Khai thác tiềm năng và những giá trị mang lại từ rừng

11:42, 04/10/2023

BHG - Tạo sinh kế vững chắc cho người dân để thoát nghèo và tiến tới làm giàu từ rừng là mục tiêu của tỉnh hướng đến. Bằng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, đặc biệt là thông qua Nghị quyết số 16 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025, người dân đã và đang khai thác đúng tiềm năng, lợi thế và những giá trị mang lại từ rừng để tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Xã Bản Rịa (Quang Bình) có rừng sản xuất là 1.208 ha và 1.013 ha rừng phòng hộ. Đa số diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) thuộc lưu vực thủy điện Thác Bà với 2.103 ha và một phần của thủy điện Bản Rịa. Trong đó, có hơn 1.400 ha là của hơn 300 hộ gia đình quản lý và 725 ha là của tập thể quản lý. Số tiền chi trả DVMTR trung bình qua các năm đều ở mức cao, riêng năm 2021 đạt trên 400 triệu đồng. Việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã có những tác động nhất định làm thay đổi nhận thức của người dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần giảm thiểu tình trạng mất rừng, suy thoái rừng, tránh chặt phá rừng bừa bãi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, tạo nguồn lực xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi như: Đường giao thông, trụ sở thôn, bể nước, trường học, kênh mương và bổ sung quỹ xây dựng phát triển thôn.

Người dân xã Hùng An (Bắc Quang) đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng.
Người dân xã Hùng An (Bắc Quang) đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng.

Đồng chí Lê Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Bản Rịa cho biết: “Để quản lý chặt chẽ, minh bạch số tiền chi trả DVMTR, các thôn được hưởng chính sách chi trả DVMTR đã lập ra các quy ước, hương ước đối với các hộ có đất được giao nằm trong cung ứng DVMTR. Với những nguồn lợi mang lại từ rừng, những năm gần đây, khi phong trào trồng rừng phát triển mạnh mẽ, hầu hết các diện tích đất rừng, đồi núi trọc trên địa bàn đã được phủ xanh bởi các loại cây rừng, chủ yếu là cây quế. Trong điều kiện của một vùng đặc biệt  khó khăn, có 4 thôn Bản Thín, Bản Rịa, Bản Măng, Minh Tiến với 430 nóc nhà, 1.940 khẩu, xã đã định hướng cho bà con phát huy thế mạnh trồng rừng bằng các giống cây gỗ lớn và làm tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng”.

Sớm tiếp cận với chương trình hỗ trợ phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh, anh Nguyễn Văn Duyệt, thôn Hạ Thành, xã Vĩ Thượng (Quang Bình) đã nhận được số tiền khoảng 10 triệu đồng để cải tạo những diện tích rừng nghèo kiệt, mua giống cây keo Úc đầu tư cho trồng rừng. Nhờ được chăm sóc, cắt tỉa, bón phân đúng quy trình, kỹ thuật, sau hơn 2 năm, rừng trồng keo vươn lên phát triển xanh tốt. Anh Duyệt khẳng định, với gần 8 ha rừng, khoảng vài năm nữa được khai thác sẽ đem lại cho gia đình một khoản thu nhập đáng kể.

Thông qua Nghị quyết số 16 về phát triển lâm nghiệp bền vững, hiện nay, tỷ lệ che phủ rừng đạt 58,9%, đạt 98% so với nghị quyết và tăng 0,9% so với năm 2020. Với trên 460.000 ha diện tích có rừng, bên cạnh công tác quản lý, bảo vệ 385.687 ha rừng tự nhiên, ước tính từ năm 2021 - 2023, toàn tỉnh trồng mới được 18,1 triệu cây xanh và trồng rừng sau khai thác khoảng 8.920 ha. Thực hiện các chương trình dự án, kế hoạch, các xã vùng II, III đã được hỗ trợ trồng rừng sản xuất 1.254 ha; hỗ trợ và khoán cho công tác bảo vệ rừng đối với 290.827 ha.

Với mức khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ bình quân trên 215 nghìn m3/năm, giá trị sản xuất ngành Lâm nghiệp hàng năm là 1.500 tỷ đồng, chiếm hơn 10% trong cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp. Các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng không chỉ tác động tích cực đến môi trường, sinh thái, mà còn đẩy mạnh phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp nguyên liệu ổn định cho các nhà máy, cơ sở chế biến gỗ. Đặc biệt, với diện tích rừng được chi trả tiền cung ứng DVMTR đạt hơn 100 tỷ đồng mỗi năm, đây là nguồn thu không nhỏ đối với đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.

Dựa vào những giá trị rừng đem lại, cùng ngành Lâm nghiệp, các địa phương đang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, bảo vệ, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, thu hút các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng cũng như thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR, đảm bảo nguồn thu ổn định, lâu dài cho người dân, đẩy nhanh quá trình phát triển KT - XH của tỉnh.

Bài, ảnh:  MỘC LAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chuỗi liên kết trồng dưa chuột giúp nhiều hộ thoát nghèo
BHG - Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia, huyện Quản Bạ đã hỗ trợ các hộ nghèo thôn Dìn Sán, xã Quyết Tiến chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng dưa chuột theo chuỗi liên kết, bao tiêu đầu ra sản phẩm. Từ đó, giúp nhiều hộ nắm bắt được khoa học kỹ thuật trong sản xuất và cho thu nhập khá, nâng cao đời sống gia đình.
29/09/2023
Tháo “rào cản” trên đường về đích
BHG - Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh đã đi được hơn nửa chặng đường, kết tinh nhiều thành tựu làm khởi sắc diện mạo nông thôn. Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu quan trọng cho cả giai đoạn, đang đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc tháo gỡ “rào cản” để xây dựng NTM với nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh.
28/09/2023
Tạo sinh kế cho người lao động
BHG - Xác định nâng cao chất lượng nguồn lao động, tạo việc làm cho người lao động (NLĐ) là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả công tác giảm nghèo, tỉnh ta triển khai đồng độ các giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, tạo sinh kế để tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
28/09/2023
 "Bừng sáng" chiến khu xưa
BHG - Đường vào trung tâm xã Bằng Hành (Bắc Quang) khoác lên mình chiếc áo mới bằng cờ đỏ sao vàng. Cách đây 78 năm, đội quân cách mạng đầu tiên của tỉnh Hà Giang do đồng chí Bế Triều, Lê Quảng Ba đã tập hợp nhân dân phất cờ khởi nghĩa giành chính quyền.
27/09/2023