Khám, chữa bệnh từ xa phát huy hiệu quả ở vùng sâu, vùng xa

14:34, 04/12/2020

BHG - Khám, chữa bệnh (KCB) từ xa (Telehealth) mang lại nhiều lợi ích, phát huy hiệu quả ở vùng sâu, xa, có điều kiện đi lại khó khăn như ở tỉnh. Qua đó, người bệnh chỉ cần ở tuyến dưới cũng được KCB với các bác sĩ giỏi, đỡ tốn kém, mất thời gian đi lại và chờ đợi, giúp làm giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. 

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ tham gia hội chẩn trực tuyến do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chủ trì.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ tham gia hội chẩn trực tuyến do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chủ trì.

Thực hiện Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025 của Bộ Y tế, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế rà soát, đăng ký nhu cầu tham gia đề án. Theo đó, tại tỉnh có 25 điểm cầu KCB từ xa được kết nối với các bệnh viện tuyến Trung ương. Nhờ có chương trình KCB từ xa mà bà con ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa không còn phải đi lại vất vả để chữa bệnh nữa mà vẫn có thể được các bác sĩ ở tuyến đầu tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị. Chị Thào Thị Khía, xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ), chia sẻ: “Trước kia bị bệnh nặng thì phải xuống Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh khám, nếu không được thì phải đi tận Hà Nội. Trong khi từ nhà tôi đi ra đến BVĐK huyện đã gần 30 km, chưa kể phải đi từ huyện đến tỉnh, Trung ương quãng đường dài gần 400 km, vừa tốn kém vừa mất thời gian đi lại, tìm chỗ ăn, ở rất vất vả, trong khi điều kiện kinh tế của gia đình còn khó khăn. Bây giờ tôi đến khám ở BVĐK huyện nhưng vẫn được các bác sĩ uy tín ở Trung ương chẩn đoán bệnh nên đỡ vất vả, tiết kiệm được nhiều chi phí, tôi rất vui mừng khi có hệ thống KCB từ xa đi vào hoạt động”. 

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ khám bệnh cho bệnh nhân.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ khám bệnh cho bệnh nhân.

Phó Giám đốc BVĐK huyện Quản Bạ, Viên Đức Hải, cho biết: “Từ khi có hệ thống Telehealth đi vào hoạt động, chúng tôi gửi bệnh án, phim chụp của bệnh nhân, nhờ các bác sĩ ở Bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội hội chẩn và cho hướng điều trị. Sau khi bệnh nhân được các chuyên gia hội chẩn, kết quả được đưa vào hệ thống tại Hà Giang, bệnh nhân và nhân viên y tế có thể tra cứu dữ liệu bằng tài khoản và mật khẩu của mình. Việc ứng dụng hệ thống KCB, tư vấn từ xa sẽ giúp bệnh nhân được kiểm tra, kiểm soát sức khỏe kịp thời. Ví dụ: Vừa qua BVĐK huyện tiếp nhận 1 bệnh nhân bị đau bụng không rõ nguyên nhân, chúng tôi đã gửi phim chụp về cho các thầy ở BV Đại học Y Hà Nội xem, hội chẩn và đưa ra hướng điều trị, đến nay bệnh nhân đã khỏi bệnh và xuất viện. Nếu là trước đây thì chúng tôi phải chuyển bệnh nhân này lên tuyến trên, nhưng bây giờ người bệnh không cần đi nữa mà vẫn có hướng điều trị kịp thời”. Từ đầu năm đến nay BVĐK huyện Quản Bạ đã KCB cho trên 13.600 bệnh nhân; trung bình 1 tuần có 1 ca bệnh nặng được các bác sĩ tuyến trên hội chẩn. Từ khi có hệ thống Telehealth, số ca bệnh phải chuyển lên tuyến trên đã giảm đi 5% so với cùng kỳ năm trước.

Tất cả các trường hợp mà BV tuyến dưới đưa ra hội chẩn đều là các ca bệnh nặng, phức tạp, các bác sĩ cơ sở gặp khó khăn trong chẩn đoán, điều trị. Nhờ các buổi KCB từ xa, nhiều bệnh nhân nặng, những trường hợp cấp cứu không kịp chuyển tuyến đã được cứu sống do được hội chẩn và tư vấn từ xa; đưa ra hướng xử lý chính xác và kịp thời, giúp nâng cao khả năng cứu chữa người bệnh. Ngoài ra, hàng tuần các bác sĩ tại BVĐK huyện Quản Bạ cũng ngồi nghe các buổi KCB trực tuyến ở các nơi khác để học hỏi thêm kinh nghiệm. Đây là phương pháp đào tạo, hướng dẫn cho bác sĩ trẻ, bác sĩ ở vùng sâu, vùng xa nâng cao năng lực y tế ở cơ sở. 

Tuy nhiên, hiện nay các BVĐK ở vùng sâu, vùng xa đều rất khó khăn về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất để kết nối. Như tại BVĐK huyện Quản Bạ còn thiếu máy chụp CT, nội soi… nên chỉ làm được các xét nghiệm cơ bản. Tỷ lệ thực hiện các dịch vụ kỹ thuật thấp; trang thiết bị chưa đáp ứng đủ theo yêu cầu phát triển của các chuyên khoa, theo chức năng BV. Nhân lực của BV chủ yếu là các bác sĩ chuyên khoa cấp I, chuyên khoa lẻ, cử nhân điều dưỡng, kỹ thuật viên, chuyên khoa sâu. Do đó, BV tuyến cơ sở cần được quan tâm đầu tư để đạt mục tiêu mà Đề án “khám, chữa bệnh từ xa” của Bộ Y tế đề ra là mọi người dân đều được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến cơ sở. 

Bài, ảnh: LÊ HẢI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tổng kết chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"

BHG - Ngày 30.11, tại xã Lao Chải, huyện Vị Xuyên, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh và Hội LHPN tỉnh tổ chức tổng kết chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" giai đoạn 2018 - 2020.

 

30/11/2020
Triển lãm truyền thông "Trẻ em không phải cô dâu"

BHG - Nhằm tiếp tục lan tỏa thông điệp, thay đổi nhận thức của trẻ em và phụ huynh về vấn nạn tảo hôn, sáng 29.11, Tổ chức phi Chính phủ Good Neighbors Việt Nam (GNI) phối hợp với UBND huyện Quang Bình tổ chức triển lãm truyền thông "Trẻ em không phải cô dâu". Tham dự có lãnh đạo huyện Quang Bình, đại diện Sở Ngoại vụ, đại diện của Tổ chức GNI; các đại sứ đồng hành cùng Dự án "Trẻ em không phải cô dâu" là Hoa hậu H'Hen Niê, ca sỹ Hari Won, Biên tập viên Mạnh Khang, MC Công Tố, diễn viên Trung Ruồi, diễn viên Minh Tít, nhiếp ảnh gia Nhật Lê…

 

29/11/2020
Sở LĐTB&XH tặng quà trường PTDTBT THCS Thanh Thủy

BHG - Ngày 27.11, tại Trường PTDTBT THCS Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Sở LĐTB&XH phối hợp với Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam tặng quà cho thầy và trò nhà trường.

 

28/11/2020
Bàn giao nhà Chữ thập đỏ cho hộ nghèo xã Pả Vi

BHG - Ngày 26.11, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, cụm thi đua Hội Chữ thập đỏ các tỉnh Trung du Việt Bắc và thành phố Hà Nội đã tổ chức cắt băng khánh thành nhà "Chữ thập đỏ" cho các hộ nghèo xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc...

 

27/11/2020