Sinh viên ra trường đối mặt với thách thức khi xin việc
Nhìn vào yêu cầu tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp, có lẽ hầu hết các sinh viên mới ra trường đều cảm thấy mất tự tin với đòi hỏi phải có ít nhất 1 năm kinh nghiệm. Các doanh nghiệp thì lập luận rằng, họ phải làm vậy vì một số lượng rất lớn sinh viên tốt nghiệp còn yếu kém về kỹ năng làm việc và kinh nghiệm thực tế.
Ảnh minh họa |
TS.Đoàn Hồng Lê (Cục Hải quan TP.Đà Nẵng) đưa ra số liệu khảo sát của dự án giáo dục ĐH về việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay và có việc làm trong khoảng thời gian 3 năm sau khi ra trường có khoảng cách rất lớn. Cụ thể, khi mới tốt nghiệp, chỉ có 45-62% sinh viên tìm được việc làm, trong khi 2 năm sau, con số này ở mức 90-100%. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp còn “e ngại” sinh viên mới ra trường sẽ chưa thể đảm đương được công việc.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, sinh viên mới ra trường nên chấp nhận thử thách này. Cách tốt nhất để vượt qua không chỉ là cố gắng học tốt kiến thức trên giảng đường mà cần tích lũy kinh nghiệm thực tế, trang bị nhiều kỹ năng giúp ích cho bản thân thông qua các hoạt động ngoại khóa để lấy kinh nghiệm...
Còn trước thực tế, nhiều sinh viên “trốn tránh” những khó khăn khi rời khỏi giảng đường bằng cách tiếp tục học lên, lời khuyên là: Các bạn sinh viên mới ra trường cần nên hướng về thực tế nhiều hơn. Làm việc trước để có kinh nghiệm, sau đó có điều kiện học lên nữa cũng không muộn.
Th.s Trần Quốc Việt – TGĐ Công ty Kinh đô miền Bắc tâm sự, với 5 cấp đào tạo và thăng tiến hiện đang áp dụng tại công ty, rất khó có trường hợp một tân cử nhân quản trị kinh doanh sẽ đảm nhận ngay vị trí quản trị viên khi mới vào làm việc tại công ty mà nhất thiết phải trải qua quá trình thử thách và đào tạo lại tại doanh nghiệp. Thường thì quá trình này kéo dài nhanh nhất từ 2 đến 3 năm.
Ông Việt cũng tiết lộ, việc tuyển dụng cũng như đánh giá những nhân viên mới đáp ứng đòi hỏi công việc của một quản trị viên trong công ty thường chú ý đến 4 điểm chính yếu được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, đó là: Thái độ, tính cách; kiến thức căn bản; kiến thức xã hội và các kỹ năng bổ trợ. Tuy nhiên, thực tế, theo ông Việt, có quá ít trường hợp các ứng viên đáp ứng một lúc hai yêu cầu về kiến thức căn bản và kiến thức xã hội.
Nhưng, chắc chắn, nhiều sinh viên mới ra trường sẽ được an ủi khi vị TGĐ này khẳng định, rất nhiều ứng viên có kết quả học tập rất tốt, thậm chí là đã có kinh nghiệm nhất định nhưng đã bị loại ngay từ vòng đầu vì không đáp ứng yêu cầu về thái độ, tính cách. Một ứng viên có thái độ và tính cách phù hợp với tiêu chuẩn sẽ là chìa khóa để mở cánh cửa đầu tiên cho một vị trí quản lý công ty. Ngoài ra, một số các kỹ năng bổ trợ như ngoại ngữ, tin học, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc theo nhóm... là lợi thế lớn. Nó sẽ giúp cho ứng viên hội nhập nhanh với môi trường và công việc được giao.
Ý kiến bạn đọc