Phát triển du lịch trong 5 năm qua

16:48, 28/02/2011

HGĐT- Với sự hội nhập của nền kinh tế đất nước với kinh tế thế giới, đó là điều kiện thuận lợi để những địa phương như Hà Giang có cơ hội phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực du lịch. 5 năm, đó cũng là quãng thời gian để bộ mặt Hà Giang có những đổi thay vượt bậc và lĩnh vực du lịch cũng cho thấy đang từng bước vươn lên hội nhập với cả nước.


 
 Tuần Văn hóa du lịch kiên kết 4 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn trở thành một hoạt động quảng bá, kích cầu cho ngành du lịch của các địa phương.

Theo thống kê, đánh giá của ngành VHTT&DL, trước đây du khách đến với Hà Giang với số lượng ít. Tuy nhiên, với việc tăng cường quảng bá, mời gọi, lượng khách đến với Hà Giang ngày càng tăng cao, không chỉ khách nội địa mà khách quốc tế đến từ châuu, châu Mỹ và đặc biệt đến từ quốc gia láng giềng có ngành du lịch rất phát triển là Trung Quốc. So sánh cho thấy, năm 2005, lượng khách nội địa đến với chúng ta mới đạt gần 38 ngàn lượt thì năm 2010 đã đạt con số 253,3 ngàn lượt. Năm 2005,khách quốc tế đến Hà Giang đạt trên gần 32 ngàn lượt, năm 2010 đạt trên 48 ngàn lượt. Số liệu báo cáo thống kê cũng cho thấy, thời gian lưu trú bình quân của du khách cũng tăng lên từ 1,8 ngày năm 2005 lên 2,5 ngày năm 2010. Doanh thu từ dịch vụ du lịch năm 2005 mới đạt 95 tỷ đồng thì năm 2010 đạt gần 310 tỷ đồng...


Nắm bắt cơ hội cũng như để đáp ứng với nhu cầu của thị trường du lịch, chúng ta đã có sự đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển hoạt động này. Trong 5 năm từ 2005 – 2010, đầu tư vào lĩnh vực du lịch đạt trên 566 tỷ đồng. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, phát triển du lịch từng bước được xã hội hóa với sự đầu tư khá lớn của nhân dân, doanh nghiệp. Vì vậy, nếu như năm 2005, toàn tỉnh mới có 59 cơ sở lưu trú với 563 phòng thì đến nay, chúng ta đã có 100 cơ sở lưu trú được cơ quan chức năng thẩm định và xếp hạng với 1.340 phòng nghỉ. Hiện chúng ta đã có 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao, 9 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao. Bên cạnh đó, hệ thống các làng văn hóa du lịch cộng đồng cũng được quan tâm, xây dựng, bước đầu đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách.


Những năm qua, chúng ta đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội để khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể là yếu tố quan trọng cho phát triển du lịch. Nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc được phục dựng và phát huy như Lễ hội Gàu tào, Nhảy lửa, Cúng thần rừng, Cầu Trăng, Cầu mưa, Cấp sắc... Từ đó, không chỉ có ý nghĩa xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc mà còn có ý nghĩa như một thông điệp mời chào gửi đến với mỗi du khách khi đến với Hà Giang. Các di tích lịch sử, di tích khảo cổ tiếp tục được đầu tư, bảo tồn, Hà Giang đang khẳng định là một vùng đất giàu giá trị văn hoá, bản sắc.


Đáp ứng với sự phát triển và nhu cầu của hoạt động du lịch, chúng ta đã quan tâm đến việc thúc đẩy hợp tác liên vùng trong nước và quốc tế. Chúng ta đã tiến hành ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa 4 tỉnh gồm Hà Giang – Tuyên Quang – Cao Bằng – Bắc Cạn; ký kết hợp tác với các tỉnh có chung Quốc lộ 2; hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh khu vực Tây Bắc mở rộng và hợp tác phát triển du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc gồm 6 tỉnh... Hà Giang cũng đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế với việc ký kết hợp tác phát triển du lịch với Cục Du lịch châu Văn Sơn, Cục du lịch Vân Nam của Trung Quốc... Từ đó, tạo điều kiện cho việc phát triển du lịch nối giữa Hà Giang với các địa phương có nhiều tiềm năng trong và ngoài nước. Ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VHTT&DL thành phố Hà Nội chia sẻ, Hà Nội là địa phương có ngành du lịch phát triển mạnh nhất cả nước, Hà Giang hiện đang có những lợi thế rất lớn, vì thế Hà Nội sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm cũng như sự hợp tác, đầu tư với Hà Giang để thúc đẩy sự phát triển của cả 2 địa phương.


Với việc xác định phát huy những tiềm năng của địa phương cho việc phát triển ngành Du lịch trở thành một ngành có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, vì thế, ngoài việc xây dựng, quảng bá các điểm du lịch, những lợi thế của địa phương, vừa qua, từ sự nỗ lực, chúng ta đã được UNESCO công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là Công viên địa chất toàn cầu. Đây là một cú huých lớn, giúp cho du lịch phát triển mạnh mẽ hơn. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế tại các cuộc hội thảo, gặp gỡ với tỉnh ta thì du lịch của Hà Giang giống như “một nàng công chúa đang ngủ”, nhưng với việc chúng ta có Công viên địa chất, đây chính là lúc ngành Du lịch bừng tỉnh và phát huy vai trò. Vì thế, trong sự phối hợp phát triển du lịch, rất nhiều tỉnh trong khu vực, trong đó có cả thủ đô Hà Nội, Vân Nam (Trung Quốc) đã có sự nhìn nhận và ký kết với Hà Giang về phát triển du lịch. Hình ảnh về du lịch Hà Giang với vẻ đẹp tiềm ẩn, hoang sơ dần được xây dựng, đây là lợi thế khi mà những địa điểm du lịch như Lào Cai, Đà Lạt, Quảng Ninh..., đã dần quá quen thuộc với du khách.


Bên cạnh những thành tựu, cơ hội mà chúng ta đã và đang có, có thể nhận thấy những hạn chế trong phát triển hoạt động du lịch suốt thời gian 5 năm qua. Tư duy bao cấp còn tồn tại ở không ít nơi, đội ngũ tham mưu, xây dựng và phát triển hoạt động du lịch vẫn còn những hạn chế, có lúc, có nơi chưa có định hướng, quy hoạch phát triển du lịch một cách lầu dài, làm theo kiểu đến đâu hay đến đó. Cùng với đó, vốn đầu tư cho phát triển du lịch còn nhiều khó khăn nên chúng ta chưa thể phát triển cơ sở hạ tầng, các điểm du lịch một cách đồng bộ, trọng tâm, nhiều nơi đầu tư du lịch theo kiểu vừa đầu tư, vừa khai thác. Các sản phẩm du lịch của chúng ta vẫn còn nghèo nàn. Nguồn nhân lực phục vụ cho ngành Du lịch còn quá ít, số người được đào tạo bài bản không nhiều, khả năng ngoại ngữ rất hạn chế. Đó là những hạn chế có thể nhìn thấy và được chỉ ra nhiều lần tại các hội nghị chuyên về du lịch. Và để ngành Du lịch của chúng ta hoà chung vào quỹ đạo du lịch của cả nước đang chờ vào nỗ lực của ngành Du lịch, các ngành, các cấp và nhân dân trong tỉnh...


GIAO THƯ

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Du lịch Việt Nam 2010 chào đón 5 triệu khách quốc tế
Tham dự Lễ đón vị khách du lịch quốc tế thứ 5 triệu đến Việt Nam trong năm 2010 có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn, đại diện các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí.
31/12/2010
Bừng lên sắc đá cao nguyên
HGĐT- Đối với đồng bào nhân dân các dân tộc của 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang, hàng ngàn đời nay, những núi đá, rừng đá, vườn đá, bãi đá... đã trở nên vô cùng thân thuộc.
29/11/2010
Du Xuân về miền cổ tích Xín Mần
HGĐT- Dừng chân ở đỉnh Đèo Gió trong đại ngàn rừng nguyên sinh ngàn năm tuổi rồi thả hồn mơ màng bỗng chốc đưa ta về quá khứ hình thành trái đất. Những cây Sến ngàn tuổi cao vút tầm ngắm, treo lơ lửng trên cành những giò lan đa sắc mầu.
29/01/2011
Vịnh Hạ Long tiếp tục nằm trong top 5 kỳ quan thiên nhiên
Theo tin từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, nhiều nước như Hàn Quốc, Ireland, Canada... đang kêu gọi người dân bình chọn kỳ quan của nước mình. Lễ công bố 7 kỳ quan thế giới mới sẽ diễn ra vào ngày 11/11 tới.
26/02/2011