Một số loài cá quý hiếm ở thượng nguồn sông lô, sông Gâm cần được bảo vệ

07:52, 24/08/2017

BHG- Nói đến sông Lô, sông Gâm ngoài vẻ đẹp hùng vĩ của những thác ghềnh, của màu nước trong xanh biếc còn được nhắc đến với những động vật quý hiếm trên dòng sông như: Cá Rầm Xanh, Anh Vũ, Lăng chấm, Chiên, Mi... Những loài cá này nổi tiếng với chất lượng thịt thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao, được mệnh danh là cá tiến vua.

Cá Rầm Xanh: Là loài cá thuộc họ cá Chép. Cá cỡ trung bình, thân dài dẹp bên, đầu hơi ngắn. Mõm nhô, mút trước tròn tày, có kết hạch to tròn. Miệng dưới, hình vòng cung.

Cá sống ở tầng đáy của sông ở những dải đá ngầm, nước trong, dòng chảy siết. Thức ăn của cá là các loại tảo, mùn bã hữu cơ, động vật không xương sống cỡ nhỏ ở đáy sông. Vào mùa Đông cá di cư đến những vùng có dòng nước chảy siết, nhiệt độ nước thấp, nước trong vào có nhiều đá sỏi để đẻ trứng, vào mùa nước đục cá thường ẩn nấp trong hang. Đây là một trong những loài cá quý có xương mềm, thịt ngọt, đặc biệt trứng bùi ngậy rất hấp dẫn. Là loài cá có tốc độ tăng trưởng chậm, những con lớn nhất tìm thấy có khối lượng từ 6 -7 kg. Cá có thể thành thục và sinh sản khi đạt 2 tuổi.

Mùa vụ khai thác từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, kích cỡ dao động từ 0,5 – 1,5 kg/con. Do khai thác quá mức nên sản lượng cá giảm sút nghiêm trọng. Hiện nay cá Rầm xanh được đưa vào sách đỏ Việt Nam ở cấp độ VU cần được bảo vệ.

Cá Anh Vũ :

Tương truyền thời vua Hùng Vương thứ 3, hiệu Hùng Quốc Vương có một ngư dân bắt được con cá lạ, vẩy óng ánh, miệng rộng và dày giống miệng con lợn đã mang đến dâng lên vua. Khi ăn Vua thấy thịt cá ngọt đậm khác hẳn với những loài cá khác, ăn xong tinh thần sảng khoái và minh mẫn. Nhà vua đã ban chỉ dụ ngư dân nào bắt được cá có hình dạng giống như vậy thì phải mang lên tiến vua. Chính vì thế cá Anh Vũ còn được biết đến với cái tên cá Tiến Vua.

Cá Anh Vũ có thân màu đen sáng, bụng trắng sữa, giữa các hàng vảy trên thân có các sọc dọc không rõ ràng. Các vây màu xám. Mõm tròn tày, nhô trước. Miệng dưới, môi trên và da mõm liền nhau, trên có nhiều mấu nhô chất thịt xếp hàng thành dải rộng. Môi dưới rất dày cũng chứa các mấu nhô chất thịt tạo thành dải rộng, hướng về phía cằm thu gọn thành hình tam giác.

Cá Anh Vũ thích sống ở nơi nước chảy, trong, đáy có nhiều sỏi đá ở các khe suối hoặc sông ngòi miền núi. Cá có kích thước trung bình, lớn nhất đạt tới 4 - 5 kg, thường khai thác được cỡ 0,3 - 1,5 kg. Mùa vụ cá đẻ từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, mùa nước đục cá thường chui vào hang để ẩn nấp. Thức ăn chủ yếu của cá mùn bã hữu cơ, động vật không xương sống kích thước nhỏ ở tầng đáy.

Đây là loài cá có chất lượng thịt thơm ngon, được sử dụng để làm các món ăn đặc sản không chỉ phục vụ cho nhu cầu trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài, nên việc khai thác bằng các hình thức như huỷ diệt diễn ra phổ biến đặc biệt trong mùa sinh sản. Với tình hình đánh bắt cá tràn lan, không kiểm soát, không có chính sách duy trì, bảo tồn, bảo vệ và khai thác hợp lý thì chẳng bao lâu, các loài cá quý hiếm sẽ đứng trước nguy cơ tiệt chủng. Cũng như cá Rầm xanh cá Anh Vũ được đưa vào sách Đỏ Việt Nam cần được bảo vệ ở cấp độ VU. Vì vậy rất cần được bảo vệ những loài cá quý hiếm này

Hiện nay để bảo vệ các loài cá quý hiếm trên sông Lô, sông Gâm trước nguy cơ cạn kiệt, tuyệt chủng. Năm 2016, Trung tâm Thuỷ sản Hà Giang đã xây dựng mô hình “Nuôi khảo nghiệm bảo tồn cá Anh Vũ trong ao nước chảy”, kết quả bước đầu đầu hết sức khả quan sau 8 tháng nuôi cá đạt trọng lượng trung bình 155 g/con (kích thước cá thả ban đầu 30 - 35 g/con), phát triển tốt trong điều kiện ao nước chảy, cá thuần hoá và sử dụng cám công nghiệp có hàm lượng đạm lớn hơn 35%, tỷ lệ sống đạt 65%. Hiện nay cá phát triển tốt, là tiền đề cho việc nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá Anh Vũ tại trung tâm.

Để những loài cá này tồn tại và phát triển, biến chúng thành những đặc sản có giá trị kinh tế của Hà Giang cần có sự chung sức của toàn thể xã hội, có các biện pháp cấp thiết bảo vệ cá ngoài tự nhiên và có các công trình nghiên cứu sinh sản nhân tạo chủ động về nguồn giống đến người nuôi. Đó là những điều mà chúng tôi, những người làm công tác phát triển thuỷ sản trăn trở.

Phạm Thị Phương


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nguyên nhân và cách phòng, trừ sâu bệnh hại trên cây cam tại xã Hương Sơn, huyện Quang Bình

BHG- Ngày 18.8.2017, Sở Nông nghiệp và PTNT giao cho Chi cục Bảo vệ thực vật tổ chức đi kiểm tra sâu, bệnh hại trên cây cam tại xã Hương Sơn, huyện Quang Bình. 

24/08/2017
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh kiểm tra các dự án thủy điện tại Bắc Quang, Vị Xuyên và hoạt động của các nhà máy tại KCN Bình Vàng

BHG - Ngày 23.8, đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra thực tế nhằm rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác dự án thủy điện Sông Lô 2 (Vị Xuyên), Sông Lô 4 (Bắc Quang); các nhà máy sản xuất Feromangan, nhà máy sản xuất chì thỏi, chì kim loại...

23/08/2017
Vì sao trồng rừng theo Dự án 661 ở Bắc Mê không thành rừng?

BHG- Dự án 661 được triển khai nhằm giúp người dân tạo thêm nhiều việc làm ổn định, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống; đất trống, đồi trọc từng bước được phủ xanh, rừng tự nhiên được phục hồi, phát triển tốt và môi trường sinh thái được cải thiện... Tuy nhiên, tại huyện Bắc Mê trong suốt gần 10 năm qua, diện tích trồng rừng theo dự án này đã "mất trắng", dẫn đến lãng phí trong sử dụng đất lâm nghiệp. 

23/08/2017
Phú Lũng - xã biên giới đầu tiên cán đích Nông thôn mới

BHG- Tính đến 15.8, căn cứ theo Bộ tiêu chí mới (Quyết định 1980 của Chính phủ); xã Phú Lũng (Yên Minh) đã tự đánh giá 19 tiêu chí Nông thôn mới (NTM) của xã đã đạt chuẩn và hoàn thiện hồ sơ đề xuất huyện, tỉnh thẩm tra thẩm định, đánh giá, phấn đấu công nhận xã đạt chuẩn NTM trong tháng 9 tới.

23/08/2017