Hiệu quả từ mô hình nuôi lợn đen ở Cán Chu Phìn
BHG - Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo đối với các xã vùng cao còn nhiều khó khăn; những năm gần đây, huyện Mèo Vạc đã có nhiều giải pháp, tập trung đầu tư phát triển các mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt và bước đầu đã đem lại hiệu quả.
Cán bộ xã thường xuyên kiểm tra việc phát triển chăn nuôi của các hộ dân. |
Với sự nỗ lực phấn đấu và thực hiện từng mục tiêu nhằm rút ngắn khoảng cách giữa vùng sâu, vùng xa, miền núi với thành thị; huyện Mèo Vạc đã huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các xã miền núi có cơ hội vươn lên thoát nghèo thông qua các mô hình phát triển KT – XH.
Xã Cán Chu Phìn, là một trong những xã điển hình trong phát triển kinh tế hộ gia đình từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt của huyện. Những năm gần đây, nhờ được tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân tham gia phát triển kinh tế; nhiều hộ gia đình ở các thôn, bản trong xã đang tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt và từng bước mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt; đời sống của nhiều hộ dân được cải thiện và ngày càng có nhiều hộ thoát nghèo bền vững. Điển hình là mô hình chăn nuôi lợn đen tập trung. Lợn đen là giống lợn bản địa cho thịt thơm ngon và ít bệnh tật; gia đình anh Hờ Pà Lúa, thôn Há Ía, xã Cán Chu Phìn được hỗ trợ từ Chương trình 135 với số tiền 200 triệu đồng. Năm 2017, anh Lúa mạnh dạn đầu tư xây 80 m2 chuồng trại và mua lơn đen giống địa phương về nuôi bán tự nhiên; hiện, gia đình anh có 8 con lợn thịt và 32 lợn nái. Anh cho biết: “Theo chu kỳ sinh sản, cứ khoảng 4 tháng thì anh lại xuất bán được 1 lứa lợn giống với trị giá khoảng 25 triệu đồng; trong 9 tháng đầu năm 2019, gia đình tôi xuất bán được 3 lứa cả lợn thịt lẫn lợn giống và thu về hơn 70 triệu đồng tiền lãi. Nuôi lợn rất đơn giản, gia đình tôi thường tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như bỗng rượu, bột ngô… Để phòng tránh dịch bệnh cho đàn lợn, tôi thường xuyên tiêm phòng và phun khử trùng vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; nếu áp dụng kỹ thuật chăn nuôi theo đúng phương pháp được tập huấn thì kết quả rất tốt”.
Cùng tham gia Chương trình 135 từ năm 2017, gia đình chị Vừ Thị Dà, thôn Há Ía cũng phát triển kinh tế gia đình và vươn lên làm giàu từ chăn nuôi. Hiện, gia đình chị chăn nuôi lợn nái để bán con giống. Trao đổi với chúng tôi, chị Và phấn khởi chia sẻ: “Từ khi nuôi lợn đen, chị xuất bán được rất nhiều lứa lợn giống; tôi thích nuôi lợn nái vì được xuất bán nhanh, chỉ khoảng 2 tháng là đã được 1 lứa. Chăn nuôi lợn, gia đình cũng đỡ vất vả hơn lại có nguồn thu nhập cao; trừ chi phí, gia đình tôi còn thu được khoảng 50 triệu đồng/năm.
Giống lợn đen rất thích nghi với điều kiện khí hậu và địa hình của địa phương, tuy nhiên, tôi phải thường xuyên nắm bắt thông tin về kỹ thuật chăn nuôi, thời tiết để theo dõi dịch bệnh cho đàn gia súc và tránh những tổn thất không đáng có.”
Ông Thò Mí Má, Phó Chủ tịch UBND xã Cán Chu Phìn cho biết: “Xã luôn khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi nói chung, trong đó có chăn nuôi lợn đen theo hướng sản xuất hàng hóa. Những năm gần đây, người dân chăn nuôi lợn đen gặp nhiều thuận lợi, không ít gia đình trong xã chúng tôi đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi; nhất là đối với những hộ thực hiện mô hình chăn nuôi lợn đen tập trung”.
Với những kết quả đã đạt được, mô hình phát triển chăn nuôi lơn đen theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô nhỏ và vừa có sự hỗ trợ của Nhà nước trên địa bàn xã Cán Chu Phìn nhiều năm qua đã cho thấy hiệu quả; giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững và góp phần đẩy mạnh phát triển KT – XH ở địa phương.
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊ DỊU
Ý kiến bạn đọc