Dấu ấn những mùa hoa Tam giác mạch

15:48, 30/11/2018

BHG - Đêm khai mạc Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần thứ IV đã thành công tốt đẹp, để lại những dấu ấn vô vùng sâu sắc trong lòng du khách. 4 năm qua, với sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân trên vùng Cao nguyên đá; hoa Tam giác mạch đã, đang trở thành biểu tượng, thương hiệu du lịch Hà Giang.

Hội thi làm bánh truyền thống tại Lễ hội Hoa Tam giác mạch, thể hiện nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của đồng bào vùng cao.
Hội thi làm bánh truyền thống tại Lễ hội Hoa Tam giác mạch, thể hiện nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của đồng bào vùng cao.

Với nhiều hoạt động trải dài từ tháng 10 đến hết tháng 12 tại 4 huyện vùng cao, Lễ hội Hoa Tam giác mạch đã đem đến cho du khách những trải nghiệm thực tế thú vị với sự hội tụ những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá. Du khách được chứng kiến sự cộng hưởng, giao thoa văn hoá của các vùng với nhiều loại hình nghệ thuật, sự kết hợp uyển chuyển giữa hiện đại và truyền thống khi đến với mảnh đất này.

Lễ hội Hoa Tam giác mạch năm nay được đánh giá lớn hơn những năm trước cả về quy mô và chất lượng, mang tính hội tụ quần thể. Trải qua các mùa lễ hội với chủ đề: "Cao nguyên đá Ngàn hoa khoe sắc" (năm 2015); "Đá nở hoa" (năm 2016); "Bản tình ca từ đá" ( năm 2017) và "Cao nguyên đá rực rỡ mùa hoa Tam giác mạch" (năm 2018) đều mang đến những nét đặc sắc riêng. Qua những mùa hoa, chúng ta hoàn toàn tự hào về những nỗ lực xây dựng thương hiệu du lịch riêng trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Qua đó, tìm ra phương hướng đầu tư và thúc đẩy phát triển cho vùng Cao nguyên đá và đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của đất nước như: Phát triển kinh tế, tăng nguồn thu cho từng hộ dân; ổn định chính trị; nâng cao giá trị văn hóa, nhận thức về việc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc.

Anh Bùi Văn Tuấn, du khác đến từ Hòa Bình cho biết: Hòa Bình cũng có rất nhiều cảnh đẹp và hấp dẫn, nhưng đến Hà Giang tôi vẫn luôn cảm nhận được sự khác biệt, rất thú vị. Từ cảnh núi non hùng vĩ, đa dạng văn hóa các dân tộc cho đến con người thân thiện, dễ mến. Đây là lần thứ 3 đến Hà Giang, mỗi lần trở lại, tôi cảm nhận rõ sự thay đổi khá tích cực; dọc đường lên Cao nguyên đá có thêm nhiều điểm trồng hoa Tam giác mạch, chất lượng dịch vụ du lịch cũng được cải thiện. Đặc biệt, đêm khai mạc khá ấn tượng với những màn biểu diễn nghệ thuật đường phố, kết hợp nhiều loại hình văn hóa các dân tộc, rất độc đáo... Việc lựa chọn gương mặt đại diện thương hiệu hoa Tam giác mạch cũng tạo nên dấu ấn rất riêng.

Còn anh Nguyễn Công Hòa (Hà Nội) chia sẻ: Tôi may mắn được tham gia cả 4 mùa Lễ hội hoa Tam giác mạch. Nội dung chương trình lễ hội năm nay khá đặc sắc, được đầu tư công phu cả về nội dung và hình thức. Với tôi, mùa nào Hà Giang cũng đẹp!

Tam giác mạch gắn liền với Hà Giang, với Cao nguyên đá Đồng Văn, nó tượng trưng cho tâm hồn của người vùng cao Hà Giang - luôn cởi mở, thân thiện; biểu trưng cho sự vươn lên không ngừng nghỉ, ý chí vượt khó của cộng đồng các dân tộc nơi địa đầu Tổ quốc.

       Bài, ảnh: MY LY


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Gìn giữ kiến trúc truyền thống vùng Cao nguyên đá

BHG - Những năm gần đây, vùng Cao nguyên đá có sự đổi thay mạnh mẽ. Bên cạnh thành quả đổi thay của đời sống KT – XH, có những giá trị đứng trước nguy cơ bị mai một, đó là kiến trúc truyền thống. Biểu hiện đầu tiên là chất lợp truyền thống - ngói âm dương ở các làng bản dần được thay thế bằng Phi - bờ - rô xi - măng hoặc những mái tôn xanh, đỏ. Những ngôi nhà trước đây trình tường, bờ rào đá nay dần được thay thế bởi chất liệu gạch làm từ bột đá…

 

30/11/2018
Nét đẹp truyền thống trong đám cưới của dân tộc Pà Thẻn

BHG - Hà Giang có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, chính vì vậy, có rất nhiều phong tục, tập quán cũng như những nét đặc sắc trong văn hóa của mỗi dân tộc. Đặc biệt, tại xã Tân Bắc (Quang Bình) vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa độc đáo trong Lễ cưới của người Pà Thẻn. Xã Tân Bắc hiện có 10 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Pà Thẻn chiếm 46%. Tìm hiểu về Lễ cưới của người Pà Thẻn, chúng tôi có dịp về Tân Bắc nhân Lễ hội Nhảy lửa được tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua. 

30/11/2018
Lễ hội Văn hóa dân tộc Nùng huyện Xín Mần

BHG - Ngày 28.11, tại xã Cốc Rế, UBND huyện Xín Mần tổ chức Lễ hội Văn hóa dân gian dân tộc Nùng cụm xã lần thứ nhất năm 2018. Đến dự có Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; đại diện các ban, ngành, đơn vị trường học của huyện; lãnh đạo và người dân 6 xã trong cụm gồm: Cốc Rế, Thu Tà, Tả Nhìu, Nấm Dẩn, Ngán Chiên, Trung Thịnh. Trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra Hội thi văn hóa dân gian như: Hát lướn, múa ngựa giấy, kéo đàn nhị, chà bóng vải đen, thi người đẹp trang phục dân tộc Nùng, thêu trang phục, trình diễn lễ hội cúng rừng dân tộc Nùng.

29/11/2018
Giao lưu tài năng tiếng Anh cấp tỉnh dành cho học sinh THCS

BHG - Tối 27.11, tại Trường THPT Chuyên Hà Giang, Sở GD&ĐT tổ chức buổi giao lưu tài năng tiếng Anh cấp tỉnh, dành cho học sinh THCS năm học 2018 – 2019. Tới dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT; các thầy, cô giáo và hơn 80 học sinh THCS đến từ 11 huyện, thành phố. Tham gia buổi giao lưu, các em sẽ phải thể hiện qua 3 nội dung gồm: Làm bài viết theo hình thức trắc nghiệm và tự luận với kỹ năng nghe, đọc, viết; phần thi năng khiếu, các em thi theo đội, mỗi đội thực hiện một chương trình tập thể, như: Hát, múa, kể chuyện, đọc thơ, diễn kịch...

28/11/2018