Thành phố Hà Giang tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
BHG - Rừng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với con người và môi trường, là nơi cư trú cho nhiều loài động, thực vật. Chính vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là một nhiệm vụ chính trị quan trọng được các cấp chính quyền và người dân đặc biệt quan tâm.
Tuyên truyền pháp luật và các chính sách về lâm nghiệp tại thôn Gia Vài, xã Phương Thiện. |
Hiện, toàn thành phố có 13.345,9 ha rừng; trong đó, diện tích rừng tự nhiên 8.105,7 ha, rừng trồng 1.217,7 ha, rừng đặc dụng 2.071,8 ha, rừng phòng hộ 2.582,1 ha, rừng sản xuất 4.669,8 ha, độ che phủ rừng tính đến nay đạt 69,9%. Diện tích rừng tập trung nhiều ở các xã: Phương Thiện, Phương Độ, Ngọc Đường. Để bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng, Hạt Kiểm lâm thành phố đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện tốt công tác khoán quản lý, bảo vệ rừng. Vì vậy, nhận thức của người dân đã có nhiều thay đổi, chuyển biến tích cực, có ý thức và tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Ngoài ra, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, chương trình trồng rừng, phát triển rừng và chương trình khoanh nuôi bảo vệ rừng đã tạo công ăn, việc làm cho đội ngũ lao động nông thôn thuộc 8 xã, phường. Tổng diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2020 là 7.209,79 ha với số tiền 1.083.624.696 đồng, tổng diện tích được chi trả chương trình khoanh nuôi bảo vệ rừng là 975,7 ha với số tiền 332.410.000 đồng.
Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; bảo tồn và phát triển vốn rừng trên địa bàn thành phố, góp phần phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hà, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố cho biết: Tiếp tục chủ động làm tốt công tác tham mưu cho các cấp chính quyền; đề xuất các giải pháp phát triển rừng một cách bền vững; chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, hộ gia đình và người dân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn người dân khai thác rừng đúng quy trình, trồng rừng thay thế, trồng lại rừng trên diện tích rừng trồng sau khai thác. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật; thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tiếp tục rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án kinh tế - xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng. Gắn bảo vệ và phát triển rừng với triển khai đồng bộ các chính sách xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Thực hiện trồng và chuyển hóa cây gỗ lớn, tăng cường trồng cây bản địa, dược liệu dưới tán rừng; nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm gỗ qua chế biến. Đối với rừng đặc dụng, phòng hộ bảo vệ diện tích hiện có nghiêm ngặt, không để tàn phá.
Qua đó, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến rõ rệt; không xảy ra khai thác, mua, bán, vận chuyển và lấn, phá rừng làm nông nghiệp trái pháp luật; tạo được niềm tin của nhân dân đối với các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương, góp phần bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng bền vững. Từ đó, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Bài, ảnh: Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc