Quản Bạ đẩy mạnh kiểm tra các chương trình chính sách tín dụng
BHG - Là huyện 30a còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao; việc thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng có ý nghĩa to lớn trong việc giúp người dân vùng sâu, vùng xa giảm nghèo bền vững. Để đảm bảo nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến được tay người nghèo, huyện Quản Bạ đã thành lập Đoàn kiểm tra và đẩy mạnh kiểm tra việc thực hiện các chương trình chính sách tín dụng và nhiệm vụ nhận ủy thác của các hội, đoàn thể. Nhằm hạn chế thấp nhất những sai sót, để nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng; góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Đoàn kiểm tra việc thực hiện các chương trình chính sách tín dụng tại xã Quyết Tiến (Quản Bạ). |
Phó Giám Đốc Ngân hàng CSXH huyện Quản Bạ, Nông Văn Dũng, cho biết: Đoàn kiểm tra việc tổ chức thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại 13 xã, thị trấn. Đối tượng kiểm tra về công tác chỉ đạo điều hành của UBND các xã, thị trấn; vai trò của Chủ tịch UBND xã là thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) huyện. Việc chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện tín dụng chính sách và các văn bản, nghị quyết của Ban đại diện các cấp. Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ ủy thác của 4 hội, đoàn thể cấp xã trong việc cho vay, quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách. Kiểm tra các mặt hoạt động của Ban quản lý các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Đối chiếu dư nợ của các hộ vay vốn, qua đó, phản ánh được việc tổ chức thực hiện đến việc quản lý nguồn vốn, đảm bảo đúng quy định về thực hiện tín dụng chính sách. Kịp thời phát hiện những hạn chế còn tồn tại để yêu cầu UBND các xã, thị trấn, hội, đoàn thể, Ban quản lý Tổ TT&VV có các giải pháp, để nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả, giúp người dân giảm nghèo bền vững.
Bà Phàn Thị Sinh, Tổ trưởng Tổ TK&VV thuộc Hội Nông dân xã Quyết Tiến là người có kinh nghiệm nhiều năm trong việc hỗ trợ và quản lý các hộ vay vốn, chia sẻ: “Tổ do tôi quản lý gồm 54 hộ vay vốn, với tổng dư nợ 1,6 tỷ đồng. Phần lớn bà con vay vốn để mua trâu, bò về chăn nuôi. Qua 7 năm nhiều gia đình giảm nghèo nhờ nguồn vốn Ngân hàng CSXH. Bên cạnh việc kiểm tra, Đoàn công tác còn hướng dẫn các Tổ TK&VV xây dựng quy ước hoạt động của tổ, bình xét công khai đối với các đối tượng đề nghị vay vốn; thông báo, phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước; kiểm tra, đôn đốc Ban quản lý Tổ TK&VV thực hiện hợp đồng ủy nhiệm đã ký với Ngân hàng CSXH.
Đoàn cũng kiểm tra sự phối hợp với Ngân hàng CSXH, chính quyền địa phương như: Giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ về cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Kiểm tra xác nhận, phê duyệt danh sách cho vay các đối tượng được vay vốn. Kết quả thực hiện Điểm giao dịch xã về công khai chế độ chính sách tín dụng ưu đãi; chấp hành nội quy giao ban, giao dịch của cán bộ theo dõi tín dụng chính sách trên địa bàn cũng như các hội, đoàn thể nhận ủy thác ở xã, thị trấn.
Qua công tác kiểm tra, đã phát hiện những bất hợp lý về cơ chế, chính sách và những vướng mắc về quy trình, nghiệp vụ trong quá trình thực hiện như: Việc quản lý sổ sách của các Tổ TK&VV còn lúng túng do trình độ dân trí không đồng đều, một số hộ vay vốn còn vướng mắc về các thủ tục,… qua đó, nhằm tháo gỡ kịp thời, nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi cho người nghèo.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc