Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
BHG - Đẩy mạnh thanh toán các dịch vụ công và chi trả chương trình an sinh xã hội thông qua hệ thống ngân hàng là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ số; góp phần xây dựng chính quyền điện tử; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế.
Nhân viên Thế giới Di động (thành phố Hà Giang) thực hiện thanh toán qua thiết bị POS cho khách hàng. |
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 – 2020 và Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; UBND tỉnh đã ban hành các quyết định, kế hoạch và chỉ đạo các cấp, ngành triển khai đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đông đảo người dân. Mục tiêu: Đến cuối năm 2020, tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đạt 85% trở lên trong tổng doanh số thanh toán qua hệ thống ngân hàng; phát triển dịch vụ thanh toán qua thẻ; lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ POS tại tất cả các huyện, thành phố, siêu thị, trung tâm mua sắm lớn và cơ sở phân phối hiện đại trong toàn tỉnh; 70% đơn vị cung cấp dịch vụ công chấp nhận thanh toán hóa đơn qua các hình thức không dùng tiền mặt; 90% số đơn vị hưởng lương ngân sách thực hiện trả lương qua tài khoản; tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng tại trung tâm thành phố, thị trấn đạt 50%.
Đến nay, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã triển khai áp dụng các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp, thuận lợi cho khách hàng trong việc nộp thuế, thanh toán hóa đơn định kỳ như: Tiền điện, nước, học phí, chi trả lương, trợ cấp từ Bảo hiểm Xã hội (BHXH); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, phát triển các phương tiện thanh toán mới, tạo điều điều kiện cho khách hàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ của ngân hàng; phối hợp với Kho bạc Nhà nước, Cục Hải quan, Cục Thuế tỉnh thực hiện thu nộp ngân sách qua hệ thống ngân hàng; ký thỏa thuận hợp tác với BHXH, Bưu điện tỉnh, Công ty Điện lực, Công ty Cấp thoát nước đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng. Phát triển thêm các các hình thức thanh toán như: Thanh toán trực tuyến, thanh toán qua máy POS, trên các ứng dụng điện thoại thông minh và các dịch vụ thanh toán hiện đại khác; mở rộng liên thông giữa các ngân hàng; tăng cường hệ thống bảo đảm an toàn, bảo mật cho các giao dịch ATM, POS để chống các hành vi gian lận.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, việc triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng. Năm 2018, số thuế Nhà nước thu được qua hệ thống ngân hàng là 33.378 món, với tổng số tiền 1.730 tỷ đồng; thu hộ tiền điện 72.505 món với số tiền 270 tỷ đồng; tiền nước 28.176 món, với số tiền 3,8 tỷ đồng; chi trả an sinh xã hội 10.224 món, với số tiền 614 tỷ đồng. Hiện nay, số thẻ ATM do các chi nhánh NHTM phát hành trên 216.670 thẻ; có 34 máy ATM trên toàn tỉnh; khách hàng thực hiện thanh toán qua ATM trên 1.898.500 món, trị giá thanh toán trên 5 nghìn tỷ đồng; có 121 máy POS được lắp đặt tại các cửa hàng. Thiết bị POS chấp nhận hầu hết các loại thẻ của tổ chức thẻ; khác hàng thực hiện thanh toán qua POS trên 14.540 món, với số tiền 45 tỷ đồng.
Để thực hiện giao dịch không dùng tiền mặt, các NHTM đã đưa ra thị trường hơn 200 sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng; cung cấp hơn 50 sản phẩm dịch vụ mới trên các kênh hiện đại như: ATM, POS, EDC, Mobilebanking, Intenetbanking… đến khách hàng. Hình thức thanh toán đa dạng, bao gồm: Ủy nhiệm chi tự động, Internetbanking, mobilebanking, gạch nợ tại quầy, thu tự động, thu hộ thông qua trích nợ tự động tài khoản thanh toán của khách hàng, dịch vụ ngân hàng điện tử, ví điện tử…
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Giang Lê Vũ Phong, cho biết: “Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các NHTM tiếp tục triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt với các hình thức, phương thức mới, hiện đại; tăng cường thông tin, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đến đông đảo người dân; phối hợp với các sở, ngành triển khai thực hiện hiệu quả đề án; phát triển thêm các sản phẩm thẻ khách hàng đa năng, đa dụng, cho phép thực hiện giao dịch thu nộp thuế, thu phí cầu đường, nhận tiền BHXH… với nhiều hình thức thanh toán khác nhau; thực hiện tốt công tác phòng, chống tội phạm thẻ; phòng ngừa và xử lý các hành vi gian lận trong giao dịch thanh toán; mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ tại một số cơ quan, đơn vị; đào tạo đội ngũ cán bộ ngân hàng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”.
Thực tế, Hà Giang là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, việc người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được tiếp cận các dịch vụ của ngân hàng còn hạn chế; đặc biệt thói quen sử dụng tiền mặt và tâm lý ngại thay đổi phương thức thanh toán vẫn còn. Để thực hiện thành công đề án thanh toán không sử dụng tiền mặt trên địa bàn tỉnh, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Bài, ảnh: AN GIANG
Ý kiến bạn đọc