Trường Tiểu học B Minh Tân, vẫn còn đó những khó khăn

17:30, 08/05/2013

HGĐT- Sau khi báo Hà Giang đăng bài phản ánh về “Trường Tiểu học B Minh Tân, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên: Sau 8 năm tách trường vẫn chưa được đầu tư xây dựng” số ra ngày 18.2.2012, những ngày đầu năm học 2012-2013, chúng tôi trở lại Trường Tiểu học B Minh Tân với tâm trạng cảm thông cho những người làm giáo dục nơi đây.


Để chuẩn bị cho năm học mới 2012, trong khi các trường học trên địa bàn tỉnh đều bận rộn với công tác chuẩn bị của mình đặc biệt là cơ sở vật chất như dọn dẹp trường lớp học, vận động học sinh đến trường thì các thầy, cô giáo cùng các em học sinh trường tiểu học B Minh Tân lại một năm học mới với nhiều nỗi lo về trường, lớp học mà nhiều năm nay đã xuống cấp.


Tiếp chúng tôi ở căn phòng chưa đầy 12m2 nhưng là nơi làm việc của hiệu trưởng và 2 hiệu phó, căn phòng còn lại là nơi tiếp khách và họp hội đồng của giáo viên. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết nơi làm việc này chính là trụ sở của thôn Tân Sơn được chính quyền thôn tạo điều kiện cho nhà trường mượn tạm làm nơi làm việc. Khi thôn có việc cần đến trụ sở thì các thầy, cô giáo chỉ biết đứng ngoài hoặc xuống trú tạm ở dãy trường của học sinh.



Dãy phòng học được các hộ dân đóng góp xây dựng từ những năm 1985-1986, sau khi tách trường đến nay nó đã xuống cấp trầm trọng.

Trường Tiểu học B xã Minh Tân được tách  trường Tiểu học Minh Tân từ năm 2004 nhằm giúp số lượng lớn học sinh thôn Tân Sơn được đến trường thuận lợi. Những năm qua, thầy và trò Trường Tiểu học B Minh Tân đã nỗ lực cố gắng, vượt qua khó khăn nhưng chất lượng giáo dục ở đây vẫn không có nhiều khởi sắc. Ngoài điểm trường chính, trường tiểu học B Minh Tân còn quản lý 8 điểm trường khác. Học sinh của trường là con em dân tộc Mông, Dao, Tày... đời sống còn nhiều khó khăn, năm học 2011-2012 toàn trường có 270 học sinh thì có đến 215 học sinh thuộc hộ nghèo. Bước vào năm học mới này, trường có 30 cán bộ, giáo viên, có 4 lớp (từ lớp 1 - 4) tại trường chính, còn lại là các điểm trường. Trường chỉ có hai ngôi nhà tạm được ngăn thành 4 phòng học, bốn bề ghép gỗ trống hoác, gió lùa hun hút. Vì không đủ điều kiện vật chất nên học sinh lớp 5 phải ra trường PTDT bán trú tiểu học Minh Tân học. Bên cạnh trường tiểu học B Minh Tân còn có điểm trường mầm non cũng do dân đóng góp dựng nên, nhiều năm rồi trường cũng đã xuống cấp, nền nhà nhem nhuốc. Càng tìm hiểu chúng tôi cang thấy ngạc nhiên vì không hiểu tại sao trường, lớp học ở đây đều là của dân đóng góp, ủng hộ? mà Nhà nước chưa đầu tư xây dựng được một hạng mục nào???. Cũng vì lý do đó mà 8 năm tách trường, 2 dãy trường này vẫn không có gì thay đổi. Anh Tẩn Tờ Dèn, có con đang theo học trường Tiểu học B Minh Tân cũng là người chứng kiến và cùng với nhân dân đóng góp dựng trường, cho chúng tôi biết: 2 dãy trường học này được chúng tôi đóng góp xây dựng từ những năm 1985-1986, từ đó đến nay trường cũng không có gì thay đổi ngoài việc sửa chữa phần mái của trường.


Ở trường Tiểu học B Minh tân này còn nhiều cái không mà thầy Hiệu trưởng Bế Trọng Tuyến cho biết đó là: không nhà lưu trú giáo viên; không có nhà hiệu bộ; không có nhà chức năng; không có nhà vệ sinh cho học sinh; thậm chí hai dãy trường học của học sinh cũng do dân tự đóng góp dựng nên. Vì có nhiều cái không này mà đã nhiều năm nay trường không bao giờ thực hiện được phong trào “Trường học thân thiện học sinh tích cực”. Năm 2010 anh Tuyến xin được 10 triệu đồng từ nguồn tài trợ của 2 doanh nghiệp, có tiền anh chủ động xây công trình vệ sinh cho giáo viên và làm cổng trường để khách đi qua đây còn biết ở đây có một trường học. Anh Tuyến còn cho biết những năm trước cũng có nhiều cơ quan, ban, ngành của tỉnh, của huyện xuống thăm, kiểm tra và hứa cho xây dựng, các đoàn địa chất cũng lên đo đạc tìm địa điểm phù hợp để xây dựng trường nhưng đến nay vẫn là con số 0.



Trường có treo biển "Hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực" nhưng không năm nào thực hiện được.

Chỉ cách trường Tiểu học B Minh Tân hơn 3km là các trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Minh Tân và trường Mầm non Minh Tân được xây dựng rất khang trang, có nhà bán trú cho học sinh, nhà lưu trú cho giáo viên, trường mầm non được đầu tư đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất. Vậy là cùng trên một xã nhưng những học sinh sinh ra ở thôn Tân Sơn vẫn còn thiệt thòi từ sự đầu tư của Nhà nước.


Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Lê Thị Tuyết Vân, Trưởng phòng Giáo dục huyện Vị Xuyên cho biết: Năm 2011 huyện cũng đã đưa trường tiểu học B Minh Tân vào chương trình kiên cố hóa trường lớp học, nhưng vì Nghị quyết 11 của Chính phủ nên đến giờ huyện vẫn chưa đầu tư xây dựng được, là lãnh đạo phòng giáo dục tôi cũng đã kiến nghị nhiều lần với huyện về vấn đề này. Như vậy từ năm 2004 là thời điểm tách trường Tiểu học B Minh Tân cho mãi đến 2011 huyện mới đưa trường này vào chương trình xây dựng kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên nhưng đến bây giờ vẫn chưa được xây dựng. Tìm hiểu được biết trong khoảng thời gian đó huyện Vị Xuyên đã xây dựng một số hạng mục cho các trường THCS Tùng Bá, Trường Tiểu học Kim Thạch, Trường Tiểu học Tân Thượng, Tân Lập (Kim Linh)... nhưng xây dựng xong các trường trên đều dư thừa phòng học và sử dụng không đúng mục đích.


Vậy là chúng ta cứ đổ lỗi cho Nghị quyết 11 của Chính phủ để đến bây giờ những học sinh trường Tiểu học B Minh Tân chịu thiệt thòi quá lớn về sự đầu tư của nhà nước, và các thầy cô giáo vẫn phải mượn tạm trụ sở của thôn Tân Sơn để phục vụ cho sự nghiệp giáo dục. Năm học mới 2012-2013 đã đến, lại một năm nữa các thầy, cô giáo cùng các em học sinh ở đây vẫn phải gồng mình chống chọi với sự thiếu thốn đủ bề mà không biết bao giờ mới có được một ngôi trường đúng nghĩa của nó.


Lê Lâm

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội thảo dạy học theo mô hình trường Tiểu học mới VNEN và tài liệu Tiếng Việt lớp 1
HGĐT -Vừa qua, tại huyện Quản Bạ, Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức Hội thảo dạy học theo mô hình trường Tiểu học mới VNEN và tài liệu Tiếng Việt lớp 1, năm học 2012- 2013, theo cụm 4 huyện vùng cao phía Bắc. Tham dự hội thảo có 139 cán bộ, giáo viên các trường Tiểu học của 4 huyện.
30/04/2013
Từ nhận thức đến phát huy nội lực xây dựng cộng đồng khuyến học
HGĐT - Nói chuyện với ông La Ngọc Thuyết, người dân tộc Tày ở bản Pom Cút, xã Đường Âm, huyện Bắc Mê để hiểu thêm công cuộc Khuyến học, khuyến tài ở một vùng đất xa xôi, hẻo lánh. Ông bảo: "Điều quan trọng vẫn là nhận thức của mỗi người về chuyện học tập của gia đình, dòng họ và con cái.
29/03/2013
Kết quả sau 5 năm triển khai Chương trình tín dụng cho vay HSSV
HGĐT- Từ khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với HSSV, đối tượng đã được mở rộng hơn. HSSV có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ nghèo, hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người (BQĐN) tối đa bằng 150% mức BQĐN của hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn (HCKK) về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh được vay
28/03/2013
Nhiều HSSV ở Đồng Yên có thêm điều kiện theo đuổi ước mơ học tập
HGĐT- Là xã thuộc huyện Bắc Quang, Đồng Yên có 1.644 hộ dân với 7.376 khẩu, hộ nghèo chiếm 5% và hộ cận nghèo chiếm 8,1%. Hơn 60% hộ dân sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, nên đời sống của bà con nơi đây vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là những hộ gia đình có con em là HSSV đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề. Từ khi
28/03/2013