Đồng hành cùng tiểu thương phát triển kinh tế dịch vụ

09:17, 03/10/2023

BHG - Bên cạnh vai trò chủ lực đầu tư phát triển “tam nông”, những năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng rất chú trọng tới nền kinh tế dịch vụ và triển khai các chương trình hỗ trợ tới các chi nhánh trên cả nước. Theo đó, Agribank Quản Bạ cũng tích cực hỗ trợ nguồn vốn cho tiểu thương phát triển kinh tế dịch vụ, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Quản Bạ là huyện vùng cao, biên giới phía Bắc của tỉnh Hà Giang, là vùng nông nghiệp, nông thôn với diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 30% diện tích đất tự nhiên, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu, Quản Bạ với vị trí là cửa ngõ đã thu hút nhiều lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan, du lịch, mở ra tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế dịch vụ.

Anh Lữ Văn Dàu xây dựng, mở rộng mô hình kinh doanh từ nguồn vốn hỗ trợ của Agribank Quản Bạ.
Anh Lữ Văn Dàu xây dựng, mở rộng mô hình kinh doanh từ nguồn vốn hỗ trợ của Agribank Quản Bạ.

Nắm được điều kiện và nhu cầu của các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn, cùng trách nhiệm tiên phong thực hiện hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xoá đói giảm nghèo bền vững, Agribank Quản Bạ đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nguồn vốn như đơn giản tối đa hồ sơ, thủ tục, áp dụng linh hoạt các biện pháp bảo đảm tiền vay để ngày càng có nhiều khách hàng được tiếp cận vốn vay. Đồng thời, các cán bộ tín dụng luôn nhiệt tình, trách nhiệm, bám sát địa bàn, kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng nguồn vốn hiệu quả.

Để hỗ trợ tốt nhất, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của khách hàng, Agribank Quản Bạ áp dụng linh hoạt các quy định; rà soát, hỗ trợ giảm lãi suất cho vay theo điều kiện của từng đối tượng, giảm gánh nặng kinh tế đối với khách hàng. Hiện, mức lãi suất được áp dụng là 4,0 - 9,5%/năm tùy vào các điều kiện đánh giá khách hàng. Tính đến tháng 8.2023, tổng dư nợ Agribank Quản Bạ đạt 500 tỷ đồng với 1.609 khách hàng, trong đó vay trung và dài hạn là 285 tỷ đồng với 1.208 khách hàng. Số lượng khách hàng tiểu thương vay trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ là 371 đơn vị, chiếm tới gần 40% tổng dư nợ của ngân hàng.

Anh Lữ Văn Dàu, chủ quán cà phê Yến Ngọc tại tổ 1, thị trấn Tam Sơn đã gắn bó với Agribank Quản Bạ được 8 năm. Năm 2015, anh Dàu làm hồ sơ và được hỗ trợ vay 500 triệu đồng để mở rộng quy mô, từ quán nước nhỏ chỉ bán vào buổi tối, trở thành quán cà phê khang trang, rộng rãi, thu hút nhiều lượt khách hơn. Trải qua thời gian khó khăn do dịch Covid-19, hiện tại, lượng khách du lịch đã tăng cao hơn theo sự phát triển của địa phương. Nhận thấy tiềm năng, cơ hội phát triển mới, tháng 2.2023, anh Dàu lại tiếp tục vay thêm nhằm đầu tư, mở rộng, xây dựng mô hình homestay và nhà hàng. Hiện nay, mức dư nợ của anh là 3 tỷ đồng. Anh Dàu chia sẻ: “Thời gian qua, nhờ có nguồn vốn và sự hỗ trợ của Ngân hàng cũng như các cán bộ Agribank, giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc mở rộng quy mô kinh doanh, phát triển kinh tế. Các anh, chị rất nhiệt tình tư vấn, giải đáp thắc mắc, hỗ trợ tìm gói vay phù hợp, đáp ứng nhu cầu vay vốn của tôi và gia đình.” Hiện tại, mô hình homestay và nhà hàng của anh Dàu đang trong quá trình xây dựng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 11.2023, tạo thêm việc làm ổn định cho một số lao động địa phương.

Có thể nói, Agribank Quản Bạ đã và đang làm tốt công tác hỗ trợ nguồn vốn cho tiểu thương phát triển kinh tế dịch vụ, bên cạnh chủ lực phát triển kinh tế nông nghiệp. Tiếp tục duy trì, đẩy mạnh huy động, sử dụng vốn; phấn đấu tăng 50 tỷ dư nợ cho vay dịch vụ trong năm 2023; đội ngũ cán bộ tín dụng thường xuyên đi cơ sở, tối thiểu 2 ngày/tuần, nắm bắt nhu cầu khách hàng để kịp thời hướng dẫn, tư vấn; triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ khách hàng, giúp nhiều người tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Bài, ảnh: Như Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chuỗi liên kết trồng dưa chuột giúp nhiều hộ thoát nghèo
BHG - Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia, huyện Quản Bạ đã hỗ trợ các hộ nghèo thôn Dìn Sán, xã Quyết Tiến chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng dưa chuột theo chuỗi liên kết, bao tiêu đầu ra sản phẩm. Từ đó, giúp nhiều hộ nắm bắt được khoa học kỹ thuật trong sản xuất và cho thu nhập khá, nâng cao đời sống gia đình.
29/09/2023
Tạo sinh kế cho người lao động
BHG - Xác định nâng cao chất lượng nguồn lao động, tạo việc làm cho người lao động (NLĐ) là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả công tác giảm nghèo, tỉnh ta triển khai đồng độ các giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, tạo sinh kế để tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
28/09/2023
Tháo “rào cản” trên đường về đích
BHG - Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh đã đi được hơn nửa chặng đường, kết tinh nhiều thành tựu làm khởi sắc diện mạo nông thôn. Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu quan trọng cho cả giai đoạn, đang đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc tháo gỡ “rào cản” để xây dựng NTM với nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh.
28/09/2023
 "Bừng sáng" chiến khu xưa
BHG - Đường vào trung tâm xã Bằng Hành (Bắc Quang) khoác lên mình chiếc áo mới bằng cờ đỏ sao vàng. Cách đây 78 năm, đội quân cách mạng đầu tiên của tỉnh Hà Giang do đồng chí Bế Triều, Lê Quảng Ba đã tập hợp nhân dân phất cờ khởi nghĩa giành chính quyền.
27/09/2023