Cảnh báo tình trạng kích điện tận diệt giun đất
BHG - Trung bình sau mỗi đêm, 2 người đi kích giun có thể thu được từ 15 - 20 kg giun đất loại to, thương lái đến thu mua tại nhà với giá 100 ngàn đồng/kg; một đêm kích giun cho thu nhập cả triệu đồng. Hám lợi trước mắt, một số người vẫn lén lút đi kích giun. Đây là hành vi phá hoại môi trường bởi giun đất đóng vai trò rất lớn trong việc tăng độ phì nhiêu cũng như độ tơi xốp, thông thoáng của đất.
Vì hám lợi trước mắt, nhiều người đã hủy hoại môi trường đất bằng việc kích giun trên những mảnh vườn, thửa ruộng của gia đình. |
Theo nghiên cứu từ các nhà khoa học: Giun đất có rất nhiều lợi ích cho thực vật và môi trường đất, như: Giun làm tơi xốp cho đất, giúp giữ nước trong đất tốt hơn. Tạo khoảng không trong đất giúp rễ cây tiếp xúc được với nhiều Oxi. Chất thải từ giun đất là một loại phân bón tự nhiên rất tốt cho cây trồng. Giun đất giúp cải tạo môi trường đất rất tốt nhất là đối với các vùng đất ít dưỡng chất. Đồng thời, thức ăn của giun đất là các mảnh vụn hữu cơ mục nát như xác, bã thực vật. Hệ thống tiêu hóa của chúng tập trung các thành phần hữu cơ và chất khoáng từ thực phẩm chúng ăn. Do vậy, chất thải của chúng rất giàu dinh dưỡng đối với đất trồng. Giun đất thường để lại phân trong hang của chúng, đó chính là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho cây sinh trưởng và phát triển…
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh ta từ tháng 6.2023 trở lại đây, tình trạng kích giun đang diễn ra ở một số địa phương, gây bức xúc cho Nhân dân bởi sự tàn phá môi trường đất nông nghiệp. Mặc dù người dân đã phản ứng quyết liệt và chính quyền địa phương truy bắt, ngăn chặn. Nhưng do lợi nhuận cao, một số đối tượng vẫn lén lút thực hiện hành vi kích giun.
Từ sự phản ánh của người dân những vùng có các đối tượng thường xuyên kích giun, phóng viên Báo Hà Giang đã tìm đến cánh đồng thôn Nà Diềm, xã Linh Hồ (Vị Xuyên). Là người trực tiếp ngăn chặn hành động tàn phá môi trường của những đối tượng kích giun ngay chính mảnh ruộng nhà mình, ông Đỗ Văn Mùi (thôn Nà Diềm) bày tỏ sự bức xúc: “Gia đình tôi có hơn một mẫu đất sản xuất nông nghiệp đã bị các đối tượng kích giun với những thanh sắt kèm dây điện nối với bình ác-quy mà khi thanh sắt cắm tới đâu là các con giun lớn, nhỏ đều ngoi hết lên mặt đất. Họ chỉ chọn lấy những con giun to còn những con giun nhỏ nằm chết la liệt trên mặt đất. Biết tác hại của việc kích giun nhưng cũng không thể ngăn cản được các đối tượng đó tiếp tục tàn phá mảnh đất của mình…”.
Do lợi nhuận cao nên nhiều người thu mua, chế biến giun đất để bán về đầu mối tập kết ở tỉnh Vĩnh Phúc, sau đó xuất sang Trung Quốc. |
Cánh đồng của thôn Nà Diềm, Lùng Chang canh tác mỗi năm 3 vụ, đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định, từng bước thay đổi đời sống của người dân nơi đây. Những người như gia đình ông Mùi biết bao đời gắn bó với cánh đồng, những thửa ruộng đó nên hiểu rất rõ giá trị của giun đất. Ông Mùi chia sẻ thêm với chúng tôi: Những “Chiếc máy cày tự nhiên” của người nông dân đang bị tận diệt. Khu vực cánh đồng nào có nhiều giun đất thì ở đó đất rất tơi, xốp và giàu dinh dưỡng nên khi gieo trồng các loại cây nông nghiệp sẽ lớn nhanh và cho năng suất cao. Để ngăn chặn sự tận diệt này, người dân chúng tôi hàng ngày phải luân phiên thay nhau “canh gác” đồng ruộng của mình trước những đối tượng tận dụng mọi thời gian để kích giun…”.
Trao đổi sự việc trên với chính quyền xã Linh Hồ, ông Lê Hữu Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Cấp ủy, chính quyền địa phương đã nắm bắt được tình hình và triển khai ngay các biện pháp ngăn chặn, truy bắt những người đi kích giun. Chỉ trong tháng 7, xã đã tổ chức tuần tra và 3 lần vây bắt các nhóm đi kích giun. Nhưng cả 3 lần các đối tượng đều vứt, bỏ lại dụng cụ vi phạm và bỏ chạy thoát thân”.
Để tìm hiểu tận tường về sự việc trên, trong vai những người muốn tìm mối để thu mua giun đất, nhóm phóng viên chúng tôi đã đến một số xã của huyện Vị Xuyên và thành phố Hà Giang để tìm những người chuyên đi kích điện, bắt giun đất. Qua trao đổi với các đối tượng được biết: Vào thời điểm này, khi thời tiết liên tục mưa, rất thuận lợi cho việc đi kích giun và hiện nay có một số đầu nậu chuyên đi các xã để vận động người dân kích giun về bán cho họ. Nếu người dân nhận lời thì các đầu nậu này sẽ cho mượn một bộ kích điện và hướng dẫn cách sử dụng. Hiện, giá giun đất tươi có giá dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/kg và trong một đêm, hai người đi kích từ 2 - 5 giờ sáng sẽ được 15 - 20 kg giun đất loại to để bán cho người thu mua với thu nhập từ 1,2 - 1,5 triệu đồng.
Với lợi nhuận cao như vậy, nhiều người dân đã bất chấp các khuyến cáo của cấp ủy, chính quyền địa phương, lén lút kích điện tận diệt giun đất trên chính diện tích đất nông nghiệp của địa phương. Khi nhiều người tham gia thì nhiều cơ sở thu mua, sơ chế giun đất bằng máy có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc và được phơi, sấy ngay tại nhà. Trao đổi với một trong những chủ cơ sở sấy giun đất được biết: Do lợi nhuận cao nên hiện nay có rất nhiều người thu mua, chế biến giun đất để bán về đầu mối tập kết ở tỉnh Vĩnh Phúc, sau đó xuất sang Trung Quốc. Còn việc chúng được sử dụng thế nào họ không quan tâm, miễn là lợi nhuận cao nên nhiều người làm.
Theo quy định của pháp luật: Hành vi đánh bắt giun đất bằng kích điện vi phạm khoản 2, Điều 7, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Vì vậy, rất mong các cấp, ngành, chính quyền cơ sở tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân; có biện pháp xử lý kiên quyết, ngăn chặn vấn nạn “Kích điện” bắt giun đất, hủy hoại môi trường này...
Bài, ảnh: PHI ANH
Ý kiến bạn đọc