Động lực phát triển miền cực Bắc
BHG - Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; thực sự là tổ ấm của mỗi người, “tế bào” lành mạnh của xã hội đã trở thành quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền tỉnh đối với công tác gia đình (CTGĐ) trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ông Đặng Hà Vẻ, xã Hữu Sản (Bắc Quang) giúp cháu nội hiểu về những Huân, Huy chương được được thưởng trong kháng chiến. |
Ngày 29.5.2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 629/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Thực hiện chủ trương này, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đưa CTGĐ trở thành động lực thúc đẩy phát triển toàn diện KT-XH trên miền cực Bắc. CTGĐ giữ vị trí quan trọng trong các kế hoạch, chương trình công tác thường xuyên của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; thuộc chỉ tiêu phát triển KT-XH của địa phương. Qua đó, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam. Không những vậy, tỉnh ta còn có nhiều chính sách, chương trình an sinh xã hội để góp phần thực hiện tốt CTGĐ, như: Dạy nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao mức sống người có công; phòng, chống tệ nạn xã hội; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; thực hiện bình đẳng giới; trợ giúp xã hội thường xuyên cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ đột xuất trường hợp gặp rủi ro, thiên tai kịp thời khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống…
Các cấp, ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội. Ví như Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã thông qua 2.071 tổ hòa giải ở thôn, tổ dân phố để tuyên truyền, tư vấn, giáo dục đời sống cho hộ gia đình và đối tượng nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn. Hay Ban đại diện Hội Người cao tuổi các cấp vận động hội viên tích cực xây dựng đời sống văn hóa gia đình, cộng đồng và xã hội; vận động người cao tuổi thực hiện tốt phong trào thi đua “Tuổi cao gương sáng”, “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” nhằm tôn vinh giá trị các mối quan hệ giữa ông bà và con cháu trong gia đình… Đặc biệt, thông qua các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình tại 193/193 xã, phường, thị trấn đã góp phần hạn chế tối đa số vụ bạo lực gia đình. Nếu như năm 2010, toàn tỉnh có 452 vụ bạo lực gia đình thì đến cuối năm 2019 chỉ còn 211 vụ. Không những vậy, gia đình đã phát huy vai trò “pháo đài” ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập, thông qua việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân, gia đình; bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình… Hằng năm, 95% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình; số hộ có bạo lực gia đình hay gia đình có người mắc tệ tạn xã hội, tảo hôn giảm trung bình 10 – 15%. Mặt khác, trên 95% gia đình dành thời gian chăm sóc, dạy bảo, tạo điều kiện cho con, cháu phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức và tinh thần, không phân biệt con, cháu là trai hay gái; 95% gia đình chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo ông, bà, cha, mẹ, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ. Điều này, góp phần phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình...
Thực tế cho thấy, CTGĐ đã có bước phát triển tiến bộ; việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân được chú trọng, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Việc tuyên truyền ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Không ít người dân chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; hệ lụy kéo theo là một bộ phận thế hệ trẻ có dấu hiệu xuống cấp về đạo đức, lối sống. Đơn cử như, ngày 3.4.2020, Công an thành phố Hà Giang bắt quả tang nhóm đối tượng gồm 6 nam, 5 nữ sử dụng ma túy tổng hợp, tại một quán hát trên địa bàn phường Trần Phú. Trong đó, có 2 đối tượng nữ chỉ mới 16 tuổi… Ngoài ra, CTGĐ cũng đối diện thách thức khi tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý, phương thức hoạt động chưa đồng bộ: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan quản lý nhà nước về CTGĐ nhưng hiện nay, việc tổ chức thực hiện CTGĐ không do ngành này quản lý, gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện cũng như kiểm tra, giám sát, tổng hợp báo cáo. Hơn nữa, cán bộ làm CTGĐ các cấp còn thiếu và chưa được đào tạo về chuyên môn, lại thường xuyên có sự thay đổi. Thêm vào đó, số liệu về gia đình đòi hỏi thu thập từ khu dân cư nhưng đội ngũ cộng tác viên tại địa bàn còn thiếu và yếu. Mặt khác, kinh phí cho hoạt động còn thấp, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao; đặc biệt là cấp cơ sở, không được sử dụng nguồn kinh phí riêng cho CTGĐ mà sử dụng nguồn sự nghiệp văn hóa, dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động tại địa phương.
Hiện CTGĐ vẫn rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân để xây dựng gia đình thực sự là “tế bào” lành mạnh của xã hội; là môi trường hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách; bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội; tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÙY
Ý kiến bạn đọc