Nỗi niềm người dân vùng mỏ Ăng-ti-mon Mậu Duệ
BHG - Mậu Duệ (Yên Minh) là một trong những xã trọng điểm về khai thác (KT) và chế biến (CB) khoáng sản (KS) của tỉnh. Xã được thiên nhiên ban tặng cho nguồn tài nguyên KS Ăng-ti-mon có hàm lượng cao, trữ lượng vào loại lớn nhất Việt Nam (trên 330 nghìn tấn). Mỏ Ăng-ti-mon Mậu Duệ có triển vọng phát triển thành ngành Công nghiệp mũi nhọn về KT và CB KS của tỉnh. Tuy nhiên, cùng với nguồn lợi kinh tế mang lại thì những tác động đến môi trường và xã hội từ hoạt động KT KS tại xã đang ngày càng diễn biến phức tạp.
Đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cùng một số sở, ngành tham quan thực tế tại Nhà máy luyện quặng Ăng-ti-mon xã Mậu Duệ (Yên Minh). |
Xã hiện có 17 thôn, bản; với diện tích đất tự nhiên trên 4.485 ha. Khi tiến hành KT KS, Công ty CP CKKS Hà Giang đã chuyển đổi trên 35 ha đất sản xuất của bà con sang đất KT KS. Mùa khô, nước ở các khe suối bị bồi lắng bởi các lớp, đất, đá, xỉ quặng nên thường cạn kiệt, làm cho nước sinh hoạt và sản xuất trong vùng bị suy giảm. Theo phản ánh của người dân thôn Pắc Luy, do hoạt động KT KS tại mỏ Ăng-ti-mon; hơn 80 hộ với 300 khẩu đã phải đi lấy nước ở nơi khác cách xa hơn 500 m về để sử dụng và đầu tư hệ thống kênh dẫn nước ở nơi khác về để sản xuất, vì nguồn nước suối Nậm Soọc hiện nay đục, bẩn không sử dụng được. Anh Nguyễn Đình Vinh, Trưởng thôn Pắc Luy cho biết: “Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng, hoạt động KT KS ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Nhưng chúng tôi thấy, gần đây, người dân thường hay đi khám vì kêu bị đau đầu, nổi hạch. Mong muốn Công ty hay chính quyền địa phương hỗ trợ khám bệnh cho bà con”. Anh Sình Mí Lùng, Trưởng thôn Ngàm Soọc cho biết: “Lo ngại nhất là có một số em học sinh chưa học hết Tiểu học đã trốn tiết, nghỉ học “kháo nhau” đi mót quặng. Khuyên bảo thì khó, vì mót quặng bán kiếm được tiền ngay. Ngày nắng, KT KS khiến không khí cách 2-3 km vẫn bị bụi mù, bám hết vào bát đũa của nhà dân. Xỉ quặng nhiều tạo thành hố sâu, nên bà con không có đường dắt gia súc đi làm, phải đi vòng đường khác. Muốn Công ty vùi lấp ao hoặc làm đường, xây cầu cho bà con tiện đi lại”.
Mỏ Ăng-ti-mon Mậu Duệ đã khai thác được 20 năm nay, nhưng người dân quanh khu vực chưa hiểu hết quyền được giám sát việc thực thi chính sách BVMT. |
Cuối tháng 11.2016, tại xã Mậu Duệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Liên Minh Khoáng sản Việt Nam tổ chức Hội thảo thúc đẩy cộng đồng tham gia giám sát thực thi chính sách bảo vệ môi trường (BVMT) KT KS. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Bên cạnh những kết quả tích cực về KT KS tại điểm mỏ Ăng-ti-mon, xã Mậu Duệ như tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, tạo việc làm cho lao động địa phương; thì hoạt động KT KS đã phần nào ảnh hưởng đến môi trường và cộng đồng dân cư tại xã, như: Làm suy giảm chất lượng và cạn kiệt nguồn nước sản xuất và sinh hoạt của người dân Pắc Luy; môi trường không khí bị ô nhiễm do quá trình nghiền, tuyển, chế biến quặng; đồng ruộng bị đất đá, xỉ quặng vùi lấp và cuốn trôi...
Anh Nguyễn Văn Biên, Phó Giám đốc Công ty CP CKKS Hà Giang cho biết: “Về phía Công ty đã tiếp thu, ghi nhận và sẽ xem xét những ý kiến từ Hội thảo để tạo điều kiện về môi trường cho bà con khu vực KT bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, người dân thường đi mót quặng có lúc kéo đến cả trăm người, làm thất thoát quặng, ảnh hưởng đến giá trị KT của Công ty. Phân xưởng đã tuyên truyền, vận động người dân không mót quặng bởi đó là tài sản của Công ty và hơn hết nó tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Thế nhưng, có lúc một vài thanh niên trong nhóm đi mót đã gây gổ, xô xát khiến một số bảo vệ của phân xưởng bị thương”.
Theo tìm hiểu, một người đi mót quặng được khoảng từ 3-8 kg/ngày, có thể bán cho thương lái Trung Quốc đặt mua, kiếm được từ 50 - 100 nghìn đồng/ngày. Anh Vừ Sé Súng, người dân Ngàm Soọc cho biết: “Đã có một số người trong thôn đi mót quặng bị đá lăn và ngã bị thương. Nhưng họ cũng biết mình làm sai và phải tự chịu nên không dám báo chính quyền”.
Việc nước suối Nậm Soọc bị ô nhiễm khiến cuộc sống của người dân và sự phát triển KT – XH của địa phương bị ảnh hưởng. Trong khi đó, xã Mậu Duệ lại là xã đạt chuẩn Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM. Vì vậy, trước thực trạng tác động đến môi trường từ hoạt động KT KS của Công ty CP CKKS Hà Giang, rất cần các cấp, chính quyền, ngành chức năng vào cuộc kịp thời, có biện pháp khắc phục để người dân ổn định cuộc sống.
Bài, ảnh: HẰNG NGA
Ý kiến bạn đọc