Bệnh binh Hoàng Văn Líu xung kích trên "mặt trận" kinh tế

08:56, 22/04/2020

BHG - Những ngày tháng 4 lịch sử hào hùng của dân tộc, trong không khí hân hoan chào mừng ngày kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2020), tôi có dịp gặp gỡ bệnh binh Hoàng Văn Líu (sinh 1955), thôn Quyền, xã Xuân Giang (Quang Bình). Phát huy phẩm chất người lính Bộ đội Cụ Hồ, ông không chỉ được biết đến là tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi mà còn là người có uy tín của dân làng, được bà con, tin tưởng.

Ông Hoàng Văn Líu (phải), thôn Quyền, xã Xuân Giang thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nuôi cá.
Ông Hoàng Văn Líu (phải), thôn Quyền, xã Xuân Giang thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nuôi cá. Ảnh tư liệu

Đi dưới tia nắng đầu mùa Hạ trong veo, băng qua những con đường làng đổ bê tông khang trang, sạch đẹp, tôi cùng lãnh đạo xã Xuân Giang về thăm nhà bệnh binh Hoàng Văn Líu. Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn truyền thống của người Tày, ông Líu hồ hởi kể lại: “Như bao lớp thanh niên lứa tuổi mười tám đôi mươi, tháng 8.1973, tôi tham gia quân ngũ, chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Đơn vị tôi thuộc Trung đoàn 99, Đoàn 559 của Bộ Quốc phòng và có nhiệm vụ mở đường Hồ Chí Minh. Hành trình mở đường dọc theo tuyến từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế vô cùng gian truân, vất vả vì toàn đường rừng, ngoài dụng cụ cuốc, xẻng bộ đội phải tự đan sọt từ những cây tre, nứa để vận chuyển từng hòn đá, tấm bê tông làm đường. Mở đường đến đâu, anh em chiến sĩ làm lán trại đến đó, có đợt mưa dầm hàng tháng, tôi bị sốt rét và được cán bộ y tế chăm sóc rất chu đáo. Tôi nhớ nhất kỷ niệm đơn vị đi bắc cầu cho xe tiến vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 và được chứng kiến giây phút miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cảm giác lâng lâng hạnh phúc, không thể diễn tả bằng lời”.

Sau ngày giải phóng, anh Líu được phân công về nhận nhiệm vụ Đại đội Trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 30, Trung đoàn 99, Sư đoàn 384 và đến năm 1987 ra quân trở về quê hương. Với ý chí, bản lĩnh của người lính đã từng được tôi luyện trong gian khó, ông nhanh chóng bắt tay xung kích trên “mặt trận” kinh tế. Bằng bàn tay, khối óc và tinh thần sáng tạo, ông đã cải tạo đầm lầy thành ao nuôi cá rộng 3.000 m2. Mỗi năm, cung cấp ra thị trường khoảng 4 tấn cá các loại như: Trắm, Trôi, Rô phi, Chép. Bên cạnh đó, gia đình ông còn nuôi bò, lợn, gà và trồng Quế. Tổng lợi nhuận mỗi năm đạt trên 200 triệu đồng. Ông Líu cho biết: “Trong mô hình kinh tế tổng hợp, nghề nuôi cá tôi tâm đắc nhất từ trước đến giờ, đây cũng là khoản thu nhập chính của cả gia đình, nhờ số tiền này tôi đã nuôi được các con ăn học, trưởng thành và có nghề nghiệp ổn định. Bây giờ, thời đại công nghệ thông tin thuận lợi, thế hệ trẻ nên nghiên cứu, học hỏi những cách làm hay để có thể làm giàu cho chính mình”.

Anh Hoàng Văn Dẫn, con trai ông Líu bày tỏ: “Dù sức khỏe bố tôi có phần giảm sút nhưng ông chưa một ngày nghỉ ngơi mà vẫn cần mẫn, chăm chỉ lao động. Bố hay thường xuyên dăn dạy chúng tôi, còn sức trẻ, lòng nhiệt huyết thì hãy cống hiến, cố gắng hết mình trong tất cả mọi việc thì chắc chắn sẽ được đền đáp xứng đáng. Đó là nguồn động lực, tấm gương sáng để tôi học tập và noi theo. Nhận thấy ở địa phương có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi hàng hóa, tôi vừa đầu tư chuồng trại để nuôi lợn nái sinh sản và nuôi gà thương phẩm. Với kinh nghiệm, định hướng của gia đình cộng thêm việc tìm hiểu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, tôi tin mình sẽ làm được”.

Ngoài tâm huyết làm kinh tế, ông Líu còn có 14 năm làm việc tại Quỹ tín dụng xã Xuân Giang. Ở môi trường làm việc nào, ông đều nhiệt tình tham gia các phong trào ở cơ sở, sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, bí quyết làm giàu cho bà con làng xóm. Trong hàng chục mô hình kinh tế của hội viên Hội Cựu chiến binh xã, mô hình của ông được đánh giá duy trì hiệu quả và bền vững nhất. Qua những nỗ lực không ngừng nghỉ và cống hiến của mình, bệnh binh Hoàng Văn Líu đã nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của tỉnh, huyện trao tặng. Tin rằng, với nền tảng tri thức, am hiểu tiềm lực của địa phương, các hội viên sẽ làm chủ được tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh - ông Hoàng Văn Dụ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Xuân Giang khẳng định.

Bài, ảnh:  MỘC LAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Yên Minh chú trọng phát triển giao thông nông thôn

BHG - Huyện vùng cao Yên Minh có địa hình phức tạp nên việc phát triển hạ tầng giao thông gặp nhiều khó khăn. Toàn huyện hiện có hơn 264 tuyến đường các loại; trong đó, đường huyện có 12 tuyến với tổng chiều dài 150,96 km (có 144,5 km đường trải nhựa, đường bê tông 2,7 km và 3,7 km đường đất); đường xã có 222 tuyến với chiều dài hơn 644 km (đường bê tông xi măng 186,6 km, đường đất 458,1 km); đường đô thị tại thị trấn Yên Minh có 30 tuyến với tổng chiều dài 22,5 km…

 

21/04/2020
Nâng cấp tuyến đường Việt Quang - Xuân Giang

BHG - Mặc dù gặp nhiều bất lợi do tời tiết và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp; nhưng các công nhân trên công trường cải tạo, nâng cấp tuyến đường Việt Quang - Xuân Giang (Bắc Quang - Quang Bình) vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch và thi công đúng tiến độ.

 

21/04/2020
Đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng ở Bắc Mê

BHG - Xây dựng cơ sở hạ tầng được coi là nền tảng đẩy mạnh kinh tế - xã hội phát triển, thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Với vai trò như vậy, trong quá trình thực hiện xây dựng Nông thôn mới (NTM), huyện Bắc Mê xác định tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng và coi đây là nền móng, đóng vai trò then chốt trong lộ trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

 

21/04/2020
Thành phố Hà Giang đảm bảo điều kiện hoàn thành xây dựng Nông thôn mới

BHG - Theo lộ trình năm 2020 thành phố Hà Giang (TPHG) sẽ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới (NTM); để đạt được mục tiêu đó, hiện tại cấp ủy, chính quyền và nhân dân thành phố đã, đang nỗ lực thực hiện những mục tiêu, nội dung, tiêu chí trong xây dựng NTM.

 

21/04/2020