Hà Giang

Nâng tầm kinh tế vườn hộ ở Thuận Hòa

15:42, 16/06/2021

BHG - Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh đã đi sâu vào thực tiễn từ vùng thấp đến vùng cao núi đá của tỉnh; nhiều xã vùng 3 gian khó như Thuận Hòa (Vị Xuyên) người dân mừng vui, phấn khởi khi những mảnh vườn cằn cỗi, không có giá trị nay đã được phủ xanh bằng những vườn rau, củ xanh mướt; những vườn cây ăn trái ra hoa sai trĩu; báo hiệu mùa thu hoạch đạt sản lượng cao, giúp nâng tầm kinh tế vườn hộ.

Anh Phàn Chỉn Cháng (bên trái), thôn Lũng Khỏe A, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) kiểm tra chất lượng hoa Chanh tứ mùa.
Anh Phàn Chỉn Cháng (bên trái), thôn Lũng Khỏe A, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) kiểm tra chất lượng hoa Chanh tứ mùa.

Thuận Hòa là xã có diện tích đất canh tác tương đối lớn của huyện Vị Xuyên, đồng bào nơi đây đa số là dân tộc thiểu số, nên còn nhiều hạn chế trong sản xuất. Khắc phục điều này, cán bộ xã đã nỗ lực vận động người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống.

Gia đình anh Phàn Chỉn Cháng, thôn Lũng Khỏe A, với diện tích vườn 400 m², trước đây anh trồng cỏ Voi làm thức ăn cho bò, không mang lại hiệu quả kinh tế cao; được sự vận động của xã anh đã mạnh dạn triển khai trồng 30 cây Chanh tứ mùa xen canh với 60 cây Ớt gió được lấy giống từ huyện Đồng Văn. Hiện, nhiều cây Chanh tứ mùa đã cho ra hoa, cây Ớt gió cũng đang chuẩn bị cho thu hoạch những lứa hái đầu tiên, hứa hẹn mang lại sản lượng, thu nhập khá cho gia đình. Bên cạnh đó, những chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm được di chuyển ra xa nhà đảm bảo không ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày; ao nuôi cá 120 m² được nạo vét, gia cố chắc chắn và nuôi thả thêm những giống cá phù hợp với khí hậu, nguồn nước của địa phương như: Trắm, Trôi, Chép… Anh Cháng tâm tình: Trước đây, các thành viên trong gia đình không có công việc ổn định, chỉ loanh quanh làm thuê ở ngoài thành phố Hà Giang để có thu nhập trang trải cuộc sống. Từ khi Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh triển khai tôi đã nghiên cứu kỹ các chính sách hỗ trợ về cây, con giống, định hướng đầu ra cho sản phẩm. Tôi chuyển đổi thực hiện trồng cây Chanh tứ mùa được ghép gốc cây lâu năm, xen canh với cây Ớt gió vùng cao thực sự đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. 

Cán bộ xã Thuận Hòa kiểm tra tình hình sâu bệnh trên cây Táo đại.
Cán bộ xã Thuận Hòa kiểm tra tình hình sâu bệnh trên cây Táo đại.

Gia đình chị Nông Ngọc Thoa, thôn Hòa Bắc cải tạo diện tích 1.170 m² trồng cây Mía, Dong riềng, Khoai lang hiệu quả kinh tế thấp chuyển sang trồng 80 cây Táo đại được ghép gốc, 50 gốc Thanh long những cây ăn quả phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Sau 1 thời gian, cây Táo đại đã ra hoa, Thanh long đã đâm chồi, ra nhiều nhánh trong sự phấn khởi của gia đình. 

Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa, Nguyễn Thị Chiêm cho biết: Xã thường xuyên cử cán bộ phụ trách nông nghiệp xuống các thôn, để kiểm tra tình hình phát triển thực tế của các cây trồng mới phù hợp với địa phương; mở các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ ứng dụng khoa học kỹ thuật về chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Từ khi Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh triển khai đến từng người dân đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực, thay đổi cách nghĩ, cách làm, tư duy trong sản xuất; đã định hướng, hỗ trợ nhiều mặt giúp người dân phát triển kinh tế thay đổi cuộc sống. Thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải tạo những vườn, đồi dốc ít đất canh tác, tận dụng triệt để những khoảng diện tích đất hoang, chưa khai phá để trồng những cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, tạo đà phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững ở địa phương.

Bài, ảnh: Đức Ninh


Cùng chuyên mục

Đột phá hạ tầng giao thông ở Xín Mần

BHG - Giao thông có vị trí vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế của mỗi địa phương và đây cũng là tiêu chí được xác định là khó thực hiện trong chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM). Vì vậy, nhiều năm qua huyện Xín Mần luôn tận dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ và sức mạnh đoàn kết từ nhân dân để đầu tư, nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân. 

16/06/2021
Không để chuồng bò… trống vắng

BHG - "Nếu trong chuồng không có con bò nào, chúng tôi cảm thấy rất trống vắng; cho nên, có chuồng nhất định phải có bò" - đây là chia sẻ của ông Lầu Sìa Nô cũng là suy nghĩ của hơn 60 hộ dân thôn Lầu Chá Tủng, xã Sà Phìn (Đồng Văn). Từ quan điểm này, nhiều hộ dân thôn Lầu Chá Tủng đã lựa chọn hình thức nuôi bò vỗ béo; nhờ đó, không ít hộ đã thoát nghèo.

16/06/2021
Xã Vĩnh Phúc cải tạo vườn cam già

BHG - Xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) hiện có trên 1.000 ha cam, chủ yếu là cam Vàng và cam Sành; sản lượng mỗi năm ước đạt trên 11.000 tấn. Tuy nhiên, mấy năm gần đây xuất hiện nhiều diện tích cam già cỗi, làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng sản phẩm. 

15/06/2021
Giữ lối sao chè truyền thống, giữ danh tiếng chè Lũng Phìn

BHG - Nếu ai đã uống chè Shan tuyết Lũng Phìn (Đồng Văn) một lần sẽ không thể nào quên hương cốm đặc trưng, vị ngọt hậu sâu quấn quanh vòm miệng, hương vị ấy chỉ có ở những búp chè Shan tuyết sinh trưởng trên đá tai mèo. Phong thổ đặc trưng của vùng núi đá quanh năm khô hạn và sương mù đã khiến những búp chè nơi đây có nội chất ít vùng nào sánh được. Góp phần làm nên danh trà Lũng Phìn với giá trị không lẫn với vùng nào còn phải kể đến quy trình sao chế được truyền đời của người Mông nơi đây, đó là lối sao chè thủ công bằng chảo gang trên lửa.

15/06/2021