Góp phần nâng bước thương hiệu, chất lượng chè Hà Giang
BHG- Có thể khẳng định, chè là cây truyền thống có vị thế và giá trị kinh tế nơi mảnh đất Hà Giang. Để cho cây chè Hà Giang hội nhập trong sự phát triển chung của cả nước và thế giới, những năm qua, các ngành, các cấp, các địa phương, trong đó Trung tâm Khuyến công và xúc tiến công thương (KC&XTCT) Hà Giang đã không ngừng có những đóng góp nhằm nâng bước thương hiệu và chất lượng chè Hà Giang.
Du khách thưởng thức trà tại Lễ hội Văn hóa trà tổ chức tại thành phố Hà Giang 2016. |
Chúng ta có thể nhận diện được sản phẩm chè Hà Giang một cách rõ nét qua rất nhiều thương hiệu, như: Phìn Hò trà; chè Độ Khoa; chè Thượng Sơn, chè Hùng An, chè Xuân Mai... Cùng với đó, những tên gọi chè cũng được gắn thêm với chất lượng là chè hữu cơ, chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Với nỗ lực góp phần thúc đẩy sản xuất chè cũng như nâng cao vai trò, vị thế của ngành chè, Trung tâm KC&XTCT Hà Giang đã không ngừng phối hợp với các huyện, thành phố nắm bắt các nhu cầu, tiềm năng phát triển của các cơ sở, đơn vị sản xuất chè để đề xuất với tỉnh và Bộ Công thương có những giải pháp hỗ trợ phát triển mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè Hà Giang.Trên cơ sở đó, nhiều năm qua, từ các đề xuất của Trung tâm KC&XTCT tỉnh, đã có không ít sự hỗ trợ từ nguồn khuyến công cả địa phương và nguồn khuyến công Quốc gia dành cho phát triển lĩnh vực chè. Riêng năm 2016, toàn tỉnh có 7 đơn vị sản xuất chè nhận được hỗ trợ từ nguồn khuyến công địa phương về máy móc, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, tư vấn thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm. Nhiều đơn vị sản xuất chè đã được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bao bì, quảng bá sản phẩm, học tập, ứng dụng các tiến bộ trong sản xuất, chế biến chè nhằm nâng cao chất lượng chè. Nhiều sản phẩm chè sạch, chè hữu cơ đã được xem xét, bình chọn trở thành sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh, như: Phìn Hò trà, chè Độ Khoa, chè Shan tuyết Nà Chì...
Năm nay, trên cơ sở nhu cầu mở rộng sản xuất, phát triển sản phẩm chè hữu cơ chất lượng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Để đưa thương hiệu chè hữu cơ Hà Giang không ngừng vươn xa, Trung tâm KC&XTCT tỉnh đã đề xuất xin từ nguồn khuyến công Quốc gia để xây dựng Đề án “Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất, chế biến chè Hoàng Long”. Đề án phối hợp, hỗ trợ cho Công ty Trà Hoàng Long, huyện Bắc Quang với kinh phí 400 triệu đồng, thực hiện tại thôn Chu Thượng, xã Tân Lập, huyện Bắc Quang. Đây là một đề án rất cần thiết và phù hợp với mục tiêu tận dụng tiềm năng về chè sẵn có tại địa phương gắn với việc thúc đẩy sản xuất chè hữu cơ, một hướng đi đang rất hiệu quả trong xu thế phát triển chè hiện nay trong cả nước và trên thế giới.
Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Văn Quang, Phó Giám đốc Trung tâm KC&XTCT Hà Giang, cho biết: Những năm qua Trung tâm đã tập trung nghiên cứu nhằm hỗ trợ phát triển các mặt hàng nông lâm sản của tỉnh, trong đó đặc biệt có sản phẩm chè. Trước đây, việc hỗ trợ tập trung vào phát triển cây chè Shan tuyết ở các địa phương, đến nay việc hỗ trợ ưu tiên theo hướng phát triển chè hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng khó tính. Mong muốn của Trung tâm là các đơn vị được hỗ trợ phải duy trì được chất lượng sản phẩm như ban đầu. Tránh việc có đơn vị được hỗ trợ, ban đầu chất lượng rất tốt, về sau giảm dần, ảnh hưởng đến uy tín chè Hà Giang.
Hiện nay, việc phát triển chè theo hướng hữu cơ đang được tỉnh và các huyện có lợi thế phát triển chè rất quan tâm. Nhiều cơ sở sản xuất đã đẩy mạnh liên kết với người dân xây dựng và phát triển các diện tích chè hữu cơ như: Công ty chè Hoàng Long, Hùng Cường...; một số địa phương đang nghiên cứu, xây dựng chỉ dẫn địa lí và tới đây là việc nhận diện, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chè. Qua đó, cùng với sự quan tâm, khuyến khích từ nguồn hỗ trợ khuyến công địa phương và khuyến công Quốc gia, chắc chắn sẽ góp phần quan trọng, từng bước nâng tầm thương hiệu, chất lượng sản phẩm chè Hà Giang.
Huy Ba
Ý kiến bạn đọc