Thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ sản phẩm đặc sản địa phương
BHG - Những năm gần đây, tỉnh ta đặc biệt quan tâm thúc đẩy hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) cho các sản phẩm đặc sản địa phương. Với nhiều chính sách, biện pháp được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, đến nay toàn tỉnh có nhiều sản phẩm được cấp quyền bảo hộ chỉ dẫn địa lý, quyền bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, tạo động lực cho phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tham gia hiệu quả, chủ động vào thị trường.
Người dân xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên thu hái chè Shan tuyết. |
Hà Giang là địa phương có nhiều sản phẩm đặc sản như: Chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà, Hồng không hạt, cam Sành, Thảo quả… Tuy nhiên, sự liên kết giữa các cơ sở sản xuất thiếu chặt chẽ, thống nhất; mỗi cơ sở sản xuất sản phẩm theo ý riêng, không đồng bộ và thống nhất về giá cả, mẫu mã, chất lượng. Do đó, việc bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu chung sẽ tạo lợi ích kinh tế cho tất cả các mắt xích tham gia quy trình sản xuất, lưu thông, tiêu dùng sản phẩm; có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đồng thời tạo công cụ pháp lý để nhà sản xuất, kinh doanh chống lại các hành vi giả mạo.
Nhằm thúc đẩy hoạt động bảo hộ SHTT cho các sản phẩm đặc sản của địa phương, trong giai đoạn 2016 – 2020, Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch về lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Các sở, ngành liên quan cũng tích cực tham mưu cho tỉnh ban hành các quy chế quản lý và phát triển sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận kịp thời, đúng quy định. Đến nay, tỉnh ta đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp quyền bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 7 sản phẩm có tính chất đặc thù, gồm: Mật ong Bạc hà Mèo Vạc, Hồng không hạt Quản Bạ, Gạo tẻ Già Dui Xín Mần, cam Sành Hà Giang, chè Shan tuyết Hà Giang, thịt bò Hà Giang và Thảo quả Vị Xuyên.
Về sản phẩm được cấp quyền bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, đến nay toàn tỉnh có 7 sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, gồm: Chè Shan tuyết và Thảo quả (Hoàng Su Phì); Tam giác mạch, thịt bò vàng, Đậu xị và Lanh thổ cẩm (Quản Bạ); Hồng không hạt Na Khê (Yên Minh). Ngoài ra, có 6 hồ sơ đăng ký đang trong giai đoạn chờ cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận.
Việc quản lý và cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho 7 sản phẩm đã được UBND tỉnh ủy quyền cho Sở KH&CN, Sở NN&PTNT và các huyện Quản Bạ, Xín Mần, Vị Xuyên. Việc quản lý các sản phẩm được cấp quyền bảo hộ chỉ dẫn địa lý luôn được quan tâm đẩy mạnh nhiều mặt, như: Hướng dẫn, kiểm tra, phân tích chất lượng, cấp quyền sử dụng… Đến nay, toàn tỉnh đã cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý đối với 7 sản phẩm cho 58 tổ chức, cá nhân. Đối với nhãn hiệu chứng nhận thì tất cả các nhãn hiệu chứng nhận đều do UBND các huyện là chủ sở hữu ủy quyền cho phòng chuyên môn quản lý. Các nhãn hiệu chứng nhận đã được cấp quyền cho các tổ chức, cá nhân sử dụng như: Thảo quả Hoàng Su Phì (HTX Nông, lâm sản Hoàng Su Phì); Hồng không hạt Na Khê (HTX Bảo Minh); Tam giác mạch Đồng Văn (HTX Bắc Nam).
Cùng với đó, công tác hỗ trợ cấp mã số, mã vạch, tem nhãn cũng được quan tâm thực hiện. Tỉnh đã xây dựng cổng thông tin truy xuất: hagiangtrace.com kết nối với cổng thông tin quốc gia. Cập nhật thông tin và cấp mã QR code cho 9/9 cơ sở sản xuất mật ong Bạc hà sử dụng chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc”. Tổ chức in 146.500 chiếc tem thông minh truy xuất nguồn gốc phục vụ cho việc xúc tiến thương mại và tham gia vào các chuỗi siêu thị cho các cơ sở sản xuất mật ong Bạc hà sử dụng chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng gặp một số khó khăn như: Quản lý còn thiếu đồng bộ, chồng chéo; nhận thức của một số tổ chức, cá nhân về lợi ích của sản phẩm được cấp quyền bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận còn hạn chế nên số lượng các tổ chức, cá nhân làm thủ tục hồ sơ xin cấp quyền sử dụng chưa nhiều. Bên cạnh đó, một số sản phẩm được cấp đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý có sản lượng ít, không đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng…
Theo lãnh đạo Sở KH&CN, hoạt động bảo hộ SHTT cho các sản phẩm đặc sản địa phương là cần thiết và cấp bách để nâng cao giá trị sản phẩm cũng như mang lại lợi ích kinh tế cho người dân, doanh nghiệp. Do đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn về SHTT; phát triển thương hiệu gắn với chuỗi giá trị, thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức, tập thể, người dân; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận khi đưa ra thị trường; quản lý, duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận một cách bền vững, dài hạn gắn với đó là đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá các sản phẩm đã được cấp chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận… sẽ là những giải pháp hữu hiệu nhằm đưa SHTT thành công cụ để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của địa phương.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc