Vì sao trồng rừng theo Dự án 661 ở Bắc Mê không thành rừng?

07:52, 23/08/2017

BHG- Dự án 661 được triển khai nhằm giúp người dân tạo thêm nhiều việc làm ổn định, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống; đất trống, đồi trọc từng bước được phủ xanh, rừng tự nhiên được phục hồi, phát triển tốt và môi trường sinh thái được cải thiện... Tuy nhiên, tại huyện Bắc Mê trong suốt gần 10 năm qua, diện tích trồng rừng theo dự án này đã “mất trắng”, dẫn đến lãng phí trong sử dụng đất lâm nghiệp.

Rừng... không thành rừng(!)

Những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền huyện đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế từ trồng rừng nhằm góp phần xoá đói, giảm nghèo. Có thể nói, huyện Bắc Mê có độ che phủ rừng khá cao với trên 65%; tổng diện tích tự nhiên là 85.606,5 ha; trong đó, diện tích đất có rừng là 51.269,77 ha, bao gồm: Rừng đặc dụng 10.769,23 ha, rừng phòng hộ 16.572,11 ha, rừng sản xuất 22.944,18 ha và rừng khác có 984,25 ha.

Dự án 661 được UBND huyện Bắc Mê thực hiện từ năm 2008 đến năm 2011, với tổng diện tích đã trồng là 1.207,4 ha, được triển khai tại 10/13 xã, thị trấn, loại cây trồng chủ yếu là keo, mỡ. Tuy nhiên, qua kiểm tra, xác minh hiện trường đối chiếu từ biên bản rà soát năm 2016 với thực địa để xác định lại diện tích cho thấy, trên địa bàn huyện hiện có tổng diện tích không thành rừng (rừng mất trắng 100%) thuộc Dự án 661 là 1.207,4 ha (rừng sản xuất), tổng giá trị thiệt hại lên đến trên 2 tỷ đồng. Hàng nghìn ha rừng được người dân trên địa bàn huyện Bắc Mê đầu tư sức người, sức của cùng nhà nước phủ xanh đất trống, đồi trọc, đến nay đã bị mất trắng hoàn toàn. Nguyên nhân được địa phương cho rằng, do người dân không chăm sóc, không mặn mà với việc trồng rừng hoặc phá bỏ để trồng cây khác.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Xuân Chài, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Bắc Mê cho biết: Đối với diện tích đất đã giao khoán cho các hộ dân trồng rừng theo Quyết định 661 của Thủ tướng Chính phủ được người dân trên địa bàn nhận khoán đến nay diện tích không thành rừng là do trước đây khi người dân nhận giao khoán ồ ạt, ý thức chăm sóc và bảo vệ chưa cao, việc trồng cây không bóc bầu dẫn đến cây chết cũng là một trong những nguyên nhân. Bên cạnh đó, một số diện tích còn tình trạng người dân chăn thả trâu, bò ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của rừng trồng.

Đề xuất hướng xử lý

Phần lớn các xã, thị trấn có diện tích trồng rừng theo Dự án 661 của Chính phủ hiện sử dụng không đúng mục đích ban đầu theo hợp đồng khoán đã ký kết; nhiều diện tích đã bỏ không nhiều năm nay nhưng vẫn không tiến hành trồng lại rừng. Qua báo cáo cho thấy, Minh Sơn là xã có diện tích rừng bị thiệt hại nhiều nhất với 227,0 ha, tỷ lệ thiệt hại 100%. Theo người dân ở đây cho biết, do đất đồi có độ dốc lớn nên chỉ trồng được cây lúa rẫy, cây ngô. Muốn trồng cây keo có lãi đòi hỏi phải có diện tích đất đồi lớn. Mặt khác, phần lớn người dân lo lắng sản phẩm từ trồng rừng không tiêu thụ được; thời gian đầu tư cho sản xuất lâm nghiệp kéo dài từ 5 đến 10 năm mới cho thu hoạch, nên bà con tận dụng đất để sản xuất cây lương thực mà chưa nghĩ đến lợi ích lâu dài từ phát triển rừng. Tình trạng nhiều nhóm hộ và gia đình đăng ký trồng rừng, đơn vị tiến hành thiết kế nhưng sau đó dân lại không mặn mà vẫn xảy ra. Trao đổi với phóng viên, bà Củng Thị Mẩy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: giải pháp tối ưu cần tính đến là UBND huyện rà soát toàn bộ diện tích rừng trồng thuộc các Dự án 661 trên địa bàn huyện để đề nghị với UBND tỉnh điều chỉnh lại quy hoạch từng loại rừng cho phù hợp. Đối với những diện tích không thành rừng giao cho BQL rừng phòng hộ đề xuất hình thức giải quyết, đề nghị Sở Nông nghiệp &PTNT báo cáo với UBND tỉnh xem xét thanh lý diện tích để tiếp tục tái đầu tư, hỗ trợ hoặc xã hội hóa là do nhân dân tự bỏ kinh phí mua cây giống trồng lại rừng trong những năm tới, không để đất trống gây lãng phí... Đưa việc trồng mới rừng gắn với các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, Nông thôn mới. Trồng phục hồi rừng, làm giàu rừng bằng các giải pháp trồng bổ sung cây bản địa thích hợp với những diện tích rừng đã trồng trước đây nhưng có chất lượng kém, không thành rừng. Nâng cao hơn nữa nhận thức về bảo vệ, phát triển rừng trong toàn dân.

Với những giải pháp được đề ra, các cơ quan chức năng xem xét sớm hoàn chỉnh hồ sơ thanh lý diện tích để tiếp tục tái đầu tư, không để đất trống, đồi trọc gây lãng phí góp phần thiết thực vào công cuộc phát triển KT-XH của địa phương, giúp cho người dân làm giàu và phát triển từ rừng, gắn bó với rừng nhiều hơn và bảo về môi trường sinh thái.

Văn Quân


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thảo quả Hoàng Su Phì rộn ràng mùa thu hoạch

BHG- Tuy mới bước vào đầu vụ thu hoạch, nhưng giá thu mua Thảo quả trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì năm nay tăng cao so với mọi năm. Cụ thể, giá Thảo quả tươi được các cơ sở thu mua từ 60 – 65 nghìn đồng/kg, Thảo quả khô trên 400 nghìn đồng/kg. Đây không chỉ là niềm vui, mà còn đem lại nguồn thu nhập cao cho người trồng Thảo quả.

22/08/2017
Trên 4.780 tấn gạo được cấp cho người dân thực hiện các chương trình, chính sách trên địa bàn tỉnh

BHG- Từ đầu năm đến tháng 8.2017, Chính phủ đã cấp trên 4.780 tấn gạo cho người dân thực hiện các chương trình, chính sách trên địa bàn tỉnh. 

21/08/2017
Đổi mới cơ chế thu tiền sử dụng đất, thuê đất, thuê mặt nước

BHG - Ngày 9/9/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thuê mặt nước. 

19/08/2017
Xã Phú Linh phát động phong trào thi đua nước rút xây dựng nông thôn mới

BHG– Sáng 19.8, tại trụ sở UBND xã Phú Linh (Vị Xuyên), Huyện đoàn Vị Xuyên phối hợp với UBND xã Phú Linh tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua nước rút Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM). Đây là địa phương được huyện Vị Xuyên lựa chọn đưa vào kế hoạch hoàn thành các tiêu chí về NTM trong năm nay.

19/08/2017