Chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
BHG - Biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng diễn biến bất thường, thiên tai liên tiếp xảy ra, ảnh hưởng nặng nề đến người và tài sản của nhân dân. Với phương châm “4 tại chỗ”, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, các cấp, ngành đang triển khai nhiều giải pháp phù hợp, hiệu quả để chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN).
Diễn tập thực hành di dời người dân và tài sản ra khỏi vùng ngập úng tại thôn Bản Cưởm, xã Ngọc Đường. ảnh: Tư Liệu |
Năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 đợt rét đậm, rét hại; 5 đợt nắng nóng diện rộng; 6 đợt mưa lớn diện rộng kèm lốc sét, gió giật, mưa đá gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Toàn tỉnh có 15 người chết, 19 người bị thương; hư hỏng 7.845 ngôi nhà; trên 3.557 ha đất nông, lâm nghiệp bị thiệt hại; trên 24 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết; 188 điểm trường, trên 8 km kênh mương và trên 6 km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng với tổng khối lượng đất đá trên 463.660 m3; nhiều cơ sở hạ tầng lưới điện bị hư hỏng; 2 nhà máy thủy điện bị đất đá vùi lấp. Thiệt hại do thiên tai gây ra ước trên 840 tỷ đồng. Những con số trên là minh chứng rõ nét về sự khốc liệt của thiên tai mà con người đang phải chịu đựng.
Theo dự báo, năm 2021 tiếp tục là năm có nhiều diễn biến bất thường của thời tiết. Để chủ động ứng phó với thiên tai, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân, UBND tỉnh đã ban hành các chỉ thị, kế hoạch tăng cường công tác PCTT&TKCN; chỉ đạo các cấp, các ngành nâng cao năng lực hoạt động của lực lượng cơ động cấp huyện, đội xung kích cấp xã; ưu tiên nguồn lực đầu tư mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện cần thiết, sẵn sàng ứng phó kịp thời; chủ động nắm bắt tình hình thời tiết, ứng phó và khắc phục khi có tình huống thiên tai xảy ra; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, suối; rà soát, xác định các khu vực nguy hiểm, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để chủ động phương án di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; đánh giá hiện trạng công trình hồ chứa nước, hồ thủy điện, phát hiện hư hỏng để sửa chữa, khắc phục kịp thời; chủ động khắc phục hậu quả thiên tai với phương châm “4 tại chỗ”.
Hiện, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đang triển khai phương án, kế hoạch PCTT&TKCN năm 2021, trong đó tập trung vào các giải pháp trọng tâm: Ban hành kế hoạch đảm bảo an toàn Bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; nâng cao nhận thức người dân về công tác PCTT&TKCN; làm tốt công tác dự báo thiên tai, thông tin kịp thời; cụ thể hóa phương châm “4 tại chỗ” và dự kiến các phương án khi thiên tai xảy ra; đảm bảo lực lượng, phương tiện cho công tác PCTT&TKCN; kiện toàn BCĐ, thành lập tổ xung kích khắc phục hậu quả thiên tai; di dời các hộ dân vùng nguy cơ sạt lở cao; phối hợp chặt chẽ trong thực hiện quy trình vận hành xả lũ của các nhà máy thủy điện; kiểm tra, rà soát các trường hợp lấn chiếm hành lang, sông, suối gây ảnh hưởng đến dòng chảy, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; phát động phong trào trồng tre tại các bờ sông, suối, điểm nguy cơ sạt lở cao…
AN GIANG
Ý kiến bạn đọc