Bắc Quang tăng gia sản xuất theo lời Bác dạy
BHG - Mùa Xuân Canh Tý ghi dấu 59 năm ngày Bác Hồ lên thăm Hà Giang (tháng 3.1961 – 2020). Khắc sâu lời dạy năm xưa của Người: “Đồng bào phải ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để làm cho mọi người áo ấm, cơm no”; nông dân huyện Bắc Quang hôm nay đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu, trở thành minh chứng sinh động trong học tập và làm theo lời Bác dạy.
Liên kết sản xuất dưa chuột giúp chị Hoàng Thị Thịnh – trái, thôn Tân Tiến, xã Hùng An và các thành viên có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. |
Sau những ngày vui Tết Nguyên đán, không khí ra quân lao động sản xuất rộn ràng khắp các cánh đồng của thôn Tân Tiến (xã Hùng An). Những “vựa” dưa chuột xanh tốt không ngừng đơm hoa vàng, tạo nên trái dưa căng đầy nhựa sống. Với phương châm “Tấc đất, tấc vàng”, “không cho đất nghỉ”, ngay sau khi kết thúc vụ Mùa năm 2019, chị Hoàng Thị Thịnh là người đứng ra liên kết 11 hộ dân khác trong thôn để sản xuất dưa chuột vụ Đông theo hướng an toàn, với quy mô 3,5 ha. Thành quả “một nắng hai sương” của họ như nhân thêm niềm vui khi dưa chuột vẫn đang cho thu hoạch, có sản lượng ước đạt từ 15 – 20 tấn/ha, được thương nhân đến tận vườn thu mua với giá từ 10 – 15 nghìn đồng/kg. Chị Thịnh không giấu được niềm vui cho biết: “Sản xuất thuận lợi giúp chúng tôi thu hàng trăm triệu đồng/ha”… Còn tại thôn Khiềm (xã Quang Minh), từ kinh nghiệm sản xuất của nông dân đã hình thành vùng sản xuất tập trung chuyên canh ngô nếp vụ Đông, sử dụng giống ngô nếp chất lượng cao, như: HN88, MX6, MX10... và áp dụng kỹ thuật thâm canh cao. Qua đó, nâng cao năng suất ngô Đông tại thôn Khiềm lên 32 – 34 tạ/ha, ước sản lượng 570 tấn; phục vụ thị trường khu vực chợ trung tâm huyện, các xã lân cận, bày bán dọc tuyến đường Quốc lộ 2 với giá bán trung bình từ 10 – 15 nghìn đồng/kg… Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang – Nguyễn Hồng Tuyên, cho biết: Sản xuất cây vụ Đông trên địa bàn huyện đến nay đã thành nếp, giúp nông dân gia tăng sản xuất, tăng thu nhập. Đa số người dân đều chủ động ngay từ đầu vụ, từ việc chuẩn bị đất, gieo cấy đúng khung lịch thời vụ, cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kịp thời nhằm tạo mọi điều kiện phục vụ sản xuất tốt nhất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ngoài mô hình sản xuất vụ Đông tiêu biểu, huyện Bắc Quang còn có nhiều điển hình trong chuyển đổi, cải tạo vườn, đồi tạp sang cây trồng giá trị kinh tế cao. Trong đó, thôn Mỹ Tân (xã Tân Quang) được xác định là vùng mũi nhọn của huyện về sản xuất rau, hoa và cây cảnh; đặc biệt, sản xuất hoa, cây cảnh phục vụ thị trường trong và ngoài huyện ngày Tết Nguyên đán. Đến nay, toàn thôn đã có 12 ha trồng hoa, cây cảnh bán vào dịp tết Nguyên đán với các chủng loại, như: Hoa hồng, hoa cúc, lay ơn, cây đào, quất cảnh... Đồng thời, xây dựng vùng sản xuất rau an toàn (theo mùa), phục vụ nhu cầu tại chợ trung tâm huyện với diện tích 7,5 ha. Theo Trưởng thôn Mỹ Tân – Trần Văn Giang, hiệu quả kinh tế từ trồng rau, hoa, cây cảnh cao hơn 5 - 7 lần so với sản xuất lúa và doanh thu đạt từ 300 – 400 triệu đồng/năm… Còn anh Đặng Văn Lích, thôn Việt Hà (xã Việt Hồng) đã chuyển đổi, cải tạo 10 ha vườn, đồi tạp sang trồng cây cam Giấy (cam xã Đoài) áp dụng thâm canh theo hướng VietGap. Đến nay, năng suất cam bình quân đạt từ 20 – 25 tấn/ha, tạo doanh thu lên đến 350 triệu đồng/ha/năm.
Không chỉ có những điển hình trên, tại huyện Bắc Quang còn xuất hiện nhiều tấm gương chăn nuôi giỏi, trở thành gương sáng để nhiều người học tập. Đơn cử như: Anh Hứa Văn Bắc, thôn Tân Lâm (xã Quang Minh) nuôi 2.000 đôi chim bồ câu bố, mẹ để xuất bán chim thịt và chim giống. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn huyện Bắc Quang, đây là mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao khi doanh thu đạt trên 350 triệu đồng/năm. Còn ông Cao Văn Sỹ, thôn Cầu Thủy (thị trấn Việt Quang) có doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm khi trồng 4 ha cỏ để nuôi bò sinh sản với quy mô lên đến 40 con. Tương tự ông Sỹ, ông Đặng Văn Minh, thôn Cuôm (xã Đồng Tiến) cũng trồng 2 ha cỏ để chăn nuôi đại gia súc với quy mô 21 con trâu, kết hợp trồng 7 ha keo và dược liệu. Trên cơ sở phát huy lợi thế về diện tích đất đồi rừng, tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc, ông Minh là một trong những hộ có số lượng đàn đại gia súc lớn nhất trên địa bàn xã. Không những vậy, kết hợp hình thức cho nuôi rẽ trâu, ông còn tạo điều kiện cho 12 hộ dân trong và ngoài xã khó khăn về kinh tế có thêm trâu lấy sức kéo, phục vụ sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động trong thôn. Hàng năm, thu nhập bình quân từ chăn nuôi, trồng rừng của gia đình ông đạt khoảng 200 – 400 triệu đồng/năm. Bên cạnh những mô hình trên, Hợp tác xã (HTX) Thanh niên Huỳnh Minh, thôn Ngần Hạ (xã Tân Thành) được đánh giá là một trong những mô hình khởi nghiệp tiêu biểu nhất của huyện Bắc Quang. HTX này do 2 đoàn viên trẻ sáng lập. Họ đều có trình độ chuyên môn đại học, về quê phát triển kinh tế. Doanh thu năm 2019 của HTX từ chăn nuôi 35 lồng cá (15 lồng đang sản xuất, 20 lồng đóng mới) và 500 gà thịt đạt trên 400 triệu đồng…
Có thể khẳng định, trên địa bàn huyện Bắc Quang hiện còn rất nhiều mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp điển hình mà trong khuôn khổ bài viết này không thể đề cập toàn diện. Nhưng tựu chung lại, những mô hình sản xuất nông nghiệp năng suất cao, chất lượng tốt ra đời đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thay đổi tập quán canh tác sản xuất nhỏ lẻ để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, phục vụ nhu cầu, tín hiệu của thị trường. Từ đó, không chỉ nâng cao giá trị trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác mà còn là minh chứng sinh động thực hành hiệu quả lời dạy “tăng gia sản xuất” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc