Nét đẹp truyền thống trong đám cưới của dân tộc Pà Thẻn
BHG - Hà Giang có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, chính vì vậy, có rất nhiều phong tục, tập quán cũng như những nét đặc sắc trong văn hóa của mỗi dân tộc. Đặc biệt, tại xã Tân Bắc (Quang Bình) vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa độc đáo trong Lễ cưới của người Pà Thẻn.
Trích đoạn Lễ cưới người Pà Thẻn (tại Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn). |
Xã Tân Bắc hiện có 10 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Pà Thẻn chiếm 46%. Tìm hiểu về Lễ cưới của người Pà Thẻn, chúng tôi có dịp về Tân Bắc nhân Lễ hội Nhảy lửa được tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua. Điều đầu tiên phải nhắc đến là trang phục trong lễ cưới, trang phục của cô dâu Pà Thẻn có sắc đỏ rực rỡ và được mặc hai bộ lồng vào nhau, có thắt dây lưng, một dây đen, một dây trắng; trên đầu được trùm một chiếc khăn to. Trong lễ cưới, cô dâu phải đeo đầy đủ đồ trang sức bằng bạc của gia đình để thể hiện tình cảm của con dâu đối với gia đình nhà chồng. Trên vòng cổ của cô dâu có một chiếc khăn mặt, sau ngày cưới, chiếc khăn này sẽ được bỏ vào chậu rửa mặt của bố mẹ chồng. Từ thời xa xưa, vì sợ khi con gái về nhà chồng xấu hổ, nên cô dâu phải lấy một chiếc khăn che kín mặt. Còn trang phục của chú rể lại có phần đơn giản hơn, toàn bộ trang phục có mầu đen, dây đai trắng thắt chéo qua ngực và đằng sau lưng; trên đầu cuốn khăn thành hình quả chám có mầu đen hoặc trắng.
Một yếu tố không thể thiếu trong tục cưới hỏi truyền thống của người Pà Thẻn chính là sính lễ của gia đình nhà trai, lễ cưới của họ nhà trai bao gồm: 10 đồng Bạc, 1 đùi lợn, 4 con gà, 2 ống rượu và 5 chiếc bánh dày… Trong đó, Đoàn đón dâu nhà trai gồm: Quan làng, Phó Quan làng, Trưởng đoàn nhà trai và chú rể… Theo quan niệm của người Pà Thẻn, trong Đoàn đi đón dâu phải là số lẻ, đến khi đón cô dâu về mới đủ đôi. Trước khi Đoàn nhà trai đến, bên nhà gái phải "cửa đóng, then cài"; chính vì vậy, ông Quan làng phải xin phép rồi sau đó dùng gậy đẩy cửa để ra tín hiệu cho nhà gái biết Đoàn đã đến trước cửa nhà… Sau khi nhận sính lễ hoàn thành thủ tụ xin dâu, Trưởng đoàn nhà gái chuẩn bị sẵn một chiếc chiếu để trước cửa nhà và cúi lạy bốn góc tượng trưng cho 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc; với ý nghĩ cầu may mắn và bình an cho gia đình nhà trai và gia đình nhà gái.
Với quan niệm của người Pà Thẻn, chiếc ô là "kỷ vật" đem lại sự may mắn, che chở cho lễ cưới được vẹn toàn, bao bọc tất cả mọi người trong lễ cưới được bình an, che trở cho quãng đường đi đón dâu được bình an. Vì vậy, khi đón dâu về, Quan làng sẽ dùng chiếc ô trong lễ đón dâu với mong muốn mọi việc được thuận lợi. Một điều đáng nói, trong phong tục của người Pà Thẻn khác với những dân tộc khác; khi nhà gái đã đồng ý, Quan làng sẽ xin phép nhà gái ra cổng trước, chú rể phải ra ngoài cổng chờ, không được đón dâu từ trong nhà. Sau đó, Trưởng đoàn xin phép nhà gái được đón cô dâu. Hai phù dâu sẽ kéo cô dâu từ trong buồng ra và đưa về nhà trai. Khi cô dâu về đến nhà trai, ông nội và anh em họ hàng nhà trai sẽ ra đón. Một nét đặc trưng nữa của người Pà Thẻn là, sau khi cô dâu được đón vào nhà và bỏ khăn che mặt ra, khăn che mặt sẽ được bỏ vào một chậu nước và mời quan làng rửa tay; việc làm này thể hiện lòng thành kính và lời cảm ơn của đôi vợ chồng trẻ đối với quan làng. Quan làng sau khi rửa tay sẽ thả vào chậu nước hai đồng Bạc trắng để ban lộc cho đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc trăm năm.
Lễ cưới của dân tộc Pà Thẻn xã Tân Bắc đến nay vẫn còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán độc đáo và đặc sắc,… để nét văn hóa này không bị mai một; cấp ủy, chính quyền xã Tân Bắc đã xây dựng Đề án Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Pà Thẻn. Đồng chí Đỗ Bằng Giang, Chủ tịch UBND xã Tân Bắc chia sẻ: Xã đã có chủ chương mô phỏng đám cưới và thực hiện trình diễn trong các chương trình văn nghệ của xã; nhằm tái hiện lại cảnh và ý nghĩa của đám cưới; đồng thời khuyến khích học sinh mặc trang phục truyền thống vào các ngày lễ và đầu tuần học; đã và đang góp phần tích cực trong giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Pà Thẻn nói riêng và các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung.
Bài, ảnh: Nguyễn Ngân
Ý kiến bạn đọc