Đường tới Sài Gòn

11:50, 29/04/2021

BHG - Vậy là đã 46 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi. Ngày 30.4.1975, dân tộc ta đã toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa non sông ta thu về một mối.

Người dân Sài Gòn ra đường đón quân giải phóng.
Người dân Sài Gòn ra đường đón quân giải phóng. ảnh: Tư Liệu

Những thế hệ thanh niên năm xưa vinh dự được tham gia cuộc kháng chiến giải phóng Tổ quốc, có người trực tiếp cầm súng chiến đấu đánh giặc, người tham gia hậu cần phục vụ chiến đấu… Họ đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho độc lập, tự do của dân tộc. Sau chiến tranh, người còn sống gác lại khẩu súng về với đời thường tiếp tục học tập, công tác, lao động sản xuất, xây dựng quê hương, đất nước. Họ sống rất đỗi bình dị, nhân ái, bao dung như bản chất của người lính, chẳng bao giờ công thần, địa vị…
Chiến tranh qua đi, mỗi một kỷ niệm, một câu chuyện nhỏ của những người lính (dù là một vị tướng hay một chiến sĩ binh nhất, binh nhì) thật đáng trân trọng. Họ giống như những giọt nước làm nên biển cả. Người mà tôi muốn nói đến là cựu chiến binh (CCB) Đặng Quang Trung, nguyên chiến sĩ đại đội 9 pháo binh, thuộc Tiểu đoàn pháo binh 14, Trung đoàn 55, Sư đoàn 341, Quân đoàn 4, tham gia giải phóng miền Nam tháng 4.1975, hiện đang sinh sống tại tổ 7, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang.

Tôi biết anh cũng là sự tình cờ trong một cuộc gặp mặt những người lính chống Mỹ, cứu nước vào dịp kỷ niệm 30.4.2021. Anh quê ở xã Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Nghệ An, đi bộ đội tháng 10.1974. Nhưng 6 tháng ít ỏi của anh được làm người lính chống Mỹ đã làm nên bản lĩnh, ý chí và lòng tự hào khi anh được tham gia vào những trận chiến cuối cùng của quân giải phóng miền Nam tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30.4 thuộc Quân đoàn 4, Quân Giải phóng miền Nam.

Anh kể: Sau 3 tháng huấn luyện ở Đoàn 22, Quân khu 4, tháng 1.1975, tôi được biên chế về Binh chủng Pháo binh C3, D10, E55, F441, Quân đoàn 4 đóng ở Lệ Thủy, Quảng Bình. Đơn vị ổn định tổ chức xong, theo yêu cầu nhiệm vụ của chiến trường phải khẩn trương hành quân vào miền Nam chiến đấu. Cả đơn vị ai ai cũng phấn khởi, hào hứng và quyết tâm rất cao. Vậy là chúng tôi hành quân bằng phương tiện xe kéo pháo, tôi ở đơn vị pháo 85 ly. Chúng tôi hành quân từ ngã ba Đông Dương Việt Nam - Lào - Cam Pu Chia, rồi theo đường Trường Sơn vào Nam, đêm đi, ngày nghỉ, cứ thế liên tục ròng rã… Khó khăn, gian khổ, bom đạn địch bắn phá dọc đường thường xuyên, anh em chúng tôi còn bị ảnh hưởng lớn của thời tiết những ngày mưa bùn đất ngập sâu bánh xe pháo và lút đầu gối khi đi… Ấy vậy mà tất cả anh em đều hăng hái vượt lên gian khổ để bảo đảm bí mật, bất ngờ và sẵn sàng chiến đấu cao. Và rồi điểm tập kết của Sư đoàn đã đến đích. Đơn vị chúng tôi được lệnh đào công sự, bố trí trận địa pháo ở phía ngoài Xuân Lộc. Chúng tôi được cấp trên quán triệt sâu sắc cho trận đánh mới rất quan trọng này, với quyết tâm tạo thế bất ngờ, chắc thắng để giành lợi thế áp đảo quân địch tạo thời cơ ta tiến vào Sài Gòn.

Đúng 5h30 phút ngày 9.4.1975, các đơn vị bộ đội pháo binh của chúng tôi thuộc Quân đoàn 4 đồng loạt nổ súng tấn công vào Xuân Lộc. Đây là trận đầu tiên tôi được tham gia và chứng kiến tiếng nổ của đạn pháo gầm vang inh tai, khói bụi mờ mịt. Khi đó tôi là chiến sĩ thông tin pháo binh truyền đạt mệnh lệnh của trên trong chiến đấu cho các đơn vị. Tai tôi bị ù không nghe rõ được nữa. Đồng chí chính trị viên đại đội chạy đến bảo tôi lấy bông hoặc rẻ tạm nút tai lại cho đỡ. Sau đó tôi bình tĩnh, ổn định tinh thần và tiếp nhận các thông tin rõ. Sau khi ta nổ súng khoảng 10, 15 phút thì đạn pháo của quân địch bắn trả tới tấp bằng các loại pháo lớn 130, 160, 175 ly... Nhưng hầu hết đạn địch bắn lệch trận địa của ta khoảng từ 50 -100 mét. Chúng tôi không ai việc gì cả. Anh em lại càng hăng hái, khí thế đánh địch cao hơn. Pháo binh của ta liên tục gầm lên nhả đạn vào Xuân Lộc, tôi nhẩm tính pháo ta bắn kéo dài có tới hơn một giờ đồng hồ. Trong khi đó pháo địch bắn trả rất tản mạn, thưa thớt rồi im lặng. Chúng tôi nghĩ có thể quân địch bị tiêu diệt nặng nề đã bỏ chạy… Anh em chúng tôi reo vui, ôm nhau, trên khuôn mặt các chiến sỹ vẫn sạm màu khói đạn…

Cuộc tấn công của bộ đội ta vào Xuân Lộc làm cho quân ngụy bị tổn thất nặng nề, sự chống cự ngày càng yếu ớt. Vòng vây Xuân Lộc ngày càng thắt chặt... Và đến ngày 20.4.1975, sau 11 ngày đêm chiến đấu đầy ác liệt, gian khổ, hy sinh, chiến dịch đánh chiếm Xuân Lộc của bộ đội ta và lực lượng vũ trang địa phương miền Nam đã thắng lợi hoàn toàn. Đơn vị tôi đã đứng chân ở Xuân Lộc. Tướng Ngụy Lê Minh Đảo rút chạy về cố thủ Sài Gòn. Ta tiêu diệt và làm tan dã 25 ngàn quân địch. Trước đó tướng Ngụy Sài Gòn  Lê Minh Đảo, Sư trưởng Sư 18 Ngụy đã ra oai lớn tiếng: Tôi sẽ đánh bại quân cộng sản, cho dù chúng đưa tới 2 đến 3 sư đoàn tới đây. Ngay tối ngày 20.4, Tổng thống Ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố từ chức. Và 2 ngày sau đó Nguyễn Văn Thiệu đã rời khỏi Sài Gòn chạy ra nước ngoài. Chiến thắng Xuân Lộc đã đập ta tuyến phòng thủ phía Đông Sài Gòn của Quân lực Việt Nam cộng hòa…

Sau thắng lợi Xuân Lộc, đơn vị tôi thuộc Quân đoàn 4 tiếp tục tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra từ ngày 26.4 - 30.4.1975 trong 5 cánh quân của quân giải phóng miền Nam Việt Nam thần tốc thẳng hướng Sài Gòn. Trong lòng anh em chúng tôi vô cùng phấn khích. Anh em đã nghĩ đến ngày giải phóng miền Nam đang tính từng giờ. Trên dường tiến về Sài Gòn, chúng tôi thấy quân địch tan rã, tháo chạy… Các hàng quán, cửa hàng bị bỏ hoang, hàng hóa vương vãi… Bộ đội ta rất kỷ luật, không một ai xâm phạm của cải của dân…

Sau này tôi được biết Quân đoàn 4 chúng tôi nhận nhiệm vụ tiến vào Sài Gòn cùng mũi với Quân đoàn 2 “tiến công vào nội đô Sài Gòn” vào 16 giờ ngày 29.4, sớm hơn 12 giờ so với các hướng khác. Sáng 30.4, tại khu vực thành phố Biên Hòa, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 cho Sư đoàn 6 (được tăng cường Trung đoàn 3,  Sư đoàn 341 tiến công đánh chiếm Sở Chỉ huy Quân đoàn 3 địch). Sư đoàn 341 đánh chiếm khu vực Hốc Bà Thức và phát triển vào Thủ Đức… Khoảng hơn 11 giờ, Trung đoàn 3 vào cầu Gềnh tiến vào thành phố… Quân đoàn 2 tiếp tục vượt cầu Sài Gòn tiến về hướng Dinh Độc Lập. Các đơn vị xe tăng của Quân đoàn 2 đã dàn đội hình tiến vào Dinh Độc Lập và đánh chiếm các mục tiêu đã định. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30.4 1975, lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu chế độ Ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn do Tổng thống Dương Văn Minh cầm đầu đã đầu hàng quân giải phóng vô điều kiện. Trung đoàn chúng tôi ở lại Sài Gòn 2 ngày, đóng quân tại bản doanh của Sư đoàn 18 Ngụy cũ. Sau đó chúng tôi đi nhận nhiệm vụ mới…

Từ một người chiến sỹ pháo binh thông tin liên lạc, văn thư bảo mật, vệ binh của Trung đoàn, rồi trợ lý đơn vị các cấp trong quân đội, với khát khao cống hiến, gương mẫu, kỷ luật, trách nhiệm, CCB Đặng Quang Trung đã vinh dự được kết nạp vào Đảng năm 1976. Bốn lần thuyên chuyển đơn vị và tháng 10.1987 anh chuyển sang Bộ CHQS tỉnh Hà Giang, đến tháng 9.1989 anh về nghỉ chế độ với quân hàm đại úy, bệnh binh 2/3, mất sức 71%...

Hôm nay, cuộc sống của anh cũng thật bình dị mà hạnh phúc, một ngôi nhà xây 2 tầng, bên người vợ là giáo viên mầm non đã về hưu, con gái đầu sinh năm 1987 là thạc sỹ, giáo viên THPT ở Hà Nội, thời học sinh đạt giải Nhì môn lịch sử Quốc Gia; con trai thứ hai sinh năm 1995 đang là Công an huyện Quản Bạ. Với những đóng góp của anh cho quân đội, cựu chiến binh Đặng Quang Trung đã được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhì; Huân chương Chiến sỹ giải phóng và hàng chục bằng khen các cấp. 

Đặng Quang Vượng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Họp trực tuyến Ban bầu cử ĐBQH khóa XV, đơn vị bầu cử số 2

BHG - Sáng 29.4, tại trụ sở UBND tỉnh, Ban bầu cử ĐBQH khóa XV, đơn vị bầu cử số 2 tỉnh (Ban bầu cử số 2) tổ chức họp trực tuyến đến điểm cầu các huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì, Xín Mần nhằm đánh giá kết quả hoạt động của Ban bầu cử số 2 từ khi thành lập đến nay.

29/04/2021
Hà Huy Tập người Cộng sản trung kiên, nhà lý luận xuất sắc của Đảng

BHG - Hà Huy Tập sinh ngày 24.4.1906 tại xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, đã từng học ở thị xã Hà Tĩnh, trường Quốc học Huế. Năm 1923 anh đỗ bằng Thành chung và được bổ về dạy học ở Nha Trang. Từ đó người thanh niên 17 tuổi "bước vào con đường tranh đấu".

29/04/2021
Học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thông tin thời sự cho cán bộ hưu trí nguyên là lãnh đạo thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý

BHG - Sáng 29.4, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thông tin thời sự cho cán bộ hưu trí nguyên là lãnh đạo thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý. Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Mạnh Hà, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; GS, TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ...

29/04/2021
Tổng kết hoạt động HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021

BHG - Chiều 28.4, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hoàng Văn Vịnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đồng chủ trì hội nghị. 

28/04/2021