Hoàng Su Phì, đa dạng hóa các mô hình phát triển kinh tế
BHG -Những năm qua, việc phát triển kinh tế từ các mô hình trang trại, gia trại đã và đang trở thành hướng đi bền vững trong công tác xóa đói, giảm nghèo tại các xã, thị trấn của huyện Hoàng Su Phì. Có được điều đó, bởi người dân đã nhận thức rõ, ngoài việc sản xuất nông nghiệp thuần túy, muốn làm giàu thì phải phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo hướng hàng hóa.
Mô hình chăn nuôi bò sinh sản cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm của hộ anh Lù Văn Chương, xã Tụ Nhân. |
Để các mô hình phát triển, mang lại hiệu quả; cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua sản xuất; phối hợp với các cấp, ngành tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT đến từng nhóm hộ; tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế cho người dân... Nhờ vậy, nhiều hộ đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế và đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại theo hướng đa canh, đa con. Tích cực ứng dụng KHKT vào chăn nuôi, sản xuất; góp phần làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Việc phát triển các mô hình kinh tế không những giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương; góp phần vào xóa đói, giảm nghèo mà còn thúc đẩy mối liên kết, tiêu thụ hàng hóa một cách bền vững tại địa phương.
Theo báo cáo của huyện, Hoàng Su Phì hiện có trên 20 mô hình kinh tế nông nghiệp được tổng kết, đánh giá đạt hiệu quả cao; 18 trang trại, gia trại phát triển chăn nuôi quy mô lớn và trên 300 mô hình phát triển kinh tế hộ đạt hiệu quả, cần được nhân rộng... Hầu hết các trang trại, gia trại trên địa bàn đã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình nuôi gà trang trại của anh Phan Hữu Tụ, tổ 3, thị trấn Vinh Quang với trên 10 nghìn con gà xương đen và gà siêu trứng; mỗi năm cho thu nhập từ 150 – 200 triệu đồng. Mô hình nuôi bò sinh sản với quy mô trên 20 con của anh Lù Văn Chương và anh Tráng Văn Lù, xã Tụ Nhân cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; mô hình phát triển cây ăn quả gắn với chăn nuôi của anh Vù Seo Lùng, xã Bản Péo cho thu nhập trên 70 triệu/năm; mô hình phát triển cây Thảo quả dưới tán rừng với quy mô trên 30 ha của anh Lê Văn Thảo, xã Hồ Thầu cho thu nhập trên 100 triệu đồng…
Có thể nói, việc lồng ghép các chương trình, Dự án và chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững cùng các chính sách hỗ trợ khác đã giúp hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện có thêm nguồn lực để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi. Tuy nhiên, phần lớn các trang trại có quy mô còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện nên hiệu quả kinh tế vẫn còn khiêm tốn; các trang trại còn thiếu các mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ; việc tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc cung - cầu thị trường nên còn nhiều rủi ro; việc tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất còn gặp nhiều khó khăn…
Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, huyện Hoàng Su Phì tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; tăng cường áp dụng KHKT, cơ giới hóa các khâu sản xuất nhằm phát triển nông nghiệp theo chiều sâu; khắc phục việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, có giải pháp xây dựng các Tổ hợp tác và Hợp tác xã; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; tăng cường sự liên kết “4 nhà” để đầu ra sản phẩm ổn định; đặc biệt, khuyến khích và hỗ trợ nhân rộng các mô hình điển hình nhằm tạo tiền đề trong mục tiêu phát triển KT-XH của huyện một cách bền vững.
Bài, ảnh: TIẾN LÂM
Ý kiến bạn đọc