Thôn biên giới Thèn Ván 1 giữ gìn nghề đan quẩy tấu
BHG - Trong chuyến công tác huyện Quản Bạ, chúng tôi về vùng biên cương thôn biên giới Thèn Ván 1, xã Cao Mã Pờ. Được đồng chí Nguyễn Văn Sỹ, Phó Chủ tịch xã dẫn đến thăm gia đình cựu chiến binh Tẩn Dâu Sài, 61 tuổi, người cao tuổi giữ gìn nghề đan quẩy tấu. Ngồi trước hiên nhà trình tường, bàn tay ông thoăn thoắt đan quẩy tấu, trò chuyện với tôi, ông chia sẻ: “Đối với đồng bào Mông, trong các vật dụng gắn liền với cuộc sống thường ngày, chiếc quẩy tấu được xem là vật “bất ly thân”. Với địa hình núi dốc hiểm trở, chiếc quẩy tấu trở nên hữu dụng khi trở thành “người bạn” trên lưng theo chân người Mông những lúc lên nương hay xuống chợ”.
Ông Tẩn Dâu Sài, người gìn giữ nghề đan quẩy tấu ở Cao Mã Pờ. |
Chiếc quẩy tấu vừa là đồ đựng, vừa là phương tiện vận chuyển phổ biến và thường có miệng hình tròn, dáng vuông, với nhiều kích cỡ. Nguyên liệu đan quẩy tấu là tre, nứa và dây mây rừng. Kích thước của quẩy tấu là không hạn định, tùy thuộc vào khả năng sử dụng. Gắn bó với nghề đan quẩy tấu đã 45 năm nay, với mong muốn giữ gìn nghề truyền thống của quê hương, ông đã truyền lại kinh nghiệm chọn nguyên liệu và cách đan quẩy tấu cho những lớp trẻ trong vùng. Nghề đan quẩy tấu cần sự tỉ mẩn, đòi hỏi người thợ phải có đôi tay khéo léo, kỹ thuật chẻ nan phải biết lách dao sao cho độ dày, mỏng thật đều, thật phẳng thì lúc đan mới dễ, mới đẹp. Trung bình mỗi ngày ông đan được 1 cái quẩy tấu. Tùy từng thời điểm giá bán dao động từ 120-150.000 đồng/chiếc, giúp gia đình tăng thêm nguồn thu nhập. Ngày nay, cùng với sự sáng tạo và phát triển, quẩy tấu đan bằng tay dần được thay thế bằng quẩy tấu nhựa nên nghề đan quẩy tấu cũng dần bị mai một, thế nhưng không vì thế mà chiếc quẩy tấu mất đi giá trị ngàn đời của nó .
Đồng chí Nguyễn Văn Sỹ cho biết: “Thôn biên giới Thèn Ván 1 chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trước đây, cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức cao. Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền xã đã vận động người dân khôi phục nghề đan quẩy tấu, nhờ đó gìn giữ được nét văn hoá truyền thống của địa phương và quảng bá du lịch, trở thành sản phẩm hàng hóa, bán đồ lưu niệm…”.
Việc phát triển nghề đan quẩy tấu, người dân nơi biên cương Thèn Ván 1, xã Cao Mã Pờ đã gìn giữ được nghề truyền thống, đồng thời tăng thêm nguồn thu nhập, góp phần giảm nghèo. Chiếc quẩy tấu đã tạo nên vẻ đẹp không thể pha trộn của đồng bào dân tộc Mông nơi vùng cao núi đá. Dù cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng quẩy tấu vẫn là vật dụng gần gũi, tiện dụng, gắn liền với đời sống đồng bào Mông.
Bài, ảnh: Nguyễn Yếm
Ý kiến bạn đọc