Khẳng định vai trò phụ nữ trong xóa bỏ hủ tục

10:08, 10/11/2023

BHG - Trước thực trạng nhiều hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu đã ăn sâu trong tâm thức đồng bào các dân tộc, phụ nữ Hà Giang đang từng ngày “rũ bùn” đứng dậy khẳng định vai trò, vị thế để quyết tâm xây dựng đời sống văn minh.

Xác định rõ việc xây dựng các mô hình, triển khai chương trình, kế hoạch, dự án ở cơ sở gắn với thực hiện bài trừ các hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh là nhiệm vụ quan trọng, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh bám sát định hướng phát triển KT – XH của tỉnh, chỉ đạo các cấp Hội rà soát, hướng dẫn, xây dựng, nhân rộng mô hình phù hợp với điều kiện, tiềm năng sẵn có ở địa phương để chủ động phối hợp với các ngành tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu thông qua nhiều hình thức phong phú, thiết thực như qua các buổi sinh hoạt chi/tổ Hội, câu lạc bộ; tại các phiên chợ, trường học; thông qua các hội thi… Đặc biệt, 100% cán bộ Hội gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tích cực tham gia bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu của gia đình, dòng họ.

Phụ nữ dân tộc Lô Lô, thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc) tham gia trò chơi hứng còn vào quẩy tấu.
Phụ nữ dân tộc Lô Lô, thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc) tham gia trò chơi hứng còn vào quẩy tấu.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Chu Thị Ngọc Diệp chia sẻ: Các cấp Hội LHPN trong tỉnh luôn xác định vai trò tiên phong, nòng cốt của mình trong việc đưa Chỉ thị 09 của BTV Tỉnh ủy và Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào các dân tộc vào cuộc sống. Do đó, đã thành lập mới và nhân rộng nhiều mô hình, câu lạc bộ như: “Cưới văn minh, tiết kiệm” tại 101 chi hội/8 xã, phường với trên 7.700 thành viên; “Không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” tại 24 chi hội với 2.000 người tham gia. Tại địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa thành lập các mô hình liên quan đến việc không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu với hàng nghìn người tham gia.

Đẩy lùi hủ tục trong việc tang, Hội LHPN các cấp tuyên truyền các dòng họ thực hiện không giết mổ nhiều gia súc; không tổ chức đám tang quá 48 giờ; vận động đưa người chết vào áo quan. Đồng thời, thành lập câu lạc bộ “Phụ nữ 3 không” (không ăn, ở mất vệ sinh; không vi phạm chính sách dân số; không mê tín, dị đoan) tại Vị Xuyên; mô hình “Chi hội phụ nữ gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh” tại 18/18 cơ sở hội ở Yên Minh; mô hình “Hội nàng dâu họ Giàng tham gia xóa bỏ hủ tục lạc hậu” tại Quang Bình; 19 tổ “Phụ nữ xách làn/túi dân tộc/quẩy tấu đi chợ” tại các huyện Mèo Vạc, Yên Minh, Bắc Mê, Hoàng Su Phì, Quang Bình, Bắc Quang, thành phố Hà Giang, Xín Mần. Duy trì và nhân rộng 925 “địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng; 649 câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc; 546 tổ “Phụ nữ liên kết phát triển kinh tế”; hỗ trợ hàng trăm hộ cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững.

Chị Thò Thị Say, xã Lũng Chinh (Mèo Vạc) là người phụ nữ dân tộc Mông sinh ra và lớn lên ở vùng đá núi đã hơn 40 năm nên chị hiểu được những hủ tục đã khiến đói nghèo đeo bám người dân bao đời nay. Khi thành lập mô hình “Dòng họ Thò không giết mổ quá 1 con bò và 6 con gia súc trong đám tang”, chị đã nhiệt tình hưởng ứng và động viên các hộ trong dòng họ cùng tham gia. Chị Say tâm sự: “Trước đây, trong dòng họ mỗi khi nhà nào có người chết đều rất tốn kém. Bao nhiêu gia súc trong nhà phải mổ hết để làm ma nên có nhiều hộ đang khá giả lại trở thành hộ đói, nghèo. Bây giờ được tuyên truyền nên mọi người đã dần hiểu nên không giết mổ nhiều gia súc nữa; nhiều hộ cũng cam kết không làm đám ma dài ngày và đưa người chết vào áo quan”.

Trước tình trạng nhận thức của hội viên phụ nữ không đồng đều, đời sống nhiều khó khăn, các cấp Hội LHPN trong tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để khẳng định vai trò, vị thế phụ nữ. Đặc biệt, phát huy vai trò phụ nữ tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đổi mới, nâng cao hiệu quả phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp trong việc vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp Hội trong việc lãnh đạo thực hiện công tác xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh.

“Xác định bài trừ hủ tục không phải việc có thể làm ngay nên các cấp Hội tiếp tục vận động 100% các hộ hội viên, phụ nữ thực hiện tốt 8 tiêu chí của cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, tham gia xây dựng Nông thôn mới; xử lý rác thải, vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất và tiêu dùng; phối hợp mở các lớp học chữ và nói tiếng phổ thông cho hội viên, phụ nữ còn mù chữ, tái mù chữ tại địa phương. Để tiếp tục khẳng định vai trò phụ nữ, Hội sẽ triển khai hiệu quả Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Chu Thị Ngọc Diệp cho biết thêm.

Bài, ảnh: KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

123 trưởng thôn, bản được hướng dẫn chuyên sâu về trợ giúp pháp lý
BHG - Sáng 29.6, tại TP. Hà Giang, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước thuộc Sở Tư pháp tổ chức hội nghị tập huấn, giới thiệu, hướng dẫn chuyên sâu về TGPL cho 123 đại biểu là trưởng thôn, bản các xã thuộc huyện Đồng Văn, Yên Minh và Xín Mần.
29/06/2023
Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân
BHG - Đồn Biên phòng Tùng Vài (Quản Bạ) phụ trách quản lý 33,479 km đường biên, 56 cột mốc, trong đó gồm 40 mốc chính và 16 mốc phụ trên địa bàn 3 xã Tùng Vài, Tả Ván và Cao Mã Pờ. Những năm qua, cùng với tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, đơn vị còn làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh biên giới ngày càng vững chắc.
28/09/2023
Nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật
BHG - Nhận thức rõ vị trí, vai trò của đội ngũ báo cáo viên (BCV) và ý nghĩa của công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những năm qua, huyện Đồng Văn đã tích cực triển khai thực hiện củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Từ đó đã tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền PBGDPL trong toàn huyện.
24/07/2023
Tăng cường phòng, chống mua, bán người
BHG - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về những thủ đoạn của tội phạm mua, bán người; thực hiện nghiêm công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua, bán người bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ cho nạn nhân bị mua, bán... là những giải pháp hữu hiệu đang được các cấp chính quyền và lực lượng chức năng của tỉnh triển khai đồng bộ để ngăn chặn tình trạng mua, bán người trên địa bàn.
23/03/2023