"Miền đất vỏ cây vàng" niềm tự hào với truyền thống quê hương
BHG - Cuốn sách “Miền đất vỏ cây vàng” được viết về huyện Hoàng Su Phì từ khi được thành lập tới nay. Chỉ riêng cái tên đã gợi lên phong sắc, đầy thi vị của một vùng quê núi cao, đất dốc... Diện mạo của miền đất vỏ cây vàng chính là không gian văn hóa của chè shan tuyết tinh khiết; của ruộng bậc thang ngất ngây du khách; của vị thảo quả nồng ấm tình người.
Kết cấu khá độc lập, tại mỗi phần tác giả đều đưa ra những luận giải cho tên đất, tên làng, gắn liền đó là địa giới hành chính, có nhiều trang kể về những ngọn núi ngất trời nổi tiếng như Tây Côn Lĩnh, Chiêu Lầu Thi, Lao Sán... Dòng sông nơi đây có cái tên rất động – sông Chảy; Lịch sử mở đường Bắc Quang – Hoàng Su Phì còn có tên gọi là đường Lâm Đồng. Cái tên gợi nhớ sự kết nghĩa anh em Lâm Đồng và Hà Giang từ thời kháng chiến chống Mỹ. Tỉnh Lâm Đồng cũng có nông trường chè, con đường và khu đô thị mới mang tên Hà Giang. Như một nốt nhạc nối tiếp bản tình ca giao thông trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc, phần II nhấn nhá kể từ con đường dân sinh, từ giấc mơ khai mở con đường cho đến hiện thực và con đường đã được hoàn thành, nối miền Tây hiểm trở của Hà Giang với Quốc lộ 2, thông suốt về thành phố Hà Giang và Thủ đô Hà Nội. Có nhân chứng lịch sử từng sống và làm việc từ thời Pháp thuộc cũng phải thốt lên: “Đảng và Hồ Chí Minh giỏi thật”. Vượt qua biết bao gian khó, tình yêu trên công trường đã kết nụ, trổ hoa... Con đường chính là huyết mạch không chỉ giao lưu kinh tế - văn hóa mà còn mang ý nghĩa đặc biệt nâng bước con người từ nhiều vùng miền đến với đất Vỏ cây vàng rồi từ miền đất này cũng được mở mang, giao lưu với bạn bè trong nước và quốc tế.
Phần III với các tiểu mục về dân số, dân tộc; những người con Hoàng Su Phì đã góp phần gìn giữ biên cương Tổ quốc; đã tích cực trong dựng xây quê hương để có thành quả ngày hôm nay, đặc biệt là thành quả của công cuộc đổi mới... Một Hoàng Su Phì xa xưa đã được tái hiện nghị lực, thủy chung, thượng võ; lay thức lòng người. Ngược dòng sông Chảy, khai mở bước chân ông cha từ khi quản lý dân theo tộc người chứ chưa phân chia theo địa giới hành chính... Trước khi Thực dân Pháp đến xâm chiếm Việt Nam, Hoàng Su Phì cũng chịu sự ảnh hưởng của phong kiến phương Bắc, đồng bào các dân tộc sống dưới chế độ hà khắc, phân chia giàu nghèo, phân chia sắc tộc, chịu sự đàn áp, bóc lột, kỳ thị... Thực dân Pháp đã dựa vào những đặc điểm đó, tiếp tục kích động sự hiềm khích, thực hiện chính sách chia để trị, chúng tiếp tục xúi giục các dân tộc tổ chức cướp bóc, đánh lẫn nhau... tạo nên một miền đất đầy bất an và chia rẽ.
Sau cách mạng Tháng Tám thắng lợi, Đảng, Bác Hồ đã cử cán bộ Việt Minh vào Hoàng Su Phì tuyên truyền giác ngộ cho nhân dân... Sau cách mạng Tháng Tám thành công, huyện Hoàng Su Phì được giải phóng, các xã được thành lập. Cuốn sách đi sâu khai thác từ năm 1965, khi huyện Hoàng Su Phì được tách thành hai huyện (Hoàng Su Phì và Xín Mần).
Hơn nửa thế kỷ được thành lập, đi theo Đảng; Bác Hồ làm cách mạng giải phóng dân tộc, kiến thiết và dựng xây quê hương..., miền đất Vỏ cây vàng đã bừng thức, vươn dậy tự hào, hứa hẹn ngày một phát triển, trở thành điểm sáng của khu vực phía Tây núi đất Hà Giang. Thành quả của công cuộc đổi mới khiến mỗi người con sinh ra trên triền núi dốc đều cảm thấy tự hào. Biết bao người đã chọn Hoàng Su Phì làm nơi sinh tụ, coi đó là quê hương thứ hai của mình. Dòng sông Chảy vẫn âm trầm tháng ngày tích tụ sức nước cùng với người vun đắp quê hương. Miền đất Vỏ cây vàng vốn nên thơ, hùng vĩ, bản sắc văn hóa các dân tộc hết sức đậm đà... Những điều ấy đã được tác giả cảm nhận, chắt lọc và đưa vào từng trang sách. Mỗi trang sách đầy ắp tự sự... Vẫn từ nguồn cảm xúc khi phấn khởi tự hào, khi lo lắng, đăm chiêu, khi ngập tràn niềm vui đối với quê hương. Đó là niềm hạnh phúc không chỉ cho bản thân, gia đình mà bao trùm hơn là hạnh phúc của đồng chí, đồng bào, đồng tộc...
Tác giả cũng dày công sưu tầm một số bài thơ của nhiều tác giả sáng tác về Hoàng Su Phì; cùng một số văn bản hành chính từ thời Pháp thuộc; Văn bản của Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Giang; Văn bản của Hội đồng Chính phủ; Hội đồng Bộ trưởng; Chính phủ về công tác tổ chức; về công tác mở đường; về điều chỉnh địa giới...
Điều làm nên giá trị chủ yếu của “Miền đất vỏ cây vàng” chính là lòng tự hào với truyền thống quê hương, tình cảm biết ơn bao thế hệ dù sinh trưởng tại đây hay từ nhiều vùng quê hội tụ về Hoàng Su Phì, họ đều đã hiến dâng nhiệt huyết, cống hiến tuổi xuân cho danh tiếng miền đất vỏ cây vàng, tỏa sáng và bay xa... cho Hoàng Su Phì ngày càng phát triển bền vững.
Mỗi khi khởi bút, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Triệu Đức Thanh luôn dày công sưu tầm tư liệu, bỏ thời gian, tâm sức đi gặp các nhân chứng lịch sử, những cán bộ lão thành cách mạng qua các thời kỳ để ghi chép tư liệu một cách xác thực nhất. Khi triển khai bản thảo, ông luôn cố gắng chắt lọc những hình ảnh gần gụi, giữ nguyên những lời thoại mộc mạc, những yêu thương thân thuộc từ mỗi bản làng, mỗi thân phận con người gắn với cung đường, ngọn núi, dòng sông, gắn với cả cảnh vật, sự kiện hành chính; lịch sử... tất cả đều hàm chứa tình cảm chân thành, mộc mạc của chính tác giả. Cứ như vậy mà vận dụng tâm- trí và lực của mấy chục năm gánh vác trọng trách với Đảng với dân trên vùng đất địa đầu trăm ngàn gian khó. Trong gian khó ấy, trí tuệ tỏa sáng, vượt lên, song hành với tâm hồn để khi hoàn thành nghĩa vụ của người cán bộ thuộc diện cao cấp của tỉnh, ông lại tiếp tục dấn thân vào con đường văn chương đầy lao lực nhưng không chút sờn lòng. Luôn gắn bó với cơ sở, tận tâm, tận lực trong công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn và sáng tạo để rồi cần mẫn viết với niềm tin chắc chắn rằng mỗi tác phẩm của mình có thể góp phần xây dựng quê hương.
Với nguồn mạch văn hóa Dao phong phú, kiến thức bản địa sống động, kinh nghiệm công tác dầy dặn... người con ưu tú dân tộc Dao Triệu Đức Thanh luôn biết nâng niu, trân trọng các giá trị đối với quê hương nhằm tăng thêm sự cảm thông, trách nhiệm, thêm hương vị tình yêu dâng tặng quê nhà! Đó chính là cái đích mà ông hướng tới và cần mẫn lao động.
Hà Giang, 15 tháng 8 năm 2017
Huyền Minh
Ý kiến bạn đọc