Hội nghị trực tuyến sơ kết các mô hình phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn
BHG - Chiều 28.3, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố sơ kết các mô hình phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Đức Vinh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. lãnh đạo một số sở, ban, ngành, hội, đoàn thể; tại các huyện, thành phố có Thường trực Huyện ủy, UBND và một số phòng, ban chuyên môn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến kết luận hội nghị. |
Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các mô hình phục vụ linh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, đối với “Cánh đồng mẫu”, năm 2012 UBND tỉnh triển khai thí điểm với sự tham gia của 6 huyện. Qua mô hình, giá trị sản phẩm trên diện tích đất canh tác tăng lên đáng kể so với cánh đồng đại trà. Năm 2016, tổng diện tích “Cánh đồng mẫu” trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện trên 6.755ha/374 cánh đồng tại 9 huyện, tăng hơn 2.000ha so với năm 2012. Với mô hình dồn điền - đổi thửa, sau khi thực hiện đã tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất, hình thành vùng sản xuất tập trung, hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng. Chương trình đầu tư có thu hồi để tái đầu tư được huyện Quang Bình triển khai thí điểm từ năm 2013. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện đầu tư cho chương trình trên 74,9 tỷ đồng và đã thu hồi để tái đầu tư trên 50 tỷ đồng. Qua thực hiện, nhiều mô hình sản xuất kinh tế đã được thực hiện, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn...
Về thực hiện thành lập và phát triển Tổ hợp tác (THT) sản xuất thôn, bản, hiện nay toàn tỉnh có 2 loại hình THT đang hoạt động và phát triển là THT dịch vụ và THT sản xuất thôn, bản. Từ 2013 đến cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 964 THT sản xuất thôn, bản với trên 17.300 thành viên. Đối với kết quả thực hiện phát triển HTX theo mô hình thôn Chang, đến nay đã nhân rộng được 40 HTX/10 huyện, thành phố. Tổng số thành viên các HTX là 2.754 người.
Với Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, sau 1 năm thực hiện đã đạt được một số kết quả bước đầu như: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2016 ước đạt 3.569 tỷ đồng, tăng 4,3% (so với với năm 2015); giá trị thu hoạch bình quân trên hecta đất canh tác cây hàng năm ước đạt 41,3 triệu đồng/ha, tăng 1,3 triệu đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm 2016 ước đạt 395,8 nghìn tấn, tăng 1,44%; bình quân lương thực 482,6 kg/người/năm; sản phẩm chăn nuôi ước đạt 38,77 nghìn tấn, tăng 13,11%, trong đó: Sản phẩm thịt trâu, bò ước đạt 6,6 nghìn tấn, tăng 1,2 nghìn tấn...
Thực trạng công tác tổ chức và hoạt động của hệ thống khuyến nông xã, thôn bản: Đối với cán bộ công chức cấp xã phụ trách nông, lâm nghiệp và công tác khuyến nông (gọi tắt là cán bộ nông nghiệp xã) hiện có 190 người/195 xã, phường, thị trấn; cán bộ khuyến nông không chuyên trách cấp xã có 189 người/195 xã, phường, thị trấn. Đối với đội ngũ cán bộ khuyến nông thôn, bản toàn tỉnh hiện có 1.961 người. Có 9 huyện đã và đang thực hiện hợp nhất chức danh cán bộ không chuyên trách cấp xã và thôn bản; 2 địa phương chưa thực hiện là huyện Xín Mần và thành phố Hà Giang.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Chúng Thị Chiên cho rằng: Các mô hình bàn trong hội nghị đã được UBND tỉnh triển khai tốt và có hiệu quả. Tuy nhiên, một số nội dung cần đánh giá rõ hơn để thực hiện hiệu quả hơn nữa. Nên tiếp tục triển khai các mô hình này trong thời gian tới, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp. Đồng thời sớm ban hành Hướng dẫn của Nghị quyết 60 của HĐND tỉnh và bố trí kinh phí cho các cán bộ kiêm nhiệm chức danh. Ngoài ra, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về ưu điểm, hạn chế, sự phù hợp, tính hiểu quả, hướng tháo gỡ vướng mắc và nên hay không nên tiếp tục triển khai các mô hình như: Cánh đồng mẫu; dồn điền - đổi thửa; đầu tư có thu hồi để tái đầu tư; phát triển các THT, HTX; mô hình HTX theo hình thức thôn Chang. Riêng đánh giá về hoạt động của đội ngũ cán bộ nông nghiệp chuyên trách và khuyến nông bán chuyên trách cấp xã, đội ngũ khuyến nông thôn bản; các đại biểu tập trung thảo luận về cách quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng này. Đồng thời, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc và cách tháo gỡ trong triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp...
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến khẳng định các mô hình, chương trình triển khai đã có những tín hiệu và chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức sản xuất hàng hóa và làm tăng thu nhập cho các hộ dân. Đồng thời rút ra cho tỉnh nhiều vấn đề giữa lý luận và thực tiễn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế trong triển khai thực hiện cần rút kinh nghiệm và tháo gỡ khó khăn. Quan điểm của tỉnh là tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình trên cơ sở có điều chỉnh, bổ sung phù hợp và sâu sát hơn với thực tiễn. Các huyện cần rà soát, đánh giá lại về ưu điểm, hạn chế của chương trình Cánh đồng mẫu, dồn điền - đổi thửa, đầu tư tái thu hồi, phát triển các THT sản xuất thôn bản. Qua đó, đề ra giải pháp và hướng tổ chức thực hiện cụ thể trong thời gian tới. Trong quá trình thực hiện phải tích cực tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, nhân dân hiểu về các chương trình; xây dựng kế hoạch, quy hoạch rõ ràng và lồng ghép với các chính sách mà tỉnh, huyện đang triển khai; đẩy mạnh liên kết trong sản xuất với các doanh nghiệp, HTX... Các sở, ngành chuyên môn rà soát lại kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ của mình trong từng chương trình, đồng thời hoàn thiện lại các Hướng dẫn thực hiện cho các địa phương thuận tiện triển khai. Đồng thời, giải quyết những vướng mắc, đặc biệt là việc chỉnh lý, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các diện tích dồn điền - đổi thửa; xây dựng kênh mương, đường giao thông nội đồng.
Đối với việc phát triển HTX theo mô hình thôn Chang, tiếp tục thực hiện theo các chỉ đạo của tỉnh, nhưng làm đến đâu chắc đến đó, không theo phong trào, lựa chọn điểm để có những HTX phát triển bứt phá, rõ nét cho các HTX học tập. Về quản lý cán bộ nông nghiệp xã, thống nhất thông qua UBND xã và trực tiếp là Chủ tịch UBND xã với phương pháp: Phòng Nông nghiệp các huyện căn cứ mùa vụ tham mưu cho UBND huyện giao nhiệm vụ cho Chủ tịch UBND các xã thực hiện nội dung này để nâng cao trách nhiệm của chính quyền xã. Đối với cán bộ nông nghiệp bán chuyên trách và bán chuyên trách cấp xã và cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, thú y thôn bản, các xã nên tổ chức giao ban hàng tháng để nắm bắt việc thực hiện nhiệm vụ và tháo gỡ vướng mắc. Về Chương trình tái cơ cấu Nông nghiệp, các huyện căn cứ thực tiễn, tập trung thực hiện quyết liệt để tạo ra sản phẩm rõ nét và có thương hiệu. Thường xuyên đánh giá tiến độ và kịp thời đề xuất, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Báo Hà Giang, Đài PT – TH tỉnh tham mưu giúp tỉnh thực hiện công tác tuyên truyền trọng tâm, trọng điểm về các chương trình này.
DUY TUẤN
Ý kiến bạn đọc