Nghề đan lát của người Cờ Lao thôn Má Chề

11:35, 24/07/2023

BHG - Đến thôn Má Chề, xã Sính Lủng (Đồng Văn), trong bất cứ gia đình nào cũng có thể tìm thấy những vật dụng đơn giản, nhưng vô cùng tiện ích như giỏ đựng muối, sàng mèn mén, quẩy tấu… được đan lát bởi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân là người Cờ Lao. Nghề đan lát truyền thống này không chỉ phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày mà còn góp phần bảo tồn bản sắc dân tộc, tạo cơ hội phát triển kinh tế cho đồng bào.

Người dân thôn Má Chề duy trì nghề truyền thống.
Người dân thôn Má Chề duy trì nghề truyền thống.

Thôn Má Chề cách trung tâm xã khoảng 2 km về phía Tây, toàn thôn có 89 hộ, 439 khẩu, trong đó trên 50% là dân tộc Cờ Lao. Từ bao đời nay, người dân ở thôn Má Chề có nghề đan lát các vật dụng từ tre, trúc. Ban đầu để phục vụ sản xuất, đời sống của mỗi nhà, rồi mang bán ở các chợ phiên, được người dân ưa chuộng và có thêm thu nhập. Cứ thế hệ này đến thế hệ khác, nghề đan lát được người dân trong thôn truyền dạy cho nhau, duy trì và phát triển. Nhận thấy sự cần thiết của việc gìn giữ nghề đan lát truyền thống, năm 2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập “Làng nghề đan lát dân tộc Cờ Lao”. Hiện nay, làng nghề có 12 thành viên, chuyên sản xuất các sản phẩm về đồ dùng của gia đình, chủ yếu sử dụng phương pháp thủ công, không sử dụng hóa chất hay nước, do vậy công tác môi trường luôn được đảm bảo.

Nghệ nhân Vần Phỏng Sài cần mẫn đan đồ thủ công.
Nghệ nhân Vần Phỏng Sài cần mẫn đan đồ thủ công.

Theo chân Phó Chủ tịch UBND xã Sính Lủng Liệu Văn Công, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Vần Phỏng Sài để tìm hiểu về nghề đan lát truyền thống của người Cờ Lao. Ông Sài năm nay đã 90 tuổi nhưng đôi tay vẫn thoăn thoắt chuốt từng nan tre, khéo léo đan xếp, tạo thành những chiếc gùi, chiếc giỏ đẹp mắt. Ông chia sẻ: Từ nhỏ, ông đã học đan lát, từ đó trở thành niềm say mê. Để làm ra các sản phẩm đẹp đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì từ khâu chọn nguyên liệu, chẻ lạt đến đan. Điều quan trọng nữa là tình yêu, niềm đam mê với nghề gửi gắm vào từng nan tre...

Nghề đan lát ở Má Chề chủ yếu dùng nguyên liệu là tre, do đó nhà nào cũng tự trồng ít nhất 1 bụi tre để phục vụ việc đan lát. Đây là nghề không khó nhưng đòi hỏi tính tỉ mẩn và sự khéo léo ở từng công đoạn, việc lựa chọn nguyên liệu cũng rất quan trọng, tuy sẵn có nhưng phải biết lấy những cây tre không già quá, không non quá, không cụt ngọn. Khi mang về nhà cũng không để lâu quá vì cây khô, mọt sẽ khó chẻ nan và cũng không giữ được độ dẻo thích hợp, khi uốn nan dễ bị gãy. Đồng thời, những cây tre phải thẳng đều và dài thì mới cho ra sợi nan suôn mượt, để khi đan không phải nối nhiều đoạn. Các nghệ nhân đan lát thường tập trung thành một nhóm phân chia công việc, người trẻ nan, người đan gùi, những người thợ có tay nghề cao thì truyền kinh nghiệm cho người trẻ. Mặc dù là nghề phụ, nhưng nghề đan lát đã thu hút mọi lứa tuổi lao động trong gia đình và trong thôn. Em Vần Mí Say cho biết: Để đan được một vật dụng rất tốn công và phải trải qua nhiều công đoạn. Mỗi sản phẩm có một kỹ thuật đan khác nhau, thời gian hoàn thành và giá trị cũng khác nhau. Các vật dụng đan lát luôn gắn liền với người Cờ Lao, đặc biệt là quẩy tấu - một vật dụng không thể thiếu của người vùng cao mỗi khi lên nương hay xuống chợ. Một chiếc quẩy tấu phải đan trong vòng 2 - 3 ngày tùy kích cỡ, có giá khoảng 150 - 200.000 đồng/chiếc, tranh thủ lúc nông nhàn, mỗi tháng cho thu nhập khoảng 3 – 4 triệu đồng cải thiện cuộc sống. Sản phẩm hoàn thiện được bán chủ yếu tại chợ phiên Sính Lủng hoặc tại các điểm trưng bày và bán hàng thủ công, sản phẩm địa phương của huyện.

Theo đồng chí Liệu Văn Công, Phó Chủ tịch UBND xã Sính Lủng: Hiện nay làng nghề chưa có cơ sở hoạt động riêng, chủ yếu mượn nhà dân thực hiện đan lát. Lực lượng lao động dần chuyển sang đi lao động ngoại tỉnh, ít người kế thừa nghề đan lát truyền thống. Bên cạnh đó, việc giới thiệu và quảng bá sản phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, một mặt do sản phẩm chưa đa dạng, sản xuất số lượng còn nhỏ lẻ, chủ yếu làm theo đơn đặt hàng và bán lẻ ngoài chợ phiên… Do đó rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành bố trí kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở làng nghề hoạt động hiệu quả, có biện pháp hỗ trợ quảng bá sản phẩm ra thị trường, một số kỹ thuật đan lát mới, trang thiết bị hỗ trợ việc đan lát thủ công… để tạo bước đột phá nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn xã.

Đến thôn Má Chề giờ đây, không chỉ được hòa mình vào những nét văn hóa đặc sắc, mà còn được tận mắt chứng kiến công việc đan lát thủ công truyền thống của người Cờ Lao. Nhờ sự tâm huyết, đam mê với nghề, các nghệ nhân đã góp phần bảo tồn nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình.

Bài, ảnh: THANH THỦY


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chủ động, linh hoạt điều hành chính sách tài khóa
BHG - Nhằm phấn đấu thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN), đảm bảo cân đối nhiệm vụ thu, chi ngân sách địa phương năm 2023, tỉnh ta đã điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt. Trên cơ sở đó, kịp thời ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội.
22/07/2023
Sở Xây dựng đối thoại với các tổ chức tư vấn xây dựng
BHG-Chiều 21.7, Sở Xây dựng tổ chức hội nghị gặp mặt, đối thoại với các tổ chức tư vấn xây dựng. Tham dự có Ban Giám đốc Sở Xây dựng và các tổ chức tư vấn xây dựng hoạt động trên địa bàn tỉnh.
22/07/2023
Trao giấy chứng nhận cho 30 giảng viên chăm sóc sức khỏe cây trồng đầu tiên của tỉnh

BHG-Sáng 21.7, tại Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, Cục BVTV (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tổ chức bế giảng lớp Tập huấn nâng cao cho giảng viên TOT – IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) lên TOT – IPHM (quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp). Tham dự có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Cục Trồng trọt và BVTV…


22/07/2023
Giá xăng dầu bất ngờ tăng mạnh

Giá xăng dầu hôm nay (21/7) được liên Bộ Công thương - Tài chính điều chỉnh tăng mạnh từ 15h, với mức tăng từ 1.220-1.300 đồng/lít với giá xăng.


21/07/2023