Hiệu quả các phong trào thi đua "Dân vận khéo" của phụ nữ Quang Bình
BHG - Thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Quang Bình đã tích cực thực hiện hiệu quả nhiều mô hình “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua của Hội. Chị em, hội viên đã tích cực tham gia hoạt động Hội, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thi đua xây dựng gia đình hạnh phúc... góp phần đẩy mạnh phát triển KH - XH của địa phương.
Phụ nữ Quang Bình tích cực phát triển kinh tế gia đình. Trong ảnh: Mô hình trồng cam VietGAP của hội viên phụ nữ xã Vĩ Thượng. |
Chủ tịch Hội LHPN huyện Quang Bình, cô Hoàng Thị Giang, cho biết: “Hiện nay, toàn Hội có tổng số 7.586 chị em hội viên. Xác định “dân vận khéo” là “chìa khóa” mang lại hiệu quả tích cực trong mọi mặt công tác của Hội, phong trào phụ nữ không thể mạnh, chị em không thể yên tâm tham gia công tác Hội khi kinh tế gia đình không ổn định, vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của Hội đặt ra là đẩy mạnh phong trào thi đua phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững bằng các giải pháp cụ thể; giúp chị em, hội viên có thêm cơ hội việc làm, tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống”.Xác định hỗ trợ vốn là “đòn bẩy” để giúp chị em thoát nghèo, vươn lên làm giàu, thời gian qua, Hội LHPN huyện Quang Bình đã khai thác tối đa các nguồn vốn hỗ trợ từ nguồn quỹ Hội, duy trì và nhân rộng mô hình “Nuôi lợn nhựa”, nuôi luân chuyển lợn nái sinh sản cho hộ nghèo. Trong năm, Hội đã luân chuyển 2 lợn nái sinh sản và 7 lợn con cho 5 hộ dân chăn nuôi (ở các xã Tân Nam, Yên Thành, Bằng Lang và thị trấn Yên Bình); góp Quỹ “lợn nhựa” của các xã được gần 7 triệu đồng. Cùng với đó, Hội cũng tích cực tuyên truyền, vận động chị em, hội viên huy động “Tiết kiệm tại chi hội” (500.000 đồng/hội viên/tháng) với tổng số tiền gần 150 triệu đồng/1.769 thành viên, mức vay từ 500.000 – 2.000.000 đồng. Tiếp tục phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn. Đến nay, Hội quản lý 58 tổ/2.329 hộ, tổng dư nợ lên đến gần 60 tỷ đồng.
Nhiều mô hình dân vận khéo gắn liền với thực tế đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân, tạo động lực thu hút chị em tích cực tham gia: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Nhà sạch, vườn đẹp”; nhân rộng các “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, phòng chống bạo lực gia đình; “Nàng dâu tự quản”, đảm bảo ANTT; thành lập các “Tổ phụ nữ xách làn đi chợ” và “Nhóm phụ nữ thu gom rác thải” góp phần bảo vệ môi trường... Nhờ đó, Hội đã nhân rộng thêm được 16 mô hình phát triển kinh tế gia đình bền vững tại các xã, thị trấn; thành lập các nhóm phụ nữ liên kết phát triển kinh tế với 17 tổ/233 thành viên, phát triển các mô hình như: trồng gừng ở xã Tiên Yên, làm chổi chít ở Tân Trịnh, trồng chè ở Xuân Minh, nuôi lợn nái sinh sản ở Yên Thành, Tân Bắc... cho thu nhập mỗi năm từ 50 triệu đồng trở lên.
Mô hinh nuôi lợn luân chuyển của hội viên phụ nữ xã Yên Thành cho hiệu quả kinh tế khả quan. |
Hoạt động hiệu quả, sáng tạo và mang dấu ấn của Hội LHPN huyện Quang Bình phải kể đến là việc triển khai mô hình “Kho thóc tình thương”. Với ý nghĩa giúp đỡ hội viên, phụ nữ nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt, thiên tai, hỏa hoạn... Hội đã hỗ trợ được 2.765 kg thóc, 1.029 kg gạo cho chị em; hỗ trợ 11 gia đình bị hỏa hoạn tại huyện Vị Xuyên được 720 kg thóc, 30 kg gạo; giúp đỡ 1 hội viên bị thiên tai tại thôn Yên Chàm, xã Tiên Yên được 300 kg thóc, 10 kg gạo... Song song với đó, Hội cũng rất quan tâm đến nhà ở cho phụ nữ nghèo, khó khăn bằng việc vận động hội viên xây dựng “Mái ấm tình thương”. Tổng nguồn quỹ “Mái ấm tình thương” năm 2016 được hơn 25 triệu đồng; hỗ trợ được 2 gia đình hội viên nghèo xây dựng nhà ở tại xã Yên Hà, Tiên Nguyên, trị giá 10 triệu/nhà và hỗ trợ 14 gia đình hội viên bị hỏa hoạn, thiên tai, sập nhà cửa. Ngoài ra, Hội còn thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng được gần 9 triệu đồng, 177 ngày công...
Trao đổi với chúng tôi, cô Hoàng Thị Sinh, Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Thành, chia sẻ: Năm qua, Hội đã phối hợp với Công an huyện tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Nàng dâu họ Hoàng tự quản về ANTT” tại thôn Yên Lập (36 thành viên), đảm bảo tình hình ANTT tại địa phương. Đồng thời, mô hình nuôi lợn sinh sản luân chuyển của Hội cũng đạt kết quả khả quan, từ 100 con ban đầu đến nay phát triển được 780 con, hỗ trợ cho 52 hộ nghèo. Việc thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” vừa giúp chị em, hội viên có thêm nơi trao đổi thông tin, giúp đỡ lẫn nhau, vừa góp phần nâng cao ý thức vì tập thể, cộng đồng, ý thức về hoạt động phong trào Hội và trách nhiệm với gia đình.
Có thể khẳng định, những mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần khơi dậy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới trong lao động, sản xuất và mọi mặt của đời sống xã hội của chị em phụ nữ Quang Bình. Thời gian tới, Hội LHPN huyện Quang Bình xác định sẽ tiếp tục duy trì các mô hình đã thành lập, gắn với việc kiểm tra, định hướng, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động và rà soát, đề xuất thành lập các mô hình “Dân vận khéo” phù hợp với thực tế của cơ sở.
Bài, ảnh: YẾN VŨ
Ý kiến bạn đọc