Khai thác du lịch gắn với đầu tư, bảo vệ Cao nguyên đá Đồng Văn
HGĐT- Cao nguyên đá Đồng Văn (CNĐĐV) từ trước khi được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) đã là một địa chỉ ưa thích của du khách trong và ngoài nước.
Khách du lịch tham quan Cột cờ Lũng Cú. |
Vì thế, nhiều năm qua, ngoài viêc chú trọng đến công tác quảng bá, thu hút khách du lịch đến với CNĐĐV, nhà nước và nhiều tổ chức, cá nhân đã giành sự quan tâm, đầu tư, từng bước góp phần xây dựng CNĐĐV không chỉ là CVĐCTC mà còn mang lại hiêu quả kinh tế cao từ hoạt động du lịch.
Việc được UNESCO công nhận là CVĐCTC như một hiệu ứng làm tăng thêm “sức nóng”, sức hấp dẫn của CNĐĐV đối với du khách. Có thể nói, kể từ khi chúng ta khởi động lộ trình đề nghị công nhận CVĐCTC cho đến khi được Tổ chức Văn hóa của Liên hiệp quốc công nhận thì Hà Giang nói chung, CNĐĐV nói riêng đã nhận được quan tâm của rất nhiều người yêu thích du lịch, khám phá. Điều này được thể hiện thông qua sự gia tăng lượng khách đến với Hà Giang qua các năm, cụ thể năm 2010, lượng khách đến với Hà Giang tăng 20,6% so với năm 2009. Thời gian từ đầu năm đến nay, chúng ta cũng đã tiếp đón một lượng khách tăng đáng kể đến từ trong và ngoài nước.
Xác định lợi thế của CNĐĐV cũng như việc phải đầu tư xây dựng để vừa khai thác, vừa bảo vệ vùng di sản này, nhiều năm qua từ Trung ương đến địa phương đã đầu tư không nhỏ về cơ sở vật chất, khôi phục, bảo tồn các giá trị vật thể, phi vật thể ở đây. Một trong những sự quan tâm đầu tiên phải nói đến là công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh CNĐĐV, CVĐC đầu tiên của Việt
Đáp lại sự kỳ vọng của nhiều người yêu thích vùng đất này, những năm qua Trung ương đã có sự quan tâm rất lớn để giúp Hà Giang sớm trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước được quản lí một CVĐCTC. Nhiều viện nghiên cứu, chuyên gia khoa học, ngoại giao hàng đầu của nước ta đã lặn lội với Hà Giang và CNĐĐV để cùng chung mục tiêu minh chứng cho thế giới biết về một di sản địa chất ở Việt
Nhiều năm qua, đã có rất nhiều sự quan tâm, đầu tư cho CNĐĐV gồm 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ. Nhiều cơ chế, chính sách đầu tư của Trung ương được đưa về đây với mục đích thúc đẩy sự phát triển KT - XH, kéo theo việc nâng cao nhận thức của nhân dân nơi đây. Một trong số đó phải kể đến là việc phát triển mạnh hệ thống đường ô tô đến cơ sở; hệ thống điện lưới Quốc gia và đặc biệt là Chương trình viễn thông công ích giai đoạn 2006 – 2010 đã mang đến rất nhiều cơ hội và thuận lợi cho phát triển dịch vụ – du lịch. Song song với đó, việc đầu tư cho lĩnh vực VH – XH, du lịch dịch vụ đã được đẩy mạnh. Ông Nguyễn Tiến Đồng, Trưởng phòng Kế hoạch – tài chính, Sở VHTT&DL cho biết, có nhiều công trình được đầu tư xây dựng, tu bổ từ nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau như: Dinh thự Nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, điểm dừng chân Mã Pì Lèng, trạm dừng chân Cổng trời Quản Bạ, quy hoạch tổng thể bảo tồn kiến trúc Phố cổ Đồng Văn..., với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng. Cùng với đó, các ngành, trong đó nổi bật là ngành VHTT&DL đã thực hiện tốt việc đầu tư, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trên vùng CNĐĐV. Thông qua đó, đã có sự đầu tư trọng tâm, trọng điểm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng Lô Lô Chải ở Đồng Văn với việc bảo tồn các giá trị văn hoạ dân gian, các phong tục sinh nở, tang ma, nghề truyền thống. Năm 2010, với nỗ lực chung, chúng ta đã đề nghị Bộ VHTT&DL công nhận được 4 di sản trên CNĐĐV gồm: Cột cờ Lũng Cú, Núi Đôi, Hùng quan Mã Pì Lèng và Phố cổ Đồng Văn.
Ngành VHTT&DL cũng đã tích cực tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các địa phương đầu tư khôi phục, phát huy các giá trị bản sắc của địa phương như: Lễ hội chợ tình Khâu Vai, lễ hội Gầu Tào của người Mông, lễ cúng thần rừng của người Pu Péo, lễ Cấp sắc của người Dao; khôi phục và phát huy các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, thêu, rèn đúc, thuốc nam, chế tác nhạc cụ... 4 huyện của CNĐĐV cũng đã quy hoạch, xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng của địa phương mình, trong đó huyện Quản Bạ đã xây dựng được làng văn hóa du lịch dân tộc Dao... Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, những năm qua nhiều cá nhân, tổ chức cũng đã nắm bắt cơ hội đầu tư vào lĩnh vực du lịch – dịch vụ trên CNĐĐV. Từ đó, trong khoảng 5 năm qua đã có hàng chục khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng ăn nuống được xây dựng ở 4 huyện. Nhiều công ty, tổ chức đã xây dựng các tua, tuyến du lịch với điểm nhấn trọng tâm là CNĐĐV.
Thời gian qua, Ban uản lí CVĐC đã tích cực tham mưu cho ngành và tỉnh quảng bá hình ảnh gắn với bảo vệ di sản địa chất. Qua đó, vấn đề đầu tiên được quan tâm là xây dựng chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản địa chất; quy chế quản lý CVĐC; tham mưu quy hoạch định hướng phát triển CVĐC giai đoạn 2010 – 2020, tầm nhìn đến 2030. Đên nay, Ban Quản lí đã triển khai xây dựng nhiều biển, bảng quảng bá, hướng dẫn trên CNĐĐV; hoàn thiện các biển báo giao thông, biển chỉ giới CVĐC, biển cảnh báo nguy hiểm, biển khuyến cáo bảo vệ di sản. Tiến hành xây dựng bản đồ phân bố các di sản địa chất, xác định và khoanh vùng những khu vực nhạy cảm, đặc biệt là các điểm có biểu hiện di sản địa chất, khu bảo tồn thiên nhiên để bảo vệ nghiêm ngặt. Đặc biệt, trong thời gian qua Ban Quản lí cũng đã tích cực tham mưu triển khai các biện pháp quyết liệt như cấm khai thác đá, đập đá tại những vùng nhạy cảm có nguy cơ ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, di sản; điều chỉnh toàn bộ quy hoạch các điểm khai thác đá trên khu vực CVĐC ra khỏi vùng ảnh hưởng tiêu cực; tạm dừng các công trình lớn có thể ảnh hưởng để chờ quy hoạch tổng thể của Công viên...
Ý kiến bạn đọc