Phiên chợ cuối năm
BHG - Khi những cánh hoa đào nở rộ, khoe sắc khắp bản làng, ánh mắt những đứa trẻ lại ngập tràn mong đợi về những bộ quần áo mới; trong lòng các chàng trai, cô gái lại xốn xang nghĩ về phiên chợ ngày cuối năm… Chợ phiên cuối năm không chỉ là nơi để mua sắm các đồ dùng thiết yếu mà còn là nơi để mọi người gặp gỡ, giao lưu. Nét văn hóa đặc biệt của những phiên chợ ngày Tết vùng cao đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, Xuân về, cũng là một nét đẹp trong văn hóa các dân tộc nơi đây.
Người dân mua trang sức tại chợ phiên. |
Chợ phiên vùng cao được nhắc đến trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật, điện ảnh dường như không còn xa lạ với mỗi chúng ta. Nhưng phiên chợ ngày cuối năm mới chính là điểm nhấn, thể hiện rõ nhất những đặc trưng trong văn hóa các dân tộc trên Cao nguyên đá. Bất chấp cái lạnh “cắt da cắt thịt”, từ rạng sáng, trên lưng chừng núi, các mẹ, các chị, em xúng xính váy áo, hòa vào sương sớm, đi xuống chợ. Tiếng bước chân nhộn nhịp, tiếng nói cười vang vọng, tiếng còi xe xen lẫn với tiếng kêu của những chú lợn, dê, bò mang đi bán… Tất cả âm thanh ấy hòa vào nhau, xua tan đi sự lạnh lẽo, âm u của vùng đá xám. Phiên chợ cuối năm, người ta không còn quá quan trọng đến việc bán, mua. Những đồ dùng thiết yếu như thịt, rượu đã được chuẩn bị đầy đủ, bà con chỉ còn dành thời gian sắm sửa váy áo, mua thêm hương, nến, vài ba bức tranh, ảnh treo trong nhà. Chính vì vậy, những ngày này, chợ phiên như buổi dạ hội với mê man những sắc màu của quần áo thổ cẩm, những thiếu nữ dân tộc Mông, Lô Lô xinh tươi trong bộ trang phục truyền thống. Ai nấy nói cười như muốn bỏ lại hết những bộn bề khó khăn, mưu sinh của cuộc sống thường ngày.
Chợ phiên ngày cuối năm khác hẳn những phiên chợ ngày thường. Từ sớm tinh mơ, người bán, người mua khắp vùng đã đổ về chợ, dường như tất cả những sản vật tốt đẹp nhất đều được người ta dành dụm để góp vào sự phong phú của phiên chợ cuối năm ngày Tết. Góc này, một chị tay cắp nách cặp gà trống; góc kia, một anh đang hồ hởi kéo chú lợn đen đang kêu éc éc; giữa chợ, một vài sạp hương thơm ngào ngạt; cuối chợ, một góc đang túm tụm cười nói, tay bưng chén rượu ngô trong vắt và thơm lừng. Họ đang tâm sự về một năm đã qua đi, đủ mọi chuyện buồn, vui để rồi cùng nâng chén rượu chúc mừng chào năm mới, cùng những niềm hy vọng mới. Với bà con vùng cao, niềm vui trong năm mới là có được căn nhà kiên cố hơn, con cái được đến trường; ngô đầy nhà, bò, lợn đầy chuồng. Nhìn những nụ cười rạng ngời trên gương mặt của các bà, các chị, các cô gái, có lẽ việc bán được hàng hay không không còn là điều quá quan trọng. Niềm vui trong phiên chợ cuối năm giúp họ có thêm một mùa Xuân ấm áp.
Chợ phiên giáp Tết ở vùng cao với nét đơn sơ vốn có đã làm nên bản sắc riêng khác xa nơi đô thị. Chính vì vậy, những năm trở lại đây, nhiều công ty du lịch đã tận dụng khai thác nét văn hóa chợ phiên này, mở các tour du lịch trải nghiệm, trong đó có hoạt động trải nghiệm đi chợ phiên cuối năm vùng cao, thu hút đông đảo du khách tham gia. Qua đó giúp giới thiệu văn hóa, con người Hà Giang đến với du khách trong nước và quốc tế.
Chợ phiên cuối năm, vừa là một nét đẹp trong đời sống sinh hoạt vừa chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc vùng cao. Có lẽ, sự háo hức trông ngóng đến ngày chợ phiên chỉ người vùng cao mới hiểu và cảm nhận được, nhất là với phiên chợ ngày cuối năm. Người vùng cao ngóng chợ là để ngóng cái rộn ràng, tấp nập sắc Xuân, ngóng những ánh mắt, nụ cười của những người đã khiến họ cả mùa nhung nhớ… Xuân về, mang theo không khí tươi mới ngập tràn khắp các bản, làng. Một năm mới sắp đến với những lo toan, hối hả, đến với phiên chợ vùng cao để bán đi những nhọc nhằn năm cũ, mua về những niềm vui, hy vọng một năm mới đủ đầy, hạnh phúc.
Bài, ảnh: MY LY
Ý kiến bạn đọc