Phát triển các mô hình kinh tế - giải pháp bền vững ở Tân Quang

07:56, 23/08/2017

BHG- Những ngày này, nhân dân xã Tân Quang (Bắc Quang) đang nô nức thi đua; góp công, góp sức, tiền của, vật chất để thực hiện xây dựng Nông thôn mới (NTM). Từ công sức nhân dân đóng góp, kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước,... bộ mặt nông thôn của xã Tân Quang đang từng bước “thay da, đổi thịt”. Ngoài thực hiện tốt các tiêu chí trong Bộ chuẩn NTM, Tân Quang rất coi trọng phát triển các mô hình kinh tế và coi đây là giải pháp quan trọng để NTM thực sự bền vững.

Ông Trần Văn Giang chăm sóc vườn cây cảnh.
Ông Trần Văn Giang chăm sóc vườn cây cảnh.

Cuối tháng 7 vừa qua, HTX toàn thôn Mỹ Tân, xã Tân Quang (Bắc Quang) chính thức ra mắt, đi vào hoạt động với các ngành nghề chính, như: Dịch vụ trồng trọt; trồng hoa, cây cảnh; kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; dịch vụ tín dụng nội bộ... Hoạt động của HTX dựa trên nguyên tắc, mục tiêu hợp tác, tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên. Với khẩu hiệu “Vì thành viên phục vụ”, HTX đặt lợi tích của tập thể lên trên hết và đã thu hút được sự tham gia của 64 thành viên gồm các hộ dân đang sinh sống, sản xuất trên địa bàn thôn. Tuy mới hoạt động, nhưng HTX đang tích cực định hướng các thành viên tổ chức lại sản xuất, hình thành những mô hình kinh tế theo hướng chuyên môn hóa cao, có sự liên kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ sản phẩm. 

Ông Trần Văn Giang, Giám đốc HTX toàn thôn Mỹ Tân, cho biết: Mỹ Tân có tổng diện tích tự nhiên trên 168 ha, với 64 hộ, 298 khẩu; trong đo, đất trồng cây hàng năm trên 54 ha. Từ ngày đồng bào dưới xuôi lên khai hoang, chọn dải đất ven sông Lô lập thôn mới Mỹ Tân khoảng những năm 80 của thế kỷ trước cho đến nay, cuộc sống người dân vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tuy trình độ canh tác có được nâng lên, nhưng nhìn chung vẫn còn manh mún, chưa có sự đầu tư thâm canh cao, một số sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ chậm, giá cả bấp bênh và thường bị tư thương chèn ép,... nên cuộc sống người dân nông thôn vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị đất, mấy năm gần đây, người dân đã mạnh dạn đầu tư, phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh; từ một vài hộ tiên phong, đến nay đã có 26 hộ dân tham gia, diện tích khoảng 10 ha với nhiều chủng loại phong phú. Nghề mới đã từng bước gây được tiếng vang, nhưng thị trường tiêu thụ chưa ổn định, chưa ký kết được hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên giá bán chưa cao, sức cạnh tranh chưa lớn. Khi HTX ra đời với vai trò định hướng, hỗ trợ và dẫn dắt kinh tế nông hộ, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật đầu vào, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, quản lý quy trình sản xuất, bao tiêu sản phẩm,... sẽ giải quyết dứt điểm những bất cập trong quá trình phát triển hiện nay của thôn - ông Trần Văn Giang tự tin khẳng định.

“Khi cây cầu Tân Quang bắc qua dòng Lô được nhà nước đầu tư, xây dựng và đưa vào sử dụng; cuộc sống của người dân Mỹ Tân đã thay da đổi thịt một cách nhanh chóng” - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Quang, Phạm Khắc Hoàng, cho biết. Nhằm mục sở thị cuộc sống người Mỹ Tân, chúng tôi cùng Phó Chủ tịch UBND xã rong ruổi trên con đường bê-tông từ đầu cầu Tân Quang nối vào trung tâm thôn. Trời tháng 8 oi nồng, nắng gắt; nhưng vừa đến đầu thôn, một bầu không khí dịu mát bao trùm, khiến cái bức bối qua mau. Hai bên đường bê-tông phủ màu xanh ngắt của những cây cảnh trồng thẳng tắp, được cắt tỉa gọn gàng, vừa tạo hàng rào xanh, vừa mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân. Phía trong hàng rào cây cảnh, những vườn cam Giấy đang trĩu quả, những vườn đào cảnh được chủ nhân dày công uốn tạo thế, tạo cành, hứa hẹn mùa thu hoạch ấm no.

Ngôi nhà của Giám đốc HTX toàn thôn Mỹ Tân, Trần Văn Giang nằm lọt thỏm giữa những vườn cây cảnh, cây ăn quả xum xuê trái. Đưa chúng tôi đi thăm cơ ngơi, ông Giang cho biết, trên diện tích hơn 2 ha đã bố trí nhiều loại cây cảnh có giá trị kinh tế cao, một số loài nhập khẩu từ Lào, Thái Lan về trồng; sau thời gian thử nghiệm đã thích nghi, phát triển tốt. Ngoài ra, ông còn trồng 800 gốc cam Giấy, trong đó 100 gốc trồng thử nghiệm đã cho thu hoạch, 700 gốc đào đang tạo thế sẽ cung cấp cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán tới... Không chỉ mạnh dạn đưa các loại cây mới, giá trị kinh tế về trồng trên diện tích đất của gia đình, ông Giang còn tích cực chuyển giao kinh nghiệm, hướng dẫn bà con trong thôn làm theo. Cùng với nghề trồng hoa, cây cảnh, trên địa bàn thôn có khoảng 20 hộ đã mạnh dạn đầu tư, khôi phục lại nghề trồng cam; trong đó, có 6 ha cam Giấy từ 2 - 3 năm tuổi đã cho những trái ngọt đầu tiên. Từ đầu tư trồng cây cảnh, cây cam, chè, chăn nuôi; các gia đình trong thôn đều có kinh tế khá, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, nhân dân đoàn kết, cùng nhau đóng góp xây dựng quê hương ngày càng phát triển - ông Giang chia sẻ.

Gia đình ông Nguyễn Văn Khế, nhiều năm về trước chỉ canh tác nông nghiệp thuần túy, ruộng vườn rộng, nhưng chưa tổ chức sản xuất khoa học nên quanh năm đầu tắt, mặt tối cũng chỉ đủ ăn. Khi được hướng dẫn cách làm mới, ông mạnh dạn đầu tư trồng đào cảnh và cây ăn quả nên cuộc sống đã vơi đi nỗi nhọc nhằn. Các con ra ở riêng, hai ông bà già sở hữu vườn đào cảnh 200 gốc, đến mùa, sau khi trừ chi phí, cũng có tiền triệu trong nhà. Dừng tay tỉa lá, uốn cành, ông Khế cho biết, khi mới chuyển từ trồng ngô lúa, sang trồng đào cũng run lắm. Nhưng nay đã làm chủ kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm, nghề trồng hoa, cây cảnh mang lại niềm vui, nguồn thu nhập ổn định để có cuộc sống thảnh thơi lúc xế chiều - ông Khế tâm sự. Noi gương ông, các con ngoài giờ ở cơ quan cũng tham gia làm vườn, trồng cây cảnh, cây ăn quả, người nào cũng có của ăn, của để; từ đó tích cực tham gia các phong trào, hoạt động trong làng, ngoài xã.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Quang, Trần Ngọc Hùng tự hào khoe: Thực hiện chủ trương XDNTM của Đảng, Nhà nước; người dân Tân Quang đã tích cực hưởng ứng, phát huy tốt tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm. Sau một thời gian triển khai, Tân Quang đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí, đang trình ngành chức năng thẩm định và công nhận trong tháng 9 tới. Bắt tay vào XDNTM, một trong các yếu tố được Tân Quang coi trọng chính là phát triển các mô hình kinh tế, khi đời sống nâng lên, nội lực củng cố, người dân tích cực tham gia đóng góp công sức, tiền của, cùng nhà nước hoàn thiện các công trình kết cấu hạ tầng, thúc đẩy bộ mặt nông thôn phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Ông Hùng dẫn chứng, Tân Quang có 54 tuyến đường ngõ xóm, liên thôn với chiều dài 7.426 m thi công theo hình thức nhà nước hỗ trợ 100% xi - măng, người dân các thôn bỏ công sức khai thác vật liệu, đóng góp kinh phí thuê máy móc hỗ trợ nên chỉ nhoáng cái đã xong. Đối với 7 tuyến đường trục xã có chiều dài gần 3,7 nghìn mét, tổng dự toán gần 5 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ 75%, số còn lại 25% cũng được nhân dân tích cực đóng góp...

Bước vào XDNTM, xuất phát điểm của Tân Quang rất thấp, nhưng biết chú trọng “bồi bổ sức dân” thông qua các mô hình kinh tế nên người dân tích cực hưởng ứng, đóng góp nhiều công sức, tiền của cùng nhà nước kiến tạo bộ mặt nông thôn. Công sức bỏ ra đã đến ngày “đơm hoa, kết trái”, người dân Tân Quang đang nô nức đón chờ ngày công bố xã đạt chuẩn NTM.

Thiên Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phú Lũng - xã biên giới đầu tiên cán đích Nông thôn mới

BHG- Tính đến 15.8, căn cứ theo Bộ tiêu chí mới (Quyết định 1980 của Chính phủ); xã Phú Lũng (Yên Minh) đã tự đánh giá 19 tiêu chí Nông thôn mới (NTM) của xã đã đạt chuẩn và hoàn thiện hồ sơ đề xuất huyện, tỉnh thẩm tra thẩm định, đánh giá, phấn đấu công nhận xã đạt chuẩn NTM trong tháng 9 tới.

23/08/2017
Vì sao trồng rừng theo Dự án 661 ở Bắc Mê không thành rừng?

BHG- Dự án 661 được triển khai nhằm giúp người dân tạo thêm nhiều việc làm ổn định, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống; đất trống, đồi trọc từng bước được phủ xanh, rừng tự nhiên được phục hồi, phát triển tốt và môi trường sinh thái được cải thiện... Tuy nhiên, tại huyện Bắc Mê trong suốt gần 10 năm qua, diện tích trồng rừng theo dự án này đã "mất trắng", dẫn đến lãng phí trong sử dụng đất lâm nghiệp. 

23/08/2017
Thảo quả Hoàng Su Phì rộn ràng mùa thu hoạch

BHG- Tuy mới bước vào đầu vụ thu hoạch, nhưng giá thu mua Thảo quả trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì năm nay tăng cao so với mọi năm. Cụ thể, giá Thảo quả tươi được các cơ sở thu mua từ 60 – 65 nghìn đồng/kg, Thảo quả khô trên 400 nghìn đồng/kg. Đây không chỉ là niềm vui, mà còn đem lại nguồn thu nhập cao cho người trồng Thảo quả.

22/08/2017
Trên 4.780 tấn gạo được cấp cho người dân thực hiện các chương trình, chính sách trên địa bàn tỉnh

BHG- Từ đầu năm đến tháng 8.2017, Chính phủ đã cấp trên 4.780 tấn gạo cho người dân thực hiện các chương trình, chính sách trên địa bàn tỉnh. 

21/08/2017