Nông nghiệp, du lịch sẽ là hai lĩnh vực trọng yếu trong phát triển KT-XH của Yên Minh
BHG - Nhiệm kỳ 2015 – 2020, dưới sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo, trọng tâm, trọng điểm của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, lĩnh vực; Đảng bộ huyện Yên Minh đã hoàn thành đạt và vượt 22/28 chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII. Trong đó, nhiều chỉ tiêu quan trọng trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và du lịch đạt cao, trở thành điểm nhấn, tạo đà cho sự phát triển bứt phá của Yên Minh trong nhiệm kỳ mới.
Mô hình sản xuất rau, hoa trong nhà lưới của HTX Bích Ngọc, thôn Nà Tèn, thị trấn Yên Minh. Ảnh: HỒNG CỪ |
Là huyện nghèo, biên giới, đặc biệt khó khăn; đến nay, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực trọng yếu trong phát triển kinh tế của Yên Minh. Vì thế, dù gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi khi thường xuyên chịu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; nhưng 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Yên Minh, linh hoạt triển khai đồng bộ các chủ trương, cơ chế, chính sách của T.Ư và của tỉnh về phát triển nông - lâm nghiệp phù hợp với thực tiễn địa phương nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, như: Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, các nghị quyết khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa của HĐND tỉnh, Đề án nửa triệu con đại gia súc. Đồng thời, chủ động xây dựng các chương trình, đề án thực hiện khâu đột phá về “Phát triển chăn nuôi trâu, bò và lợn đen thành hàng hóa, gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ”. Tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị thu nhập/đơn vị diện tích đất canh tác; chuyển đổi chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại; tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất…
Có thể khẳng định, sản xuất nông nghiệp của huyện đã và đang chuyển biến toàn diện, từ phát triển theo bề rộng sang chiều sâu, với nhiều kết quả đáng ghi nhận: Diện tích cây trồng hằng năm đạt gần 2.700 ha, tổng sản lượng lương thực đạt trên 45.500 tấn, vượt chỉ tiêu nghị quyết; tổng đàn gia súc 112.288 con, gia cầm 367.682 con, đàn ong 7.015 tổ, đều vượt chỉ tiêu đề ra; tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông - lâm nghiệp chiếm 30,83%. Đặc biệt, huyện đã phát triển mới 91 gia trại chăn nuôi và 4 cơ sở sản xuất giống, nâng tổng số gia trại trên toàn huyện lên 123 gia trại. Hình thành và phát huy hiệu quả các chợ gia súc, góp phần thúc đẩy chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đem lại giá trị cao. Một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng địa phương bước đầu trở thành hàng hóa, được thị trường đón nhận, như: Gạo chất lượng cao, Hồng không hạt, xoài, dưa hấu, thịt trâu, bò, gà thiến, mật ong... Trong đó, sản phẩm mật ong Bạc hà đã được công nhận 3 sao cấp tỉnh. Cùng với đó, trên địa bàn phát triển được 10 mô hình sản xuất rau, quả trong nhà lưới, ứng dụng khoa học, kỹ thuật cho năng suất, giá trị kinh tế cao. Những kết quả đó đã giúp nâng giá trị sản xuất bình quân/ha đất nông nghiệp lên 39,17 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 19,81 triệu đồng/năm.
Nằm trên vùng Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn với nhiều điểm tham quan hấp dẫn và văn hóa đặc sắc của các dân tộc; huyện có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Vì vậy, “Phát triển du lịch gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch” được Đảng bộ huyện lựa chọn là chương trình trọng tâm thực hiện trong nhiệm kỳ qua. Với sự quan tâm, chỉ đạo, điều hành sát sao, linh hoạt của Huyện ủy – HĐND – UBND huyện và nhận thức ngày càng cao của người dân về phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch, ngành “công nghiệp không khói” đã có nhiều khởi sắc. Huyện có 3 làng văn hóa du lịch cộng đồng ở các thôn: Nà Mạ, Bục Bản (thị trấn Yên Minh), Cốc Pảng (xã Du Già), được du khách ngày càng quan tâm và lựa chọn. Đặc biệt, với lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu và những nét văn hóa bản địa, xã Du Già trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách quốc tế khi lên Cao nguyên đá Đồng Văn. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như nhà nghỉ, khách sạn, homestay, nhà hàng ngày càng phát triển, với trên 40 cơ sở lưu trú, trên 300 phòng, đáp ứng đủ nhu cầu lưu trú cho trên 1.000 khách mỗi ngày. Nhất là trên địa bàn huyện đã có những khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao, 2 sao và các homestay mang bản sắc văn hóa, kiến trúc các dân tộc, đem đến cho du khách nhiều sự lựa chọn. Dù gặp khó khăn do dịch Covid – 19 nhưng ước tính năm 2020, Yên Minh sẽ thu hút được trên 70.000 lượt khách du lịch, tăng 300% so với đầu nhiệm kỳ. Du lịch thực sự đã trở thành một nghề tiềm năng cho doanh nghiệp, người dân trong phát triển kinh tế, góp phần vào thành quả giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện bình quân 6%/năm và giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 44,6%.
Nhiệm kỳ 2020 – 2025, huyện Yên Minh vẫn xác định nông nghiệp và du lịch là những lĩnh vực trọng yếu trong phát triển KT – XH. Với những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, nhất là hai lĩnh vực trên, Đảng bộ, chính quyền các cấp tiếp tục khắc phục mọi khó khăn, khai thác tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, quy hoạch phát triển trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với chuỗi giá trị; cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chú trọng các loại cây ăn quả, cây dược liệu có thế mạnh, giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế; đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ du lịch, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, dịch vụ… Quyết tâm cao nhất phấn đấu hoàn thành các mục tiêu: Thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/người/năm; tổng sản lượng lương thực đạt 45.660 tấn; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân/ha đất trồng cây hàng năm đạt 44 triệu đồng; tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm 35,05%; thu hút 150 nghìn lượt khách du lịch; tỷ lệ làng văn hóa đạt 65%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân năm 6%; nâng số xã đạt chuẩn Nông thôn mới lên 5 xã…
PHAN THỊ MINH (Chủ tịch UBND huyện)