Bừng lên sắc đá cao nguyên

21:15, 29/11/2010

HGĐT- Đối với đồng bào nhân dân các dân tộc của 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang, hàng ngàn đời nay, những núi đá, rừng đá, vườn đá, bãi đá... đã trở nên vô cùng thân thuộc.


 
 Sông Nho Quế dưới chân núi Tù Sán (Đồng Văn) là một trong những thắng cảnh của Công viên Địa chất cần được khám phá.

Đá làm nhà, xếp bờ giữ đất làm nương, xếp rào chống con thú dữ, những bể đá tự nhiên giữ nước nuôi người qua những mùa khô khắc nghiệt. Đá đã sát cánh cùng với người dân nơi đây kiên cường đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, làm nên mùa màng, từng bước xây dựng cuộc sống âm no, hạnh phúc.

Ngoài sự thân thiết, gắn bó chặt chẽ với đời sống của người dân 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Cao nguyên đá còn ẩn chứa trong mình những giá trị to lớn về mặt khoa học, là di sản thiên nhiên quý giá vào bậc nhất thế giới có niên đại hàng trăm triệu năm. Theo kết quả khảo sát thực địa của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, Cao nguyên đá Đồng Văn với tổng diện tích hơn 2.000 km2 thì có tới 80% diện lộ đá vôi với 11 hệ tầng, có loại trầm tích cổ mang niên đại từ 400 đến 600 triệu năm. Cao nguyên đá còn rất da dạng về các loại thạch địa tầng, các loại hình khoáng sản và sự đa dạng cổ sinh học với hàng ngàn loại thuộc 120 giống của 17 nhóm cổ sinh vật. Các nhà khoa học cũng xác lập 115 điểm di sản và có giá trị di sản mang ý nghĩa quốc gia và quốc tế cần được bảo tồn. Với 19 loại đá khác nhau, sự phong phú của hóa thạch cổ kết hợp với những cảnh quan ngoạn mục và hang độngkarst kỳ bí đã tạo ra nhiều điểm tham quan du lịch có giá trị giáo dục, thưởng ngoạn mang tính thẩm mỹ cao. Tại đây có nhiều địa hình đá vôi dạng chóp, dạng nón, kim tự tháp... không dễ tìm ở vùng đất khác, có hẻm vực sông Nho Quế được xem là hẻm vực sâu nhất Việt Nam với độ sâu tới 800m. Song song với giá trị trên, Cao nguyên đá Đồng Văn còn là nơi hấp dẫn khách du lịch trong nước và nước ngoài về phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc như: Mông, Dao, Tày, Lô Lô, Pu Péo, Cờ Lao, Bố Y... Sự quần cư của nhiều tộc người đã tạo nên bộ phận văn hóa độc đáo, phương thức canh tác độc đáo được truyền lại từ nhiều đời của nhiều thế hệ. Cao nguyên đá Đồng Văn được du khách, bạn bè gần xa biết đến không chỉ vì Đồng Văn là điểm cực Bắc của Việt Nam mà du khách đến với Cao nguyên đá Đồng Văn còn bởi thiên nhiên ban tặng cho nơi đây một phong cảnh núi non hùng vĩ, với những con người chịu thương, chịu khó, thân thiện và thuần phác, sẵn sàng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để bám trụ trên dải đất biên cương hùng vĩ này.


Trải qua những thăng trầm của lịch sử, các dân tộc nơi đây còn giữ được gần như nguyên vẹn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, điều đó đã tạo nên một quần thể văn hóa độc đáo, riêng có của Cao nguyên đá Đồng Văn. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong những năm qua huyện Đồng Văn nói riêng, 4 huyện vùng Cao nguyên đá nói chung đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: Đường giao thông, trụ sở xã, trạm y tế, trường học, các dự án hỗ trợ sản xuất, xóa đói, giảm nghèo... Nhìn chung cuộc sống của nhân dân đã được cải thiện cả về vật chất và tinh thần, hàng năm tỷ lệ hộ đói, nghèo đều giảm, nhân dân tuyệt đối tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước.Nhưng do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, trình độ nhận thức không đồng đều nên cuộc sống của nhân dân tuy đã được cải thiện song vẫn còn gặp nhiều khó khăn, số hộ nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao. Để từng bước tháo gỡ những khó khăn nhằm cải thiện đời sống cho nhân dân, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế để khuyến khích phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, trong đó có Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch và chú trọng phát triển du lịch ở 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc theo hướng: Du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Đặc biệt sau Hội thảo về xây dựng Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan tập trung tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân nhận thức về giá trị văn hóa, lịch sử, giá trị địa chất, địa mạo của vùng Cao nguyên đá Đồng Văn và định hướng phát triển du lịchcủa huyện Đồng Văn chính là một giải pháp giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đo, 4 huyện nằm trong vùng Cao nguyên đá Đồng Văn đã căn cứ vào điều kiện thực tiễn của mỗi huyện xây dựng các nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, biến những khó khăn, thách thức của mỗi huyện thành cơ hội để đột phát, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế -xã hội, xây dựng quốc phòng - an ninh vững mạnh. Chính vì vậy sự kiện Cao nguyên đá Đồng Văn chính thức được tổ chức UNESCO Liên hợp quốc công nhận là Công viên địa chất toàn cầu có ý nghĩa hết sức quan trọng và là cơ hội trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của 4 huyện vùng cao.


Để khai thác có hiệu quả giá trị của Cao nguyên đá Đồng Văn theo đúng nghĩa Công viên địa chất, vừa phục vụ phát triển du lịch, vừa quảng bá hình ảnh, đồng thời bảo tồn các giá trị di sản thì việc quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Công viên địa chất là vô cùng quan trọng, từ đó đưa khu du lịch này trở thành trọng tâm của du lịch toàn tỉnh. Tiến sỹ Michiel Dusar, Giám đốc Sở Địa chính Vương quốc Bỉ khẳng định: Trong quá trình khảo sát, các dòng sông ở Cao nguyên đá Đồng Văn rất trong xanh, cho thấy môi trường ở đây chưa bị ô nhiễm. Đây là điểm du lịch thú vị, du khách có thể khám phá lịch sử phát triển địa chất ở khu vực này, các ý nghĩa của biểu hiện di sản địa chất, cảm nhận được giá trị của đá mà thiên nhiên đã ban tặng.


AN DƯƠNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng đầu năm 2010 tăng 34,2%
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 9/2010 đạt 383.463 lượt khách, tăng 26% so với tháng 9/2009.
30/09/2010
Sa Pa sẽ trở thành trung tâm du lịch Quốc gia
Không dừng lại ở vị trí mũi nhọn trong phát triển kinh tế-xã hội Lào Cao, Sa pa đang từng bước thực hiện mục tiêu dẫn đầu du lịch quốc gia.
29/10/2010
“Nóng” với tour du lịch Đại lễ
Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây còn là dịp để cho những người con từ mọi miền đất nước về thăm đất Kinh kỳ ngàn năm văn hiến.
29/09/2010
Hà Nội: Thăm bảo tháp có 108 pho tượng
Chùa Bằng có tên chữ là Linh Tiên Phúc, vốn là một ngôi chùa cổ nằm ven bờ sông Tô Lịch thuộc phường Phương Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội), tiếp giáp khu đô thị mới Linh Đàm ngày nay.
28/09/2010