Nghị quyết 04 và 05 giúp tăng thu nhập cho người dân gấp 2-3 lần
BHG - Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh, từ khi triển khai Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 01.12.2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển cây cam Sành trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2025 và Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 01.12.2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã mang lại hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân cao gấp 2-3 lần so với khi chưa triển khai.
Người dân xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) thu hoạch cam Sành niên vụ 2023-2024 |
Cụ thể, đối với Nghị quyết 04, trong năm 2024, tổng diện tích cam Sành đã được đầu tư thâm canh là 120 ha, đạt 193% kế hoạch, đã giải ngân trên 7,2 tỷ đồng cho các hộ vay vốn thực hiện đầu tư thâm canh chăm sóc vườn cam. Tính từ khi triển Nghị quyết 04 cho đến nay, đã có 303 tổ chức, cá nhân thông qua chính sách hỗ trợ vay vốn để thực hiện đề án, đầu tư thâm canh với tổng kinh phí đã giải ngân là 29,775 tỷ đồng/501 ha. Năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm cam Sành đã tăng lên. Sau khi trừ chi phí đầu tư, cây cam Sành mang lại 40 - 55 triệu đồng/ha, tăng gấp 2,2 – 3,1 lần so với trước khi thực hiện nghị quyết.
Nghị quyết 05 đã giúp người dân nâng cao thu nhập từ những mảnh vườn Trong ảnh: Người dân xã Quyết Tiến (Quản Bạ) chăm sóc rau màu trồng vụ Đông |
Đối với Nghị quyết 05 về cải tạo vườn tạp, trong năm 2024, có 716 hộ thực hiện cải tạo vườn tạp, đạt 101,7% kế hoạch. Diện tích vườn tạp đã đuợc cải tạo trên toàn tỉnh là 265.943 m², đã giải ngân trên 21 tỷ đồng. Tính từ khi triển khai Nghị quyết 05 cho đến nay, đã giải ngân được trên 111 tỷ đồng cho 3.746 hộ với tổng diện tích 283 ha, trong đó có 2.799 vườn đã cho hiệu quả kinh tế với thu nhập bình quân 18,8 triệu đồng/hộ/năm, tăng gấp 2-3 lần so với thời điểm chưa thực hiện cải tạo vườn tạp.
Thông qua thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 04 và 05 đã giúp các gia đình thay đổi tập quán sản xuất, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Đặc biệt, người dân đã có sự thay đổi trong tư duy, từ canh tác nhỏ lẻ, manh mún, từng bước hướng đến sản xuất tập trung, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hình thành các chuỗi liên kết.
Tin, ảnh: Hồng Cừ
Ý kiến bạn đọc