Bắc Mê tích cực cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp

06:45, 16/08/2017

BHG- Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Bắc Mê đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận; góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện. Cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; huyện đã tập trung chỉ đạo các địa phương tích cực đưa cơ giới hóa (CGH) vào đồng ruộng, nhằm giải phóng sức lao động và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Xác định CGH trong sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa quyết định đến việc bảo đảm đúng khung thời vụ và tăng hệ số sử dụng đất, cũng như đem lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Trong những năm gần đây, huyện Bắc Mê đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đặc biệt là việc xây dựng hệ thống giao thông nội đồng để khuyến khích các hộ đưa cơ giới vào sản xuất; ngoài chính sách chung của tỉnh, huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động và giúp bà con nông dân tiếp cận với máy móc hiện đại; dần sử dụng và đưa máy móc vào sản xuất để nâng cao năng suất. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện có trên 2.480 máy nông nghiệp; 1 dây truyền máy cấy mạ khay và 1 máy gặt liên hoàn... Các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày càng được bà con nông dân trên địa bàn huyện sử dụng rộng rãi. Từ đó, giúp bà con hoàn thành sớm việc thu hoạch nông sản, đẩy nhanh tiến độ làm đất cho vụ kế tiếp.

Đưa máy nông nghiệp vào sản xuất đã mang lại hiệu quả cao, song các điều kiện cần thiết cho phát triển CGH trên địa bàn huyện thì vẫn còn nhiều hạn chế như: Địa hình đồi, núi có độ dốc lớn, nương rẫy cách xa nhà; ruộng đất manh mún, điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn; nên hầu hết các hộ chủ yếu đầu tư các loại máy nông nghiệp nhỏ phù hợp với địa hình như: máy cày cầm tay, máy phát cỏ cầm tay, máy tẽ ngô gia đình,... Ông Giàng A Quán, Bí thư Chi bộ thôn Nà Chảo (Yên Cường) cho biết: Hiện, máy nông nghiệp trong thôn đã hỗ trợ rất lớn vào các khâu làm đất, thu hoạch. Đặc biệt việc sử dụng máy trong sản xuất nông nghiệp sẽ giúp thời gian phơi đất lâu hơn, tốt hơn. Trong mấy năm gần đây, trên địa bàn thôn số lượng máy cày cầm tay, máy phát nương, máy tuốt lúa, máy tẽ ngô tăng lên nhiều. Đó có thể xem là bước tiến quan trọng chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang hiện đại, góp phần hiệu quả vào năng suất lao động, nâng cao chất lượng cây trồng trên địa bàn thôn.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân, đồng thời đi trước, đón đầu việc ứng dụng CGH trong sản xuất nông nghiệp; tháng 5.2017, anh Lô Văn Thái, Giám đốc HTX thôn Nà Xá (Yên Định) đã mạnh dạn đầu tư 240 triệu đồng mua máy gặt công nghệ hiện đại. Sau khi giúp bà con nông dân thu hoạch vụ lúa Xuân, máy gặt của anh Thái đã thực sự trở thành người bạn đồng hành thân thiết của nhà nông trên địa bàn xã.

Việc đẩy mạnh CGH trong sản xuất nông nghiệp ở Bắc Mê không chỉ giải quyết bài toán về thiếu lao động do một bộ phận nông dân thường xuyên đi làm ăn xa, một số người chuyển đổi sang làm nghề mới mà còn giảm chi phí trong sản xuất và tạo tiền đề quan trọng cho các địa phương trong huyện xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn. Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường khuyến khích bà con dồn thửa, tạo những mảnh ruộng lớn để đưa máy cày, máy gặt công suất lớn vào làm đất và thu hoạch để thuận tiện cho CGH nông nghiệp cũng như tăng năng suất, tạo hiệu quả kinh tế cao.

Trao đổi với phóng viên, bà Củng Thị Mẩy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho biết: Hiện, máy nông nghiệp trên địa bàn huyện đã hỗ trợ rất lớn vào các khâu làm đất, thu hoạch. Đặc biệt số lượng và chủng loại máy gặt, máy cày cầm tay, máy tuốt lúa tăng nhiều trong mấy năm gần đây. Có thể xem đây cũng là bước tiến quan trọng trong chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang hiện đại, góp phần tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng cây trồng.Thực hiện CGH trong sản xuất nông nghiệp ở Bắc Mê đã, đang từng bước khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương; không chỉ giải phóng sức lao động cho con người, gia súc mà còn là hướng đi giúp người dân nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

Văn Quân


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Góp phần nâng bước thương hiệu, chất lượng chè Hà Giang

BHG- Có thể khẳng định, chè là cây  truyền thống có vị thế và giá trị kinh tế nơi mảnh đất Hà Giang. Để cho cây chè Hà Giang hội nhập trong sự phát triển chung của cả nước và thế giới, những năm qua, các ngành, các cấp, các địa phương, trong đó Trung tâm Khuyến công và xúc tiến công thương (KC&XTCT) Hà Giang đã không ngừng có những đóng góp nhằm nâng bước thương hiệu và chất lượng chè Hà Giang. 

16/08/2017
"Điểm sáng" thu ngân sách nhà nước

BHG- Năm 2017, thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong tình hình KT-XH của tỉnh nói chung và của thành phố Hà Giang nói riêng còn gặp không ít khó khăn; song công tác thu NSNN của thành phố Hà Giang đã đạt được những kết quả nổi bật: Cùng với huyện Xín Mần, thành phố Hà Giang là 2/11 huyện, thành phố có số thu NSNN 6 tháng đầu năm 2017 đạt trên 50% dự toán pháp lệnh – đây thực sự là "điểm sáng" trong thu NSNN của tỉnh.

16/08/2017
Hoàng Su Phì chú trọng nâng cao các tiêu chí

BHG- Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được xác định là mục tiêu cốt lõi của Chương trình xây dựng Nông thôn mới  (NTM). Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, huyện Hoàng Su Phì đã và đang chỉ đạo các xã, thị trấn khai thác tối đa những lợi thế của địa phương; vận động người dân tích cực áp dụng KHKT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích đất sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

15/08/2017
Sản xuất chè theo hướng nông nghiệp tốt ở Bắc Quang

BHG- Sản xuất chè theo quy trình VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), gắn với phân vùng nguyên liệu sản xuất được cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang đặc biệt quan tâm, nhằm hướng đến mục tiêu sản xuất chè bền vững.

15/08/2017