Đánh thức tiềm năng du lịch - Kỳ cuối: Sinh kế từ du lịch
BHG - Tỉnh ta còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, phần lớn người dân là đồng bào dân tộc thiểu số; vì vậy, thoát nghèo luôn là “bài toán” được tỉnh quan tâm. Và mục tiêu phát triển du lịch (DL) bền vững thời gian qua đã tạo ra nhiều sinh kế, giúp người dân có việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Làng văn hóa dân tộc Mông thôn Pả Vi hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc). Ảnh: VĂN LONG |
Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn 2030 nêu rõ vấn đề bảo tồn, tôn tạo các di sản phải đồng hành với việc tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng. Chủ trương phát triển DL thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ, quảng bá hình ảnh... cũng chú trọng việc tạo ra sinh kế cho người dân từ DL.
Homestay Lý Quốc Thắng, thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ) thu hút nhiều du khách tham quan, nghỉ dưỡng. |
Xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang vàng óng như kiệt tác bồng bềnh trong mây; những rừng chè Shan tuyết cổ thụ và nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc. Hàng năm, vào mùa lễ hội, ruộng bậc thang Thông Nguyên thu hút hàng trăm ngàn lượt khách DL đến tham quan, trải nghiệm. Phát huy lợi thế, xã chú trọng, khuyến khích người dân đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển DL để tăng thu nhập. Chủ tịch UBND xã Thông Nguyên, Triệu Vằn Khuân cho biết: “Ngoài khu nghỉ dưỡng PanHou đạt tiêu chuẩn 2 sao; xã Thông Nguyên hiện có 9 homestay, 2 khu DL kiểu Bungalow, 5 nhà hàng, 1 quầy trưng bày, giới thiệu sản phẩm DL, 1 HTX DL với 43 thành viên hoạt động khai thác, kinh doanh DL hiệu quả. Lượng khách DL đến tham quan trên địa bàn xã trung bình tăng 25%/năm; doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm; một số homestay có thu nhập từ 25 – 30 triệu đồng/tháng”.
Ngược lên phía Bắc, nơi phần lớn là đồng bào người Mông sinh sống với điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn, chúng tôi có dịp dừng chân tại thung lũng hoa Sủng Là (Đồng Văn); đây là một trong những địa điểm ngắm hoa và chụp ảnh hoa Tam giác mạch đẹp nhất trên Cao nguyên đá. Chủ tịch UBND xã Sủng Là, Bùi Tiến Dũng chia sẻ: “Bắt đầu từ tháng 10, khi những bông hoa Tam giác mạch đầu tiên khoe sắc, Sủng Là đã liên tiếp đón nhiều khách DL trong và ngoài nước. Từ ngày có Lễ hội Hoa Tam giác mạch, người dân có thêm nguồn thu nhập từ trồng hoa và làm DL. Hiện, trên địa bàn xã có 5 hộ dân phát triển DL homestay thu hút đông đảo du khách”.
Là một trong những homestay có tiếng tại thị trấn Đồng Văn, Nhà cổ homestay của ông Hoàng Quốc Thân luôn đông khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Nhà cổ homestay có 8 phòng ngủ riêng và 1 phòng ngủ tập thể, có sức chứa khoảng 30 khách. Theo ông Thân, giá phòng nghỉ được quy định rõ ràng và hợp lý, mỗi du khách chỉ phải bỏ ra 100 nghìn đồng để trải nghiệm tại đây. Lượng khách tại Nhà cổ homestay khá đều, vào những tháng cao điểm, gia đình ông Thân thu về khoảng 15 - 20 triệu đồng từ các dịch vụ ăn, nghỉ tại homestay.
Làng Văn hóa DL cộng đồng thôn Nặm Đăm (Quản Bạ) là một trong những minh chứng điển hình về tính hiệu quả trong phát triển DL cộng đồng. Toàn thôn hiện có 30 hộ làm dịch vụ, DL với thu hập hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Một số hộ tiêu biểu như gia đình anh Lý Quốc Thắng có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm từ DL. Hình thức DL homestay gắn với các làng văn hóa DL cộng đồng thực sự đang phát huy hiệu quả, mang lại nguồn thu lớn cho người dân. Du khách đến đây có thể thoải mái trải nghiệm những công việc trong cuộc sống thường ngày với người dân bản địa và thưởng thức những món ăn đặc sản mang đậm văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với đẩy mạnh phát triển DL, tỉnh khuyến khích các làng nghề truyền thống mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động địa phương; tạo ra các sản phẩm đặc thù phục vụ du khách. HTX dệt lanh Lùng Tám (Quản Bạ) là một ví dụ điển hình. Cùng với sự phát triển DL, HTX ngày càng có nhiều đơn đặt hàng cho du khách cả trong và ngoài nước, tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho nhiều phụ nữ địa phương với thu nhập từ 3- 5 triệu đồng/tháng. Vào mùa lễ hội, các khách sạn, nhà nghỉ và homestay tại làng văn hóa DL cộng đồng cùng các dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh đều thực hiện hết 100% công năng sử dụng, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân làm dịch vụ kinh doanh DL. Thông qua chợ phiên và các gian hàng trưng bày sản phẩm tại các điểm DL giúp người dân bán được các sản phẩm hàng hóa nông, lâm sản bản địa và sản phẩm của các làng nghề truyền thống như: Thịt bò, mật ong Bạc hà, rau sạch, dược liệu, rượu ngô, khèn Mông, sản phẩm may mặc truyền thống từ lanh... góp phần khuyến khích thương mại phát triển, giúp người dân tăng thu nhập.
Bên cạnh đó, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, hợp tác phát triển DL, chương trình tài trợ, hỗ trợ phát triển làng nghề, đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DL cũng đã trao cơ hội việc làm cho nhiều người khi tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về nhà hàng, khách sạn, nấu ăn, hướng dẫn viên DL, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Đặc biệt từ DL, đã xuất hiện thêm nghề mới, là nghề dẫn tour, hướng dẫn viên DL. Bí thư Chi bộ thôn Tha, xã Phương Độ (T.P Hà Giang) Nguyễn Văn Thiện cho biết: “Việc tham gia làm DL theo mô hình homestay đã giúp các gia đình trong thôn có thu nhập trung bình từ 70 - 80 triệu đồng/năm. Một số hộ thu hập trên 150 triệu đồng/năm. DL cũng tạo cho nhiều thanh niên địa phương có thêm nghề mới là nghề dẫn khách. Trong thôn có 10 thanh niên thường xuyên dẫn khách DL đi các điểm DL cả trong và ngoài tỉnh với thu nhập trên 10 triệu đồng/người/tháng”.
Thật khó để những ai chưa một lần đến Hà Giang có thể hình dung được hình ảnh người dân tộc thiểu số tự tin nói tiếng Anh, giao tiếp thường xuyên với người nước ngoài, làm hướng dẫn viên DL bằng những câu chuyện mộc mạc, duyên dáng, chân thành như chính cuộc sống của họ… Đó là hình ảnh quen thuộc trong đời sống đồng bào vùng cao Hà Giang hôm nay.
BIỆN LUÂN
[links()]
Ý kiến bạn đọc