Hoàng Su Phì tích cực xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn
BHG - Thời gian qua, huyện Hoàng Su Phì đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, hạ tầng thương mại - dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển KT-XH, góp phần thúc đẩy hiện đại hóa bộ mặt nông thôn.
Công trình nâng cấp, cải tạo đoạn đường từ km 55 (xã Nậm Dịch) vào trung tâm huyện Hoàng Su Phì đang được khẩn trương thi công. |
Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 3 nội dung đột phá; trong đó có đột phá về phát triển hạ tầng giao thông nông thôn và hạ tầng du lịch. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã ưu tiên đầu tư các tuyến đường quan trọng; tập trung đầu tư hoàn thiện các trục đường giao thông tại trung tâm huyện và trục đường liên xã. Nhờ chủ động, sáng tạo, kết hợp chặt chẽ giữa nguồn lực đầu tư của Nhà nước với huy động sự đóng góp của nhân dân và các nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, những năm gần đây, huyện Hoàng Su Phì đã huy động được hàng chục tỷ đồng cho xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Trong giai đoạn 2021 - 2023, toàn huyện bê tông hóa được 231 km đường giao thông. Cứng hóa đường từ trung tâm xã đến trung tâm các thôn được 184/199 thôn, đạt 95,34%, tăng 9 thôn so với năm 2020. Nâng cấp, mở mới được 189,63 km đường các loại. Xây dựng được 8 cầu dân sinh. Ngoài ra, với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện được đầu tư xây dựng một số dự án, công trình quan trọng như: Nâng cấp, cải tạo tuyến đường Bắc Quang - Xín Mần (giai đoạn 1), trong đó địa phận huyện Hoàng Su Phì 30 km; Nâng cấp, cải tạo đoạn đường từ km 55 (xã Nậm Dịch) vào huyện và đường trung tâm nội thị, thị trấn Vinh Quang, tổng chiều dài 7,14 km; Nâng cấp, mở mới tuyến đường liên huyện từ xã Tả Sử Choóng (Hoàng Su Phì) đi xã Thượng Sơn (Vị Xuyên), tổng chiều dài 21,5 km...
Đặc biệt, thời gian qua huyện đã kết nối được nhiều tổ chức, cá nhân, đoàn từ thiện ở các tỉnh, thành phố hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã kết nối xây dựng được 3 cây cầu dân sinh tại các xã Nam Sơn, Đản Ván và Nậm Khòa với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng. Chủ tịch UBND huyện, Thèn Ngọc Minh cho biết: Trong điều kiện ngân sách địa phương hạn hẹp, nhu cầu xây dựng các công trình giao thông rất lớn, sự chung tay, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm từ các tỉnh, thành phố trong cả nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Từ nguồn kinh phí huy động được đã giúp ngày càng nhiều cây cầu dân sinh, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn các xã khó khăn của huyện được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Qua đó, giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn, tạo điều kiện mở rộng giao thương hàng hóa, đóng góp cho sự phát triển của địa phương.
Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, huyện đã tập trung phát triển hạ tầng du lịch - dịch vụ nhằm thu hút đầu tư, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Đẩy mạnh phát triển các cơ sở lưu trú du lịch, nhất là tại các vùng trọng điểm. Từ năm 2021 đến nay, nhiều công trình được khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng gồm 4 Ecologde (khu nghỉ dưỡng sinh thái) với tổng số 45 phòng nghỉ; 1 khu du lịch tại thôn Hô Sán, xã Hồ Thầu với mức đầu tư 38,5 tỷ đồng. Đưa vào sử dụng 3 homestay với tổng số 40 chỗ nghỉ.
Các phòng, ban chuyên môn của huyện đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp lập 4 hồ sơ dự án đầu tư về hạ tầng du lịch, bao gồm: Khu liên hợp du lịch mạo hiểm trên không tại xã Nậm Ty; 3 khu du lịch và biệt thự nghỉ dưỡng tại các xã Thông Nguyên, Nậm Ty. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ một số công ty khảo sát và lập dự án đầu tư về du lịch. Đồng thời, đầu tư nâng cấp các tuyến đường đến các điểm tham quan, du lịch; xây dựng các công trình nhà vệ sinh công cộng, nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các Làng văn hóa du lịch cộng đồng. Có chính sách ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phát triển dịch vụ lưu trú, nhà hàng.
Cùng với đó, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở cũng được huyện chú trọng đầu tư. Đến nay, hầu hết các xã đều có nhà văn hóa cơ bản đạt chuẩn theo quy định, được trang bị đầy đủ thiết bị hoạt động. Trên 86% thôn có nhà văn hóa, sân thể thao, cơ sở vật chất ngày càng đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa, tập luyện thể dục, thể thao của nhân dân. Các chợ nông thôn cũng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa...
Với sự quan tâm đầu tư đúng mức cùng sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, kết cấu hạ tầng nông thôn huyện Hoàng Su Phì ngày càng đổi mới, hoàn thiện, góp phần vào việc thúc đẩy KT-XH phát triển và tạo nên diện mạo khang trang cho bộ mặt nông thôn của địa phương.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc