Quản Bạ tích cực phát triển nghề truyền thống

07:44, 21/10/2014

HGĐT- Phát triển ngành nghề nông thôn, gắn với chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Quản Bạ đã chọn thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám và thôn Lúng Cúng, xã Thanh Vân để xây dựng làng nghề dệt thổ cẩm và nấu rượu. Huyện đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí để được công nhận làng nghề vào cuối năm 2014.


Đến với thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám (Quản Bạ) có truyền thống lâu đời về dệt lanh, toàn thôn có 321 hộ thì gần như nhà nào cũng có khung dệt. Hợp tác xã (HTX) dệt lanh Lùng Tám được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2001, lúc đầu chỉ có 20 xã viên, đến nay đã có 130 xã viên với 9 tổ sản xuất. Tham gia sản xuất các xã viên có mức thu nhập 2 triệu đồng/tháng. Hơn 10 năm hoạt động, HTX đã góp phần giải quyết nhiều việc làm tại chỗ cho người dân cũng như tôn tạo, phát huy các bản sắc trong trang phục của người Mông được lưu giữ ngay trên các sản phẩm do bà con tạo ra. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo tại xã Lùng Tám đã giảm đáng kể so với những năm trước đây. Theo bà Vàng Thị Mai, chủ nhiệm HTX dệt lanh Lùng Tám, HTX cố gắng duy trì và phát huy nghề truyền thống để nhân rộng, tạo điều kiện để sản phẩm được nhiều người biết đến, nếu thời gian tới nghề dệt lanh được cộng nhận là làng nghề thì sẽ mở ra cho những nghệ nhân và các xã viên HTX mở rộng sản xuất, tạo nhiều công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.



Bà Vàng Thị Mai, Chủ nhiệm HTX dệt lanh Lùng Tám giới thiệu sản phẩm cho khách du lịch.


Cũng như nghề thêu dệt vải lanh Lùng Tám, nghề nấu rượu ngô Thanh Vân cũng đang được xúc tiến để được cộng nhận là làng nghề. Năm 2004 HTX rượu ngô Thanh Vân được thành lập với 48 xã viên, đến nay đã phát triển lên tới 100 xã viên và tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 60 đến 80 lao động, mỗi năm thu nhập bình quân của một xã viên khoảng 16 đến 19 triệu đồng. Sắp tới HTX sẽ được Công ty nước giải khát bia rượu Hà Nội hỗ trợ một dây chuyền sản xuất gần 3 tỷ đồng.


Để 2 nghề truyền thống này sớm được công nhận, chính quyền các cấp đã vào cuộc quyết liệt: mở các lớp dạy nghề, hỗ trợ sản xuất và vận động nhân dân tích cực duy trì nghề thêu, dệt vải lanh, tiếp cận với các mẫu hoạt tiết, văn hoa mới để sản phẩm phong phú hơn. Bên cạnh đó, huyện Quản Bạ vẫn còn một số nghề khác như: Nghề bốc thuốc nam ở thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ; thêu, may, đan lát ở xã Cao Mã Pờ; dệt lanh ở xã Cán Tỷ... cũng là những nghề cần được đầu tư để tiến tới công nhận làng nghề truyền thống.


 
Ông Hạng Dương Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cho biết: Trên cơ sở những điều kiện hiện nay đang có, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng chuyên môn hỗ trợ 2 HTX này kiện toàn lại bộ máy quản lý, tổ chức lại sản xuất và có phương án mở rộng thành viên của HTX trong thôn để đảm bảo được các tiêu chí của một làng nghề và đến cuối năm nay, 2 HTX sẽ đủ điều kiện để được công nhận là làng nghề của huyện Quản Bạ”.


Thực tế cho thấy, trong những năm qua, đã có đông đảo lượng khách du lịch đến với Cao nguyên đá và đến với HTX dệt lanh Lùng Tám tham quan, trải nghiệm và xem đây là điểm du lịch tìm hiểu văn hoá hấp dẫn. Anh Sùng Văn Bình,xã viên HTX dệt lanh Lùng Tám tâm sự: “Gia đình anh có 3 thế hệ đều biết thêu dệt lanh. Trước đây việc phát triển nghề dệt của gia đình còn mang tính tự phát để phục vụ nhu cầu của các thành viên trong nhà và phục vụ các ngày lễ như tết, đám cưới, đám ma... Hiện nay với cơ chế thị trường và được sự quan tâm của cấp ủy chính quyền địa phương, các sản phẩm làm ra không chỉ phục vụ nhu cầu gia đình mà được khách du lịch mua làm quà lưu niệm và cung cấp cho các trung tâm bảo tàng dân tộc, từ khi nghề thêu dệt lanh trở thành hàng hóa đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ xã viên.


Cũng theo ông Hạng Dương Thành, để được công nhận làng nghề, các cơ sở cũng gặp khó khăn: Hầu hết các nghề truyền thống ở địa phương có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, dụng cụ lạc hậu, trong khi người làm nghề thiếu vốn để đầu tư đổi mới thiết bị; cũng do vậy mà năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, mẫu mã đơn điệu, giá thành lại cao nên không đủ sức cạnh tranh. Đặc biệt, về nguyên vật liệu sản xuất và các dịch vụ phục vụ phát triển làng nghề không ổn định. Bên cạnh đó, với tập quán sản xuất cũ nên hoạt động của làng nghề chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, không gian chật chội... Trước tình hình trên, huyện Quản Bạ đã xây dựng kế hoạch khôi phục và phát triển. Theo đó, huyện sẽ tăng cường tổ chức đào tạo nghề; hỗ trợ quảng bá giới thiệu sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư phát triển, cung cấp ra thị trường sản phẩm uy tín, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu dùng tại chỗ và tham gia xuất khẩu.


TRẦN HIỀN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Kinh nghiệm mới ở xã điểm Xuân Giang
HGĐT- Với sự sáng tạo, năng động trong công tác lãnh đạo và tổ chức thực hiện, phong trào xây dựng NTM trên địa bàn xã Xuân Giang (Quang Bình) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo sự bứt phá, mở ra một diện mạo nông thôn có sự chuyển biến rõ rệt.
26/08/2014
Thư cảm ơn của Ban chỉ đạo Xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Giang
HGĐT- Qua hơn 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới, thành phố Hà Giang luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, cá nhân các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố; sự đóng góp ủng hộ tích cực của các doanh nghiệp, doanh nhân.
25/07/2014
Phát huy sức dân từ công tác tuyên truyền
HGĐT- Lấy công tác tuyên truyền làm trọng tâm để phát huy sức dân đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM được xem là “chìa khóa” tạo sự khởi sắc bộ mặt nông thôn ở Mèo Vạc thời gian qua. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai nhưng có thể nói, tuyên truyền vẫn là một trong những yếu tố mà địa phương luôn đặt lên hàng đầu và mang lại hiệu quả nhất định.
24/06/2014
Phát huy sức mạnh cộng đồng
HGĐT- Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM thời gian qua, xã Tả Sử Choóng, huyện Hoàng Su Phì đã phát huy hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, trong đó nổi bật là công tác triển khai làm hàng rào bằng tre, vầu, trồng cây xanh, tạo sự chuyển biến tích cực bộ mặt nông thôn tại địa phương.
22/07/2014