Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt

14:06, 15/01/2024

BHG - Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đang trở nên phổ biến và được đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh ưu tiên lựa chọn. Để thúc đẩy phát triển TTKDTM, tỉnh tập trung triển khai, thực hiện nhiều giải pháp, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số trên địa bàn.

Là đối tượng khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội, bà Bùi Thị Thược, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang cho biết: Được sự quan tâm của Nhà nước, hàng tháng tôi được cấp phát số tiền gần 600 nghìn đồng. Trước đây, để nhận số tiền này, tôi trực tiếp đến Bưu điện làm thủ tục lĩnh tiền. Mỗi lần như vậy tôi phải gác lại công việc nhà và nhờ người thân chở đi, thậm chí là thuê taxi, điều này vừa tốn kém, vừa mất thời gian. Tuy nhiên, từ tháng 4.2023, được sự hướng dẫn của cán bộ phường, tôi lựa chọn hình thức nhận tiền trợ cấp qua tài khoản ngân hàng; điều này đã giúp tôi tiết kiệm thời gian, chi phí do không phải đi lại; khi có tiền trong tài khoản, việc mua sắm qua mạng hoặc thực hiện các giao dịch cũng trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn.

Siêu thị An Khang (thành phố Hà Giang) tạo mã QR giúp khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt.
Siêu thị An Khang (thành phố Hà Giang) tạo mã QR giúp khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt.

Thực hiện TTKDTM trong chi trả chính sách an sinh xã hội, từ tháng 4.2023, Sở Lao động, TBXH triển khai thí điểm mô hình chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho các đối tượng bảo trợ xã hội thường xuyên tại một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Sau một thời gian triển khai, nhận thấy mô hình đem lại nhiều kết quả khả quan, được các cấp ủy, chính quyền và đông đảo người dân đồng thuận, Sở Lao động, TBXH đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai mô hình này trên phạm vi toàn tỉnh. Đến nay, 11/11 huyện, thành phố đã triển khai, thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng trợ cấp xã hội, trong đó có 6 địa phương thực hiện vượt chỉ tiêu được giao năm 2023 gồm: Bắc Quang, Vị Xuyên, Xín Mần, Hoàng Su Phì, Yên Minh và thành phố Hà Giang.

Tương tự, hoạt động TTKDTM cũng được đẩy mạnh áp dụng trong các lĩnh vực khác như: Giáo dục, y tế, thu, chi ngân sách nhà nước, du lịch, tiêu dùng… Thực hiện các mục tiêu theo Kế hoạch 304 năm 2021 của UBND tỉnh về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, tính hết năm 2023, giá trị TTKDTM toàn tỉnh gấp 16 lần GRDP của tỉnh năm 2023; 67,5% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng; toàn tỉnh có gần 30.000 điểm chấp nhận TTKDTM; tăng trưởng số lượng giao dịch TTKDTM đạt 177%; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện TTKDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt hơn 80%.

Để thúc đẩy hoạt động TTKDTM, trên cơ sở Quyết định 1813 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh đã triển khai hiệu quả các chính sách, quy định của pháp luật về TTKDTM; phát triển hệ sinh thái thanh toán số dựa trên triển khai kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu các hệ thống thanh toán với các hệ thống thuộc các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế; xác định nội dung và phân công nhiệm vụ cụ thể đến các cấp, ngành trong công tác triển khai, thực hiện, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả hướng đến người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng một cách thuận tiện, phù hợp với nhu cầu.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hà Giang tập trung chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng cường triển khai, quảng bá các sản phẩm dịch vụ TTKDTM; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử, xây dựng các chương trình khuyến mại để khuyến khích việc TTKDTM; thường xuyên quán triệt, giám sát các tổ chức tín dụng nâng cao hiệu quả công tác quản trị điều hành nhằm hạn chế rủi ro, phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi vi phạm của tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao.

Có thể khẳng định, thói quen sử dụng tiền mặt trong hoạt động thanh toán dần thay đổi, tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông có xu hướng giảm. Đó là những tín hiệu tích cực trong sự phát triển của đời sống KT - XH của tỉnh.

Bài, ảnh: TRẦN KẾ

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể"

BHG - Chiều 28.12, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số họp trực tuyến tới các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tổng kết công tác năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số quốc gia;

28/12/2023
Sử dụng hóa đơn điện tử góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số

BHG - Ngày 18.11.2023, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1123/CĐ-TTg về việc tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT), góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Nhằm triển khai kịp thời chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài Chính, Tổng cục Thuế và UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo ngành Thuế tập trung phối hợp cùng các sở, ban, ngành triển khai thực hiện, trong đó trọng tâm đối với HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền; việc phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu; tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thuế điện tử.

28/12/2023
Bồi dưỡng chuyển đổi số cho lãnh đạo cấp huyện, xã

BHG - Sáng 27.11, tại Trường Chính trị tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Công ty TNHH Pro Phương Nam (Hà Nội) tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng chuyển đổi số (CĐS) cho lãnh đạo cấp huyện, xã năm 2023. Tham dự có lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

27/11/2023
Tỉnh đoàn tổng kết 2 năm triển khai chương trình chuyển đổi số

  ↵

BHG - Sáng 26.12, Tỉnh đoàn tổ chức Hội nghị tổng kết 2 năm triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số trong đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), khen thưởng gương điển hình, xuất sắc trong thực hiện chuyển đổi số (CĐS). Tới dự có lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành.

26/12/2023