Đồng Văn thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số
BHG - Xác định chuyển đổi số (CĐS) là nền tảng quan trọng để hoàn thành mục tiêu phát triển KT-XH. Đặc biệt, để thích ứng với thời đại công nghệ 4.0, huyện Đồng Văn đã và đang thúc đẩy CĐS toàn diện nhằm tạo bước đột phá về chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền và hoạt động sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Vượt qua điều kiện khó khăn của huyện vùng cao, biên giới, công tác CĐS của huyện Đồng Văn đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản đáp ứng cho việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS tại các cơ quan, đơn vị. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến xã được trang bị máy tính phục vụ công tác chuyên môn đạt trên 98%, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả công việc. 100% các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn đã triển khai lắp đặt Internet cáp quang để phục vụ công việc và tìm kiếm thông tin trên mạng đảm bảo khả năng kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan, đơn vị. Duy trì hiệu quả hoạt động hệ thống hội nghị giao ban trực tuyến với quy mô 21 điểm cầu trên địa bàn huyện phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số. Điểm bưu điện huyện và 13 điểm bưu điện văn hóa xã được khai thác hiệu quả, giúp thông tin liên lạc luôn thông suốt. Bên cạnh đó, mạng Internet băng rộng cố định đã triển khai cung cấp dịch vụ tới trung tâm 19/19 xã, thị trấn và đạt 70% số thôn. Tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt trên 90%, riêng khu vực trung tâm, tập trung đông dân cư đạt 100%.
Lực lượng đoàn viên, thanh niên hỗ trợ người dân cài đặt mã định danh điện tử. |
Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn và cơ quan, đơn vị đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số. Đến nay, 100% các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn duy trì hiệu quả phần mềm quản lý văn bản và điều hành VNPTiOffice; 95% các văn bản chỉ đạo, điều hành được gửi, nhận trên phần mềm.Tỷ lệ văn bản điện tử được gửi liên thông giữa các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn đạt 98%. Kết quả thực hiện hồ sơ giải quyết TTHC trực tuyến đạt 94%.
Song song với đó, việc xây dựng và phát triển kinh tế số, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện đã từng bước ứng dụng công nghệ số, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, mở rộng thị trường, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân. Hiện, huyện đã đưa 18 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart, Voso, Lazada… Đa số các sản phẩm chủ lực của huyện đều đã có mã số, mã vạch, mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm về thông tin của cơ sở sản xuất, nhật ký sản xuất.
Sản phẩm Sâm khoai Tả Lủng (Đồng Văn) có mã số, mã vạch, mã QR truy xuất nguồn gốc. |
Đặc biệt, hòa cùng “làn sóng” CĐS, các ngành chuyên môn như: Y tế, giáo dục, nông nghiệp… cũng kịp thời thay đổi và thích ứng. Theo đó, cơ sở dữ liệu ngành Y tế đang dần được tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu tỉnh; triển khai một số ứng dụng tiện lợi như: Sổ sức khỏe điện tử; phần mềm khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn huyện. Các đơn vị trường học đã thực hiện tuyển sinh qua dịch vụ công trực tuyến; triển khai các phần mềm phục vụ công tác quản lý, dạy và học như: Phần mềm quản lý nhà trường; phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục; phần mềm thiết kế bài giảng điện tử... Ngành Nông nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, khoa học kỹ thuật tại một số hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngành Du lịch thường xuyên quảng bá các danh lam thắng cảnh, các điểm du lịch, điểm di tích, di sản, làng văn hóa du lịch cộng đồng trên các trang web, trang thông tin điện tử, mạng xã hội zalo, fanpage, Facebook của huyện. Tại điểm du lịch Cột cờ Quốc gia Lũng Cú huyện đã triển khai ứng dụng công nghệ bán vé điện tử và lắp đặt hệ thống camera an ninh tự động, lắp đặt hệ thống mã QRcode.
Đồng chí Dinh Chí Thành, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: CĐS là xu thế tất yếu đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng. Mặc dù là huyện nghèo của tỉnh, hạ tầng phục vụ CĐS còn nhiều hạn chế, tuy nhiên, thời gia qua, công tác xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số đã được các phòng, ban, đơn vị quan tâm, phối hợp thực hiện tương đối hiệu quả giúp thay đổi nhận thức, cách làm truyền thống. Đại bộ phận cán bộ, công chức và cả người dân đến nay đã quen với việc trao đổi, xử lý công việc trên môi trường điện tử, giúp cho công tác lãnh, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo huyện được nhanh chóng, kịp thời, từ đó thúc đẩy cho kinh tế số, xã hội số phát triển. Năm 2024 và những năm tiếp theo, huyện sẽ tiếp tục thúc đẩy CĐS ở cả 3 phương diện: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Bài, ảnh: MY LY
Ý kiến bạn đọc