Đoàn ĐBQH Hà Giang thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và Nghị quyết 30 của Quốc hội
BHG - Sáng 6.1, Kỳ họp bất thường thứ 2, Quốc hội khóa XV thảo luận tại tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28.7.2021 của Quốc hội về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1.2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược. Tại tổ 3 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Giang, Bắc Kạn, Gia Lai, Ninh Thuận. Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang, Tổ trưởng chủ trì thảo luận. Các ĐBQH Hà Giang thảo luận nhiều nội dung tại tổ.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh chủ trì thảo luận tại tổ 3 |
Góp ý vào Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, các ĐBQH Hà Giang cho rằng dự thảo được đầu tư công phu, tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch. Nội dung quy hoạch thể hiện được định hướng tổ chức không gian phát triển của đất nước và tích hợp đồng bộ của ngành, lĩnh vực.
Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Giang Lý Thị Lan cho rằng: Trong quy hoạch tổng thể quốc gia những vấn đề về định hướng phát triển vùng và liên kết vùng mới chỉ nêu lên thế mạnh ngành hàng, khu vực kinh tế theo vùng, chưa chỉ rõ quy mô, cấp độ để xác định được mức độ, nhu cầu đầu tư, thu hút đầu tư tương ứng; chưa chỉ ra được cụ thể các hình thức liên kết vùng trên khía cạnh tổ chức sản xuất làm cơ sở để các quy hoạch tỉnh lựa chọn mô hình phát triển phù hợp, tránh tình trạng phát triển tương tự như nhau theo cùng một hướng.
Đại biểu Phạm Thuý Chinh tham gia thảo luận |
Về cơ cấu kinh tế trong quy hoạch tổng thể quốc gia, đại biểu Lý Thị Lan đề nghị làm rõ khái niệm về cụm liên kết ngành, trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng... Đồng thời định hướng liên kết, định hướng vai trò và trách nhiệm dẫn dắt, lan tỏa để các quy hoạch tỉnh có cơ sở luận giải được vị trí, vai trò và mối liên kết vùng của địa phương mình với vùng, quốc gia và quốc tế. Qua đó giúp địa phương tiếp cận được các nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển KT-XH. Đại biểu đề nghị, đối với các tỉnh biên giới, trong quy hoạch tổng thể quốc gia cần cụ thể hóa danh mục hệ thống cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương và các cửa khẩu phụ địa phương làm cơ sở triển khai thực hiện.
Đại biểu Tráng A Dương đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm chiến lược phát triển của các bộ, ngành giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050; việc phát triển nguồn nhân lực đối với phát triển KT-XH, nhất là với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là nguồn lực đối với các tỉnh miền núi phía Bắc. Đại biểu cũng quan tâm tới định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, nhất là hạ tầng giao thông. Theo đại biểu, cần rà soát và cụ thể hóa Quyết định số 1269 ngày 19.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch, chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch hạ tầng đường thủy nội địa giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tránh việc khi quy hoạch tổng thể quốc gia được phê duyệt lại trái ngược với quy hoạch của ngành, đặc biệt là quy hoạch kết cấu, hạ tầng đường thủy.
Đối với định hướng phát triển du lịch, đại biểu Tráng A Dương đề nghị, ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung trong quy hoạch tổng thể quốc gia về hướng dẫn tạo nguồn nhân lực ngành du lịch. Bổ sung thêm nội dung định hướng phát triển ngành du lịch trên 52% để bổ sung thêm ngành du lịch mạo hiểm.
Tham gia ý kiến vào báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội, Phó trưởng đoàn Lý Thị Lan cho rằng: Trong công tác phòng, chống dịch bệnh Chính phủ đã chủ động thực hiện các quyết sách sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo và lãnh đạo, hiệu quả của các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất, đặc biệt là đảm bảo ổn định tâm lý cho nhân dân. Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh là rất đáng ghi nhận và cần đánh giá, nêu rõ trong báo cáo.
Tuy nhiên, theo đại biểu, việc triển khai Nghị quyết 30 còn có một số bất cập, khó khăn như việc phân bổ các nguồn lực trong phòng, chống dịch giai đoạn đầu chưa kịp thời; một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch cho cán bộ, người làm nhiệm vụ phòng, chống dịch chưa được quy định cụ thể đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc phân bổ các nguồn lực. Đại biểu cũng phân tích một số nguyên nhân khách quan, chủ quan trong vấn đề này. Đồng thời đề nghị Chính phủ có những giải pháp để công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới thuận lợi và hiệu quả hơn, tránh tình trạng khan hiếm, bị động nguồn lực, nhân lực, trang thiết bị. Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, thực hiện việc thanh toán và chi trả cho lực lượng điều động, huy động trong công tác phòng, chống dịch Covid – 19; thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với các cơ sở y tế và người bệnh Covid – 19; rà soát, tổng hợp và có cơ chế hỗ trợ cho các địa phương khó khăn về nguồn lực được thanh toán, quyết toán dứt điểm các chi phí phòng, chống dịch.
Về nội dung này, đại biểu Phạm Thúy Chinh cho rằng, Nghị quyết 30 được ban hành vào thời điểm hết sức phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai các chính sách chưa từng có tiền lệ trong phòng, chống dịch từ T.Ư đến địa phương. Tuy nhiên, việc xây dựng, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Nghị quyết 30 còn chồng chéo, không đồng bộ khiến một số nội dung, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết triển khai chậm và khó thực hiện.
Đối với các chính sách tiếp tục xử lý kinh phí cho giải quyết chế độ, chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch Covid – 19. Đại biểu Phạm Thúy Chinh băn khoăn về số liệu các địa phương có người điều động tham gia phòng, chống dịch và số kinh phí cần tiếp tục hỗ trợ cho các đối tượng này. Theo đại biểu, báo cáo chưa phản ánh đầy đủ, cần rà soát, giải trình làm rõ các số liệu trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua việc thực hiện các chính sách giải quyết chế độ đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch. Đại biểu đề nghị cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật Dược để giải quyết các khó khăn vướng mắc trong cấp giấy phép đăng ký lưu hành thuốc trong thời gian tới.
Duy Tuấn (tổng hợp), ảnh: CTV
Ý kiến bạn đọc