Tiến sỹ của nhà nông
BHG - Đó là cái tên thân mật mà mọi người dành tặng cô giáo Nguyễn Thị Thơm, Tiến sỹ chuyên ngành thú y, giảng viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, nên từ nhỏ, cô Thơm đã dành tình yêu thương đặc biệt với những vật nuôi trong gia đình; nhen nhóm ước mơ trở thành bác sỹ thú y. Lớn lên, thỏa đam mê, cô đã theo học đúng chuyên ngành yêu thích và trở về giảng dạy ngay chính tại quê hương mình. Đến nay, cô đã công tác được gần 10 năm tại Khoa Nông nghiệp và PTNT, Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh. Cô Thơm không chỉ là một giảng viên giỏi chuyên môn mà còn được đồng nghiệp, học sinh hết sức yêu quý. Cô cùng đồng nghiệp xây dựng, phát triển khoa ngày càng có nhiều đổi mới, sáng tạo. Khắc phục khó khăn của bản thân, hàng tháng, cô đều đưa các em học sinh đi thực tế tại các tỉnh, mong muốn để các em hoàn thiện kỹ năng, sớm tiếp cận được công việc. Từng bước dìu dắt những thế hệ học sinh có tài, có đức, phục vụ cho quê hương. Bên cạnh việc giảng dạy, cô Thơm còn mở cửa hàng bán thuốc thú y tại thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên) và giúp chữa trị vật nuôi của các gia đình trong vùng. Cô luôn tự coi mình là “Bạn của nhà nông”, đau đáu, day dứt với những ca bệnh chưa thành công để cố gắng hoàn thiện chuyên môn hơn nữa, giúp chữa trị cho nhiều vật nuôi, gia súc hơn.
Vừa qua, cô Thơm đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ với Đề tài: “Nghiên cứu một số đặc điểm bệnh lý của lợn mắc tiêu chảy thành dịch do virus gây ra trên lợn đen và lợn rừng tại tỉnh Hà Giang”; trở thành Tiến sỹ đầu tiên của tỉnh trong lĩnh vực thú y. Chia sẻ với chúng tôi về việc lựa chọn đề tài bảo vệ, cô Thơm cho biết: Ở tỉnh ta, bà con chăn nuôi chủ yếu lựa chọn nuôi lợn đen, lợn rừng là giống lợn địa phương có giá trị. Sau khi đi điều trị thực tế tại các thôn, tôi nhận thấy người dân chưa có điều kiện chăm sóc tốt và cũng chứng kiến rất nhiều trường hợp lợn con sinh ra rồi bị bệnh chết; gây thiệt hại lớn cho người nông dân cũng như với việc bảo tồn giống lợn quý của tỉnh. Cũng chính vì những nguyên nhân đó đã thôi thúc tôi tìm hiểu sâu hơn, thực hiện hàng trăm mẫu nghiên cứu để tìm ra được nguyên nhân gây bệnh. Từ đó hướng dẫn bà con chăn nuôi phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Đến nay, công trình nghiên cứu của cô Thơm đã được sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh cho lợn đen, lợn rừng tại tỉnh Bắc Giang; một số trường học đã lấy làm tư liệu giảng dạy. Cô cũng được mời tham gia nhiều hội nghị, hội thảo lớn như: “Hội thảo bệnh lý Thú y châu Á lần thứ 9”; “Hội nghị Thú y châu Á Thái Bình Dương”,...
Khi nói về những thành tích đã đạt được, cô Thơm không quên chia sẻ với chúng tôi về những sự giúp đỡ, tạo điều kiện, động viên của bạn bè, đồng nghiệp, của cơ quan để cô vượt lên những khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Cô chia sẻ: Ở tỉnh ta, điều kiện kinh tế còn nhiều hạn chế, chưa có những đầu tư nhất định đối với chuyên ngành thú y; nhiều gia đình kinh tế chính dựa vào chăn nuôi nhưng chủ hộ lại không được tập huấn, đào tạo bài bản nên lúng túng trong xử lý dịch bệnh. Từ đó càng thôi thúc tôi cố gắng hơn, mong muốn góp phần nhỏ bé giúp đỡ các hộ chăn nuôi tại các thôn, xã khó khăn; cũng là mong muốn làm được điều gì đó cho quê hương.
Cô giáo, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thơm khi trên lớp vô cùng ấn tượng với những bài giảng hay, sâu sắc thì sau giờ dạy học lại nhanh chóng khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ, đến từng nhà khám, chữa bệnh cho những con vật nuôi, ở cả những thôn, bản xa. Đó là sự thấu hiểu, chia sẻ mà không phải ai cũng làm được. Tên gọi Tiến sỹ của nhà nông quả không sai.
Bài, ảnh: MY LY
Ý kiến bạn đọc