Cải tạo vườn tạp "cải tạo tư duy"

10:42, 27/11/2021

BHG - Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025” xác định mục tiêu cốt lõi là chuyển đổi tư duy và phương pháp chăn nuôi, trồng trọt trên chính mảnh đất vườn của mình, từ đó tạo sinh kế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải tạo vườn tạp (CTVT) của tỉnh nhiều lần nhấn mạnh: “Muốn cải tạo vườn tạp, trước hết phải cải tạo tư duy”.

Cải tạo tư duy” trong thực hiện CTVT là một bước nâng cao của sự thay đổi tư duy, nhận thức; là sự thay đổi xuất phát từ gốc rễ, nội lực, ý thức bên trong; là làm mới vấn đề cũ – vấn đề tạo sinh kế cho người dân bằng những cách làm mới chưa từng được triển khai theo một cách bài bản, thống nhất từ tỉnh đến xã như hiện nay. Có thể dẫn chứng, thay vì trên mảnh vườn tạp khi cải tạo lại chỉ phát dọn và trồng lại các loại cây cho thẳng hàng, đẹp lối sạch sẽ cỏ dại, thì nay được quy hoạch lại bài bản, có bản đồ từng khu vực, diện tích xây dựng hạ tầng, lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi đem hiệu quả kinh tế cao nhất, tận dụng và phát huy tối đa diện tích đất sản xuất phù hợp với điều kiện nhân lực của mỗi gia đình; là ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để sản phẩm có năng suất, chất lượng nhất; là liên kết giữa các hộ, nhóm hộ, địa phương để tạo ra vùng trồng các sản phẩm đủ lớn thành hàng hóa đáp ứng nhu cầu và phù hợp với thị trường, trong tương lai có thể liên kết, cung cấp cho các HTX, doanh nghiệp chế biến…

Gia đình chị Doãn Thị Công, tổ 10 là điển hình trong phát triển kinh tế vườn hộ ở thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên).
Gia đình chị Doãn Thị Công, tổ 10 là điển hình trong phát triển kinh tế vườn hộ ở thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên).

“Cải tạo tư duy” trong thực hiện CTVT không chỉ là “cải tạo” nhận thức của riêng người dân mà đó là “cải tạo tư duy” của cấp ủy Đảng các cấp trong công tác lãnh, chỉ đạo, định hướng; là tư duy trong triển khai, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, đề án, phương án của chính quyền, đội ngũ cán bộ các cấp và cuối cùng là thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, bằng sức lao động và tiềm năng, lợi thế đất đai của gia đình để nỗ lực vươn lên thoát nghèo hoặc làm giàu trên chính mảnh vườn của mình.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, sau gần 1 năm triển khai Nghị quyết 05, tính đến cuối tháng 10.2021, toàn tỉnh có 2.616 hộ thực hiện CTVT, vượt 734,8% so với kế hoạch triển khai trong năm (356 vườn), đạt 40,2% so với mục tiêu nghị quyết đến năm 2025. Trong đó, có 550 hộ nghèo và 593 hộ cận nghèo (hộ được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh); 1.473 hộ từ trung bình trở lên. Có 1.026 hộ được giải ngân vay vốn hỗ trợ, với tổng số tiền 30.175 triệu đồng, đạt 99,4% so với tổng kinh phí ủy thác, tổng diện tích vườn tạp được cải tạo gần 100 ha. Riêng với các hộ không thuộc đối tượng hỗ trợ, diện tích vườn được cải tạo gần 200 ha. Hưởng ứng chương trình CTVT, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trực tiếp các hộ bằng tiền, cây, con giống trên 2 tỷ đồng và trên 34.000 ngày công.

Trong quá trình triển khai Nghị quyết 05, một số địa phương có cách làm hay, linh hoạt, sáng tạo như: Quản Bạ chủ động chỉ đạo quyết liệt, việc cải tạo, mở rộng diện tích đất canh tác bằng phương pháp bù đất lấp đá; thực hiện thí điểm và có cơ chế hỗ trợ riêng ngoài hỗ trợ theo Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh tại một số thôn, xóm; lựa chọn thí điểm thôn Lùng Mười, xã Quyết Tiến xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, gắn thực hiện CTVT với chỉnh trang đường làng, ngõ xóm. Huyện Vị Xuyên xây dựng tài liệu in pa nô, áp phích treo tại trụ sở thôn, xã tuyên truyền về nghị quyết với tài liệu ngắn gọn để các cấp và mọi tầng lớp nhân dân dễ hiểu, dễ thực hiện. Huyện Bắc Quang xây dựng 5 tiêu chí và thang điểm để đánh giá CTVT...

Cùng với đó, nhiều gia đình hưởng ứng, tích cực vào cuộc và có những cách làm hay như: Từ nguồn vốn vay (tối đa 30 triệu đồng/hộ nghèo, cận nghèo), các hộ tính toán sử dụng từ 10 - 20 triệu đồng để mua con, cây giống để sản xuất và đa phần tập trung vào phát triển chăn nuôi; sử dụng từ 3 - 5 triệu đồng mua thức ăn, phân bón, vật tư nông nghiệp; còn lại sử dụng để chỉnh trang lại vườn, mua vật liệu xây dựng sửa chữa, cải tạo lại diện tích chuồng chăn nuôi, ao cá, nhà cửa… Nhiều mô hình CTVT ở các địa phương bước đầu cho thu hoạch, điển hình như hộ ông Nông Văn Tỉnh, thôn Nà Trà, xã Linh Hồ (Vị Xuyên) – hộ được lựa chọn phát động điểm của tỉnh đã cải tạo được 550 m2 vườn tạp để trồng 200 m2 cây cam V2, 320 m2 rau, củ quả và nuôi 4 lợn nái sinh sản; gia đình ông Đặng Tú Rôn, thôn Bình An, xã Bản Luốc (Hoàng Su Phì) cải tạo trên 2.000 m2 vườn trồng 500 m2 Dưa hấu, Dưa chuột, nuôi 7 lợn nái, 200 con gà thịt… tổng thu nhập từ tháng 4 đến tháng 9 được trên 50 triệu đồng… 

Những kết quả trên cho thấy, Nghị quyết 05 đã đi vào cuộc sống, phù hợp với nguyện vọng của người dân, điều kiện thực tế ở cơ sở; đồng thời thổi luồng gió mới, từng bước nâng cao tư duy sản xuất, chất lượng cuộc sống nhân dân. Tuy nhiên, ở đâu đó còn có địa phương chưa thực sự sâu sát, quan tâm hỗ trợ các hộ quy hoạch và tìm giải pháp CTVT phù hợp; chưa làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu về quan điểm, mục tiêu của CTVT, tạo thêm sức ỳ, sự trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước trong một bộ phận người dân. Đặc biệt là còn nặng “bệnh thành tích”, chỉ quan tâm đến số lượng mà chưa quan tâm đến chất lượng, không đúng định hướng, quan điểm của Nghị quyết 05 là “Không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau”… Những hạn chế này cần phải được khắc phục để CTVT là “cải tạo tư duy” theo đúng nghĩa. 

 Bài, ảnh:  DUY TUẤN

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xã Phương Độ phát động cải tạo vườn tạp đợt 3

BHG - Nhằm tiếp tục thực hiện chương trình Cải tạo vườn tạp theo Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, UBND xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) vừa phối hợp với Ban CHQS và Ủy ban MTTQ TP. Hà Giang tổ chức phát động cải tạo vườn tạp đợt 3.

30/08/2021
Xã Phong Quang có 183 hộ dân đã tham gia cải tạo vườn tạp

BHG - Từ năm 2020 đến nay, thực hiện Chương trình cải tạo vườn tạp, xã Phong Quang (Vị Xuyên) có 183 hộ đã tham gia cải tạo vườn tạp, trong đó, có 10 hộ làm vườn mẫu. Tổng diện tích cải tạo vườn tạp và xây dựng vườn mẫu là 30,7 ha. Chủ yếu các hộ cải tạo vườn để trồng các loại cây, gồm: Hồng không hạt, nhãn, thanh long, vải, mít. Với mục tiêu cải tạo vườn tạp theo hình thức "lấy ngắn nuôi dài" trên cùng diện tích để trồng xen canh cây ăn quả ngắn ngày là dưa hấu, khoai lang, rau, đậu… đã đem lại cho các hộ dân nguồn thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm.

30/06/2021
Hỗ trợ đối tượng yếu thế cải tạo vườn tạp

BHG - Nghị quyết 05-NQ/TU (NQ) của Tỉnh ủy về "Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025" là NQ đầy tính nhân văn, trong đó, quan điểm chỉ đạo là các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến thôn phải vào cuộc phụ trách, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo cải tạo vườn tạp để tăng dinh dưỡng, tạo sinh kế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. 

29/09/2021
Cải tạo vườn tạp ở vùng biên Má Lé

BHG - Những khoảng đất hoang vùng Cao nguyên đá Đồng Văn nay đã được phủ kín bởi những mầm xanh của rau màu, cây trái sum suê, nhiều sắc màu. Người dân vui mừng, phấn khởi từ khi Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh triển khai đến từng người dân, đã mang lại nhiều thiết thực, tạo sinh kế, nguồn sống cho đồng bào miền biên viễn của Tổ quốc. Xã Má Lé (Đồng Văn) là 1 trong những địa phương tiên phong đưa Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống, thay đổi những khu vườn, đồi tạp; định hướng những cách làm hay, thiết thực mang lại nguồn thu nhập khá, việc làm ổn định cho đồng bào nơi đây.

24/06/2021