Xây dựng Nông thôn mới ở huyện "cửa ngõ" của tỉnh
BHG - Với sự linh hoạt, sáng tạo trong huy động nguồn lực xây dựng Nông thôn mới (NTM) đã giúp diện mạo huyện Bắc Quang “cửa ngõ” của tỉnh ngày một thay da đổi thịt.
Người dân xã Quang Minh thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: TƯ LIỆU |
Về Bắc Quang hôm nay có thể cảm nhận diện mạo vùng nông thôn đổi thay từng ngày; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng cải thiện và nâng cao; hạ tầng kỹ thuật như điện, đường, trường, trạm ngày càng đáp ứng và nâng dần mức hưởng thụ của người dân; hạ tầng KT – XH dần đồng bộ; môi trường sinh thái được bảo vệ. Đặc biệt, tư duy sản xuất của người dân có nhiều thay đổi, cuộc sống ngày một ấm no. Kết quả đó được tạo ra từ các phong trào thi đua “chung sức xây dựng NTM” được triển khai rộng khắp.
Bí thư Huyện ủy Bắc Quang, Hà Việt Hưng chia sẻ: Huyện tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM một cách nghiêm túc với nhiều biện pháp, nội dung phù hợp, lộ trình cụ thể và có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, xác định thông suốt tư tưởng xây dựng NTM là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó người dân giữ vai trò chủ thể. Vì vậy, đến hết năm 2020, toàn huyện có 9 xã đạt chuẩn NTM; không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí, bình quân đạt 15,4 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 33,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm tới 47%. Toàn huyện có 134 thôn tự chủ - tự quản, tương đương với 134 thôn NTM. Từ các nguồn lực huy động, huyện làm mới trên 282 km đường bê tông nông thôn; huy động xã hội hóa trên 216 tỷ đồng, nhân dân hiến trên 413 nghìn m2 đất, góp 235 nghìn ngày công lao động, đóng góp vật tư khác quy đổi thành tiền tương đương 155 tỷ đồng; huy động cá nhân, tổ chức từ thiện với kinh phí trên 61 tỷ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số khó khăn.
Người dân xã Vĩnh Hảo chú trọng phát triển cây cam Sành, mang lại thu nhập ổn định. Ảnh: TƯ LIỆU |
Nhận diện chương trình xây dựng NTM tạo cơ hội giúp địa phương và người dân bứt phá phát triển KT – XH, nâng cao đời sống của người dân, Bắc Quang tiếp tục tuyên truyền giúp nhân dân hiểu rõ ý nghĩa của chương trình; tạo đồng thuận, thay đổi tư duy, nhận thức, trách nhiệm của người dân để tích cực chung tay xây dựng NTM. Đẩy mạnh phát động các phong trào thi đua “chung sức xây dựng NTM”; tăng cường kêu gọi nguồn lực xã hội hóa; tuyên dương các tổ chức, cá nhân với quan điểm “người đóng góp nhiều, đóng góp ít tùy theo điều kiện, đều được trân trọng và đáng quý, bình đẳng như nhau”. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, đảm bảo nguyên tắc “công khai, minh bạch, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi và dân phát huy”...
Mặt khác, huyện lồng ghép vốn các chương trình, dự án đầu tư từ các nguồn ngân sách T.Ư, địa phương vào thực hiện chương trình xây dựng NTM. Việc lồng ghép các nguồn vốn được thực hiện đồng bộ ngay từ khâu lập kế hoạch đầu tư, phân bổ, giao dự toán ngân sách; xác định, sắp xếp thứ tự ưu tiên đối với từng dự án, từng tiêu chí, đảm bảo phát huy hiệu quả cao nhất. Với mục tiêu xây dựng NTM bền vững, địa phương tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng đi đôi với đầu tư cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân; hướng dẫn, khuyến khích, tạo điều kiện tối đa cho người dân và tổ chức kinh tế tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, chính sách vào thực tế cơ sở; phát huy vai trò hạt nhân của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền…
“Huyện luôn xác định kinh tế của người dân có khá, giàu thì mới có khả năng đóng góp để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM tại địa phương. Nội lực của người dân chính là nguồn lực lớn nhất, bền vững nhất để xây dựng NTM với phương châm: Có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc.” – Bí thư Huyện ủy Bắc Quang Hà Việt Hưng cho biết thêm.
Bài, ảnh: Kim Tiến