Người "vác tù và" làm kinh tế giỏi ở Giàn Thượng
BHG - Anh Đặng Văn Phong không chỉ được đồng bào Dao, Tày, Nùng biết đến là một người làm kinh tế giỏi, mà còn là người duy nhất trong thôn kiêm nhiệm nhiều chức danh chủ chốt nhất. Anh Phong vừa là Bí thư Chi bộ - Trưởng thôn, kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) toàn thôn Giàn Thượng, xã Tiên Kiều (Bắc Quang).
Anh Đặng Văn Phong chăm sóc vườn cam VietGAP. |
48 tuổi, anh Phong có 19 năm tuổi Đảng, 13 năm làm Trưởng thôn. Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2018 đến nay, anh đồng thời giữ 2 chức danh: Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Giàn Thượng. Không những vậy, anh còn trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX toàn thôn Giàn Thượng để thực hiện tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất; góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng xã Tiên Kiều đạt chuẩn NTM năm 2020. Nhiều người dí dỏm, nhưng rất trân trọng nhắc về anh Phong: Có thâm niên trong nghề “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Chính thâm niên ấy đã chứng minh uy tín của anh đối với cấp ủy, chính quyền xã Tiên Kiều; sự tín nhiệm của 152 hộ đồng bào Dao, Tày, Nùng và Kinh trong thôn Giàn Thượng.
Theo nguyên Chủ tịch UBND xã Tiên Kiều, Phạm Văn Tuyên: Anh Phong là tấm gương sáng trên nhiều phương diện. Chính bởi vậy, công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành của anh nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân để cùng phát huy công sức, trí tuệ xây dựng diện mạo nông thôn thêm khởi sắc.
Giàn Thượng là thôn duy nhất của xã Tiên Kiều không có khoáng sản quý dưới lòng đất. Nhưng tài sản vàng vô giá của nhân dân được anh Phong chỉ rõ, đó là những mùa cam Sành vàng trĩu quả. Do vậy, cam Sành được thôn xác định là cây trồng chiến lược trong phát triển kinh tế, giúp nông dân làm giàu bền vững. Hiện nay, Giàn Thượng là thôn có diện tích cam Sành lớn nhất (295 ha) trong tổng số 8 thôn, bản của xã Tiên Kiều. Với năng suất bình quân trên 13 tấn/ha, giúp nhiều hộ trồng cam thu tiền tỷ mỗi năm. Riêng gia đình anh Phong, từ sản xuất 6 ha cam Sành, giờ đây anh đã sở hữu cơ ngơi bạc tỷ, có tiền đầu tư cho 2 con ăn học…
Với nhận thức, nếu mở rộng diện tích trồng cam, không theo quy hoạch dễ dẫn tới cung vượt cầu, đối diện nghịch cảnh được mùa – mất giá hoặc được giá – mất mùa. Do vậy, anh Phong đã vận động nhân dân không trồng mới cam Sành mà tập trung đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. “Nói đi đôi với làm”, anh nhanh chóng tiếp cận chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo Nghị quyết 29 của HĐND tỉnh. Thông qua Agribank Bắc Quang, anh được giải ngân 250 triệu đồng để đầu tư thâm canh cây cam Sành theo tiêu chuẩn VietGAP. “Đến nay, trong thôn cũng có nhiều hộ vay vốn như tôi. Với sự quan tâm, khuyến khích người dân sản xuất, thời gian qua Agribank Bắc Quang đã giải ngân cho nhiều hộ với số vốn cho vay hàng tỷ đồng. Nguồn vốn vay từ Agribank giúp cho nhiều hộ có vốn đầu tư thâm canh, sản xuất cam Sành hàng hóa, tạo bước phát triển bền vững cho vùng cam Giàn Thượng. Kinh tế phát triển là tiền đề quan trọng để phát huy nội lực trong nhân dân thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, trong đó có vai trò “tiếp sức” của Agribank”, anh Phong nhận định.
Không chỉ sản xuất giỏi, hành trình “vác tù và hàng tổng” của anh đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm cho sự đổi thay tích cực của thôn Giàn Thượng. Năm 2007, ngay sau khi được bầu làm Trưởng thôn, anh đã nỗ lực vận động nhân dân đóng góp 50 triệu đồng (cùng với số tiền 15 triệu đồng Nhà nước hỗ trợ) để xóa thôn “trắng” nhà văn hóa thôn, tạo không gian sinh hoạt cộng đồng. Đến năm 2013, nhà văn hóa chuyển đổi công năng thành điểm trường Mầm non Giàn Thượng, anh Phong tiếp tục vận động nhân dân đóng góp 200 triệu đồng để xây mới nhà văn hóa thôn, theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đặc biệt, để việc đi lại của nhân dân trong thôn thuận tiện, anh đến từng ngõ, gõ từng nhà, “dân vận khéo” để làm tuyến đường cấp phối dài 4,3 km, từ nhà văn hóa đến Đội 1 của thôn Giàn Thượng với tổng trị giá 690 triệu đồng, kinh phí xã hội hóa 100%. Dưới sự điều hành của anh Phong, dự kiến trong tháng 7 tới, thôn Giàn Thượng sẽ khai trương Văn phòng HTX toàn thôn; kho chứa hàng hóa và gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản tiêu biểu với tổng trị giá khoảng 250 triệu đồng. Đặc biệt hơn, tại thôn Giàn Thượng, kinh tế từng bước chuyển biến tích cực sang sản xuất hàng hoá. Thu nhập bình quân đầu người đạt 35,5 triệu đồng/năm và bình quân lương thực đạt 435kg/người/năm…
Với những thành tích xuất sắc trong công tác, thực hiện các phong trào phát triển KT – XH, xây dựng NTM, đặc biệt là sự tâm huyết, “nói đi đôi với làm”, UBND xã Tiên Kiều đang đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Giàn Thượng – Đặng Văn Phong. Còn về phần mình, anh Phong khiêm tốn: Quê hương “thay da, đổi thịt” là thành quả chung của sự đồng thuận trong tư tưởng và hành động của nhân dân. Nhưng chúng tôi hiểu, để có được những thành quả như ngày hôm nay ở Giàn Thượng nói riêng và xã Tiên Kiều nói chung, có sự đóng góp rất lớn từ vai trò của những cá nhân như anh Phong, người luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc