDĐB, có thời điểm số học sinh đông trên 70 em. Cô giáo Hằng tâm sự: Nhìn từng lớp học sinh tốt nghiệp, có thể hòa nhập được với cộng đồng chính là nguồn độc lực để em không ngừng cố gắng. Giúp em thấy rằng mình không hề cô đơn trong hành trình làm về GDĐB, em mong rằng trong tương lai mình sẽ nhận được sự đồng hành hơn nữa từ mọi người xung quanh, từ các bậc phụ huynh để đưa GDĐB tại Hà Giang ngày một phát triển.
Bài, ảnh: Hồng Nhung
Ý kiến bạn đọc